PGS, TS Phạm Quang Long:

“Chúng ta đang rất cần tinh thần khai phóng và thực tiễn của Đề cương Văn hóa Việt Nam”

Nhân kỷ niệm 80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam 1943, Báo Nhân Dân hằng tháng đã có cuộc trò chuyện cùng PGS,TS Phạm Quang Long - nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (ảnh bên), nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội về giá trị của bản Đề cương này đặt trong bối cảnh hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
“Chúng ta đang rất cần tinh thần khai phóng và thực tiễn của Đề cương Văn hóa Việt Nam”

Đề cương văn hóa Việt Nam đã thay đổi diện mạo tinh thần dân tộc

Thưa ông, ông có thể lý giải vì sao bản Đề cương Văn hóa Việt Nam ra đời cách đây đã 80 năm, với hơn một nghìn chữ lại tác động sâu rộng, lâu dài đến nền văn hóa Việt Nam và được xem như là một cương lĩnh về văn hóa của một dân tộc, là văn hóa cứu quốc?

Tôi cho rằng giá trị lớn nhất của Đề cương Văn hóa Việt Nam chính là tinh thần khai phóng, tinh thần cứu quốc. Tính khai phóng thể hiện ở khía cạnh: Đề cương chỉ nêu ra những định hướng lớn mà không “bắt vít” vào những nội dung quá cụ thể, quá hạn hẹp. Định hướng lớn nhất là những gì trái với lợi ích dân tộc, không vì dân tộc thì phải cương quyết chống lại, những gì phản đại chúng, làm cho văn hóa xa rời đại chúng phải kiên quyết đập tan, những gì trái khoa học, không nhân văn thì phải kiên quyết xóa bỏ.

Với tinh thần khai phóng ấy mà sau Cách mạng Tháng Tám, Đề cương văn hóa và phong trào văn hóa cứu quốc đã làm thay đổi tận gốc diện mạo tinh thần dân tộc. Chỉ nhìn từ góc độ dân khí và dân trí nước nhà đã thấy sự thay đổi lớn lao chưa từng có. Văn hóa hóa kháng chiến và kháng chiến hóa văn hóa trở thành nếp sống của cả dân tộc. Làm cho điều đó trở thành đời sống sinh động, thường xuyên, thành ý thức dân tộc quả là một kỳ công.

Còn nhớ, vào tháng 8/1943, cụ Đào Duy Anh lúc này đã thôi hoạt động chính trị, chỉ còn là một nhà nghiên cứu độc lập đã cho rằng xã hội Việt Nam đang ở vào một giai đoạn bước ngoặt, trong đó những “bi kịch” do xung đột văn hóa quyết liệt đang diễn ra “quan hệ đến cuộc sinh tử tồn vong của dân tộc ta”.

Ở những thời điểm quan trọng như vậy “muốn giải quyết thì phải nhận rõ chân tướng của bi kịch ấy” nghĩa là phải soát xét lại những giá trị của văn hóa truyền thống và “nghiên cứu cho biết chân giá trị của văn hóa mới”.

Như vậy Đảng đã nhận thấy tính cấp thiết của vấn đề, đã nêu ra đề cương hành động để chuẩn bị một cuộc cách mạng xã hội từ văn hóa và xác định những đường hướng cho một nền văn hóa mới. Đó là nền văn hóa có thể vực dậy dân khí và nâng cao dân trí quốc gia, là nền văn hóa kháng chiến kiến quốc và tư tưởng văn hóa soi đường cho quốc dân đi vẫn còn tiếp tục cho đến ngày nay. Phương châm tất cả vì dân tộc, đại chúng, vì xóa bỏ thân phận nô lệ mà Đề cương nêu ra đã có sức lay động lớn đội ngũ trí thức và các tầng lớp nhân dân.

Tinh thần ấy như lời hịch kêu gọi mọi tầng lớp người Việt “đứng dưới lá cờ nghĩa của Cách mạng” (Nguyễn Tuân) nên nó có sức lôi cuốn to lớn như thế. Những người có lương tri, vào thời điểm ấy đều nhận thấy cứu nước là con đường phải theo.

Xin ông phân tích sâu hơn về 3 nguyên tắc Dân tộc-Khoa học-Đại chúng trong Đề cương Văn hóa Việt Nam đã tạo ra sự thay đổi lớn lao và vẫn giữ nguyên giá trị cho đến hôm nay?

Khi cuộc cách mạng giành độc lập dân tộc đang trở thành vấn đề cấp thiết số một thì nguyên tắc Dân tộc hóa là “chống mọi ảnh hưởng nô dịch, thuộc địa, khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập”, là đưa văn hóa trở về với đại chúng, là vì đại chúng, phục vụ đại chúng chứ không thể vì một đối tượng nào khác. Đây thực sự là một sự thay đổi tận gốc, là cuộc cách mạng chứ không phải là một xu hướng cải cách mang tính cải lương.

Nêu phương châm Dân tộc hóa lên đầu tiên, gắn nó với cuộc cách mạng giành độc lập cho đất nước như là nhiệm vụ hàng đầu của văn hóa chính là đưa văn hóa áp sát đời sống, làm cho nó hữu ích, thiết thực với quảng đại quần chúng. Khoa học hóa văn hóa giai đoạn này chính là đánh đổ mọi nhận thức sai lầm về con đường phát triển của xã hội “chống lại tất cả những gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ”, mà thực chất là chống lại tư tưởng Đại Đông Á của Nhật đang mê hoặc không ít người và tư tưởng nô dịch cùng những quan niệm duy tâm, siêu hình đang đè nặng lên đời sống tinh thần của nhân dân. Đại chúng hóa là “chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa phản lại đại chúng hoặc xa đông đảo quần chúng”.

Có thể thấy việc luận giải các nguyên tắc này của Đề cương Văn hóa Việt Nam nghiêng về phía chính trị cũng là tất yếu bởi nhiệm vụ cứu quốc được đặt ra hàng đầu. Yêu cầu trở về với dân tộc, nhân dân của văn hóa, vì độc lập dân tộc và hạnh phúc nhân dân, nói như một số nhà hoạt động văn hóa lúc đó, là mệnh lệnh của đời sống và đòi hỏi của lương tri.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng trong giai đoạn hiện nay, một số nội dung của Đề cương Văn hóa đã không còn phù hợp với thời cuộc. Thí dụ như nguyên tắc đại chúng hóa chẳng hạn, văn hóa cần tính đại chúng nhưng văn hóa cũng cần chắt lọc tinh hoa để vươn tới đỉnh cao?

Tôi cho rằng Đề cương về văn hóa chỉ nhằm vạch đường hướng, nguyên tắc, phương châm, chứ làm sao trong một đề cương nói cụ thể chi tiết mọi chuyện được. Còn về quan hệ giữa cái đại chúng và tinh hoa thì rõ ràng trong nhiều văn bản của Đảng đã bổ sung rồi, nhất là trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, hay trong phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2022.

Thời nào cũng thế, văn hóa tinh hoa mới có giá trị dẫn dắt xã hội, nhưng tinh hoa cũng phải vì đại chúng. Nhưng chúng ta có chỗ sai lầm khi xử lý quan hệ này: ảo tưởng “tinh hoa hóa đại chúng” nên đã kéo tinh hoa xuống gần với đại chúng và nghĩ rằng có thể đẩy cái đại chúng lên tầm tinh hoa. Tinh hoa bao giờ cũng đi trước thời đại, không phải bao giờ cũng được hiểu và thừa nhận ngay.

Hiểu sai về văn hóa là cản trở sự phát triển của văn hóa

80 năm kể từ ngày Đề cương Văn hóa Việt Nam ra đời, văn hóa như một dòng chảy liên tục nhưng cũng có những biến động. Theo ông, dòng chảy văn hóa Việt Nam 80 năm qua liệu có những đứt gãy hay đổi dòng?

Tôi cho rằng văn hóa là một dòng chảy có hai mặt, tĩnh và động. Yếu tố tĩnh dễ nhận thấy, nhưng yếu tố động có lúc chệch ra ngoài dòng chảy.

Tôi thấy có sự đứt gãy, ở chỗ này, chỗ kia. Thí dụ trước đây chúng ta phá một loạt di sản, đình chùa, nhưng sau này phục hồi lại mắc một sai lầm khác, đó là phục hồi không phù hợp với văn hóa dân tộc. Bây giờ nhiều nơi xây những ngôi chùa to, tượng lớn mang tính chất thương mại chứ không phải hoằng dương tôn giáo từ một tình cảm và khát khao thanh sạch.

Ngay cả những khái niệm như du lịch tâm linh cũng cần phải minh định lại cách hiểu, cách làm. Tôi vẫn cho rằng, cách làm này đang thế tục hóa lĩnh vực tinh thần và tầm thường hóa nó đi, có khi làm những cái thật lớn, thật to dị biệt với thẩm mỹ người Việt chỉ để lập kỷ lục như dâng cúng vua Hùng mà gói bánh chưng, bánh dầy to hàng tấn gạo rồi độn cả xốp vào là sự báng bổ đức tin chứ không phải lòng thành kính.

Chúng ta đang vận hành nền kinh tế nhiều thành phần và văn hóa hiện thời nảy sinh trên cơ sở xã hội ấy. Vì vậy, chúng ta cần thừa nhận những yếu tố mới của văn hóa, để những yếu tố đó cộng sinh, thỏa hiệp với nhau. Không nên nhìn văn hóa một cách quá đơn giản như xem văn hóa là “cờ đèn kèn trống, bưng bê kê đặt”. Đó chỉ là những hành động phải có, là phần nổi không cơ bản của hoạt động văn hóa mà thôi. Chúng ta cần nhìn văn hóa ở tính chất bản thể của nó, thừa nhận sự khác biệt, sự cạnh tranh và hơn hết là các hệ giá trị tinh thần và điều hòa các quan hệ ấy sao cho đúng.

Văn hóa giúp con người trở nên hoàn thiện, nhân văn hơn, hạnh phúc hơn. Con người chỉ có thể sống hạnh phúc khi môi trường văn hóa chung quanh an lành, không còn bất trắc. Muốn chống lại điều đó phải tăng cường sức đề kháng của cả xã hội và từng cá nhân. Sức đề kháng đó đến từ việc xây dựng hệ giá trị quốc gia.

Tôi cho rằng vừa rồi Hội nghị Văn hóa toàn quốc nêu ra xây dựng hệ giá trị quốc gia, văn hóa gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới là điều hết sức cần thiết. Khi tất cả đều thấm nhuần hệ giá trị ấy thì sẽ tự điều chỉnh, điều hòa các mối quan hệ. Hệ giá trị ấy không đặt ai ra ngoài cả, ai cũng ở trong quỹ đạo đó.

Theo tôi nhận thức về văn hóa là nhận thức để phát triển, nhận thức đúng sẽ tạo ra tiền đề để phát triển xã hội, nhận thức sai sẽ kìm hãm phát triển, tiến bộ xã hội. Bởi vì nếu không nhận thức đúng những giá trị nào còn có thể giúp mình phát triển, và không loại bỏ được những gì kìm hãm thì xã hội không thể tiến lên.

Có thế nói ở mặt nào đó, chúng ta đang làm văn hóa theo phong trào chứ chưa phải xây dựng hệ giá trị để tác động thực tế đến con người. Tôi ở tiểu khu có đến 80% gia đình được công nhận là gia đình văn hóa, nhưng thời tôi làm Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội, tôi cũng không thừa nhận những con số đó phản ánh đúng thực chất. Ông Tổ trưởng dân phố nói khi bình bầu chỉ cần không đánh nhau, không phạm pháp là có thể trở thành gia đình văn hóa. Chúng ta đang kéo sự tử tế xuống thấp và dễ thỏa mãn với những điều đó. Hiểu sai về văn hóa là cản trở sự phát triển của văn hóa.

Theo ông chúng ta cần tiếp nhận gì từ tinh thần của bản Đề cương Văn hóa Việt Nam để xây dựng văn hóa trong giai đoạn nhiều thách thức hiện nay?

Chúng ta đang rất cần tinh thần văn hóa kiến quốc, tinh thần khai phóng và tính thực tiễn của Đề cương Văn hóa Việt Nam. Đề cương Văn hóa Việt Nam có tính thực tiễn rất cao. Các chính sách văn hóa của chúng ta cần tinh thần thực tiễn đó. Nếu đưa ra chính sách hay ho mà chỉ tồn tại ở trên giấy, không đi được vào đời sống thì những chính sách ấy, dù rất hay ho cũng chẳng ích gì.

Xin cảm ơn ông!