Cấu trúc đội ngũ
Báo cáo "Toàn cảnh Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021" do nền tảng kết nối Đổi mới sáng tạo BambuUP đánh giá Việt Nam nằm trong tốp ba hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo năng động nhất khu vực Đông Nam Á, chỉ đứng sau Indonesia và Singapore. Chúng ta đang từng bước chuyển mình, trở thành trung tâm mới của đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp với mức độ tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, bài toán đặt ra với những startup là lựa chọn phát triển bùng nổ nhờ nắm bắt cơ hội của thị trường, hay hướng tới mục tiêu bền vững, dài hơi hơn.
Ông Trần Văn Viển, Đồng sáng lập & Giám đốc thị trường phía nam Base.vn nhận định, qua quá trình tiếp xúc và làm việc với các startup, mấu chốt thành bại của các dự án khởi nghiệp không đến từ việc thiếu ý tưởng sáng tạo mà đến từ đội ngũ phát triển không đủ vững chắc. Với bất kỳ startup, doanh nghiệp nào, muốn phát triển bền vững, luôn cần đội ngũ nhân sự tốt. Những cá nhân này không nhất thiết phải là người giỏi nhất, xuất sắc nhất mà phải phù hợp định hướng của công ty. Để startup có sự khác biệt, bứt phá, đòi hỏi phải xây dựng được đội ngũ đủ đam mê, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Công cuộc tìm kiếm nhân sự cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo gặp khó khăn không chỉ ở khâu tuyển dụng đầu vào hay hoàn thiện chính sách mà còn cần chiến lược dài hơi, phản ánh tầm nhìn của người lãnh đạo startup dựa trên bối cảnh thị trường. Anh Nghiêm Xuân Huy, nhà sáng lập Finhay (một trong những startup fintech thành công nhất năm 2019, được xếp vào 100 công ty fintech toàn cầu do KPMG và H2 Ventures công bố), chia sẻ: "Những ngày đầu công ty có bốn người, mọi vấn đề được trao đổi trực tiếp và giải quyết rất nhanh. Nhưng sau khi số lượng nhân sự tăng lên 20 người, chúng tôi phải xây dựng quy trình nội bộ, cách làm việc, quy trình phục vụ khách hàng. Mỗi khi quy mô nhân sự tăng lên, chúng tôi phải cố gắng giải những bài toán mới về phân cấp, chuẩn chỉ trong từng quy trình ra sao, mô hình phát triển sản phẩm thế nào... Tuy nhiên, tôi không coi đó là khó khăn mà là cơ hội để học thêm, trải nghiệm thêm trong công việc".
Mặt khác, theo phân tích của ông Trần Văn Viển, thế hệ lao động trong lĩnh vực công nghệ hiện nay phần lớn thuộc gen Z (thế hệ 2-người sinh trong khoảng từ năm 1997-2012). Việc những người lãnh đạo cần làm đó là đưa ra những mục tiêu cụ thể, chỉ rõ cho đội ngũ nhân sự thấy được tầm quan trọng của dự án, và nhiệm vụ của những người trẻ là tự tìm cách xử lý mà không hề bị áp đặt phương pháp thực hiện. Đây là điểm khác biệt so tư duy xây dựng đội ngũ truyền thống.
Chìa khóa trong tay các nhà sáng lập
Để các startup Việt phát triển bền vững và đi thật xa, nhà sáng lập phải xác định rõ và tập trung sâu vào giá trị cốt lõi. Ý tưởng startup chỉ có thể bay xa nếu được chuyên chở bằng
năng lực và hành động thực tế từ nhà sáng lập.
Anh Louis Nguyen, sáng lập dự án The Parallel, startup phát triển nền tảng giải trí, mạng xã hội theo xu hướng vũ trụ ảo metaverse, chia sẻ: "Dù lựa chọn công nghệ lõi blockchain và theo đuổi hướng đi vô cùng mới mẻ là metaverse, việc tăng trưởng nóng chưa bao giờ được xem như tôn chỉ phát triển của doanh nghiệp. Metaverse là tầm nhìn dài hơi để vươn tới trong 10-20 năm nữa. Khi tôi thuyết trình dự án đến những người đồng sáng lập và các thành viên, mọi người thấy được tiềm năng và bị thuyết phục bởi tầm nhìn ấy. Trong quá trình từng bước bắt tay vào xây dựng dự án, tôi luôn cố gắng đưa ra những yêu cầu mới, giảm tư duy rập khuôn. Họ được thử và sai rất nhiều lần cho đến khi công ty có được sản phẩm thành hình như bây giờ. Với blockchain và metaverse, tất cả đều sẵn sàng tiếp cận, cả về kỹ năng lẫn tâm lý".
Sau 5 năm làm việc với nhiều người đến rồi đi, anh Louis Nguyen tự tin, các nhân viên đã ở lại và gắn bó với công ty đến thời điểm hiện tại là những người đồng hành, họ sẽ không từ bỏ kể cả khó khăn tới đâu. Họ là những nhân tố quan trọng giúp đặt nền móng vững chắc để phát triển dự án metaverse. Tuy nhiên, trong thời gian tới, startup công nghệ này hy vọng cũng có thể thu hút thêm nhiều người giỏi hơn nữa, nhằm chung tay xây dựng một dự án Việt Nam có giá trị. "Tôi tự tin vào cơ hội cạnh tranh sòng phẳng dựa trên khả năng của đội ngũ nhân sự của mình. Họ có khả năng sáng tạo cũng như làm chủ công nghệ rất tốt. Đương nhiên, vẫn cần nhiều thời gian để chứng minh và chủ doanh nghiệp không thể nóng vội được", anh Louis Nguyen khẳng định.
Theo giới chuyên gia, Việt Nam có điểm mạnh nổi trội là đội ngũ nhân lực lập trình đông đảo và có khả năng thích ứng về sản phẩm rất nhanh. Đây là lợi thế không phải quốc gia nào cũng có được. Tuy vậy, muốn đưa những startup công nghệ vươn cao vẫn cần đến tư duy nhạy bén của đội ngũ lãnh đạo về xu hướng thị trường cũng như xác định rõ ràng tầm nhìn và hướng phát triển. Chính họ chứ không phải ai khác sẽ là lợi thế của startup, tạo tiền đề cho những bước đi vững chắc giúp startup Việt có thể cạnh tranh sòng phẳng với các quốc gia phát triển khác trên thế giới.
Việt Nam đang đứng trước cơ hội có một không hai để trở thành nước mạnh về blockchain cũng như là nơi đưa ra rất nhiều sản phẩm về công nghệ được đầu tư và phát triển một cách bài bản, nghiêm túc.