Bao giờ mới đến chủ nhật, mẹ ơi!
Tôi đến thăm CLB tại Nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở ngõ 7 đường Hoàng Ngọc Phách (phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội) một ngày mưa dông cuối tháng 8. Thật bất ngờ, trước cơn mưa sầm sì như trút nước, các phụ huynh cho dù ở xa cũng cố gắng đưa con đến lớp học của bà Phúc.
“Bao giờ mới đến chủ nhật, mẹ ơi! Cậu con trai ngô nghê của tôi ngày nào cũng hỏi như vậy. Ngay cả khi vừa từ lớp học về, cháu đã hỏi vì lớp chỉ tổ chức vào ngày chủ nhật thôi. Tôi cho cháu theo lớp học hơn chục năm rồi, chưa bỏ buổi nào vì nếu không cho đi thì cháu không ăn cơm”, cô Phùng Thị Châu Loan ở quận Hà Đông chia sẻ.
Đó không chỉ là “tình trạng” riêng của cô Loan mà của cả 35 phụ huynh đang cho con theo học lớp văn nghệ của bà Phúc. Với các em nhỏ thiểu năng trí tuệ, không được đến trường, không có bạn bè, được tham gia lớp học văn nghệ là cả nguồn sống, là chiếc cầu nối gần nhất để các em hòa nhập cộng đồng.
Tranh thủ lúc chuyển học sinh sang cô giáo khác dạy, bà Phan Thị Phúc dành thời gian trò chuyện cùng tôi. Bà xin lỗi vì đã để tôi phải đợi nhưng bà bảo rằng, thời gian ngày chủ nhật đối với các em quý giá như vàng và nếu đang dạy dở mà dừng lại các em sẽ dỗi, rất khó để bắt đầu tập lại.
Năm nay đã bước sang tuổi 83 nhưng trông bà Phúc trẻ hơn tuổi rất nhiều từ nước da, giọng nói đến từng điệu múa vẫn mềm dẻo, nhẹ nhàng. Thời thanh xuân bà Phúc công tác tại Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam. Trong vài lần đi công tác, bà Phúc phát hiện trẻ em khuyết tật trí tuệ chưa được quan tâm đúng mức, các em cũng rất đam mê múa hát nhưng không có chỗ tập luyện, thể hiện hoặc bị trẻ bình thường kỳ thị. Sau khi nghỉ hưu, bà thành lập CLB Văn nghệ trẻ em khuyết tật Hà Nội để tập hợp các em khuyết tật trí tuệ lại dạy múa hát, dạy học chữ.
Trở lại với lớp học, những em nhỏ hầu hết đều có phụ huynh đưa đi học và đồng hành cùng con cả ngày. Ở đây các em có hai người mẹ, một là mẹ đẻ hai là “mẹ Phúc”. Bà Phúc kể, lúc đầu các em gọi mẹ tôi hơi ngượng vì tuổi đã cao và cũng chưa giúp gì được cho các em. Nhưng tôi cảm nhận được các em gọi tôi bằng mẹ từ trái tim chứ không phải gọi theo nhau. Tôi trân trọng nhận những đứa con thơ này và quan tâm, đối xử với các em như con đẻ.
Người mẹ không bao giờ nổi cáu
Khi bà Phúc thành lập CLB, không ít người bảo bà “vác tù và hàng tổng” thậm chí “dở hơi” vì bà không có chuyên môn dạy trẻ em đặc biệt, tuổi đã cao nhỡ đâu “ôm rơm dặm bụng” hoặc “sao không mở CLB cho trẻ bình thường”, “liệu có duy trì được lâu dài hay không”?
Vượt qua dị nghị, bà Phúc tin rằng, chỉ cần có tình yêu thương các em rồi dần dần sẽ làm bạn được với các em. Lúc đầu để giao tiếp, gần gũi được với các em đã là cả một vấn đề. Trẻ khuyết tật trí tuệ thường tự ti, mặc cảm, sợ người lạ, đôi khi cáu gắt, nổi nóng mà không ai bảo được và bà Phúc cũng không phải ngoại lệ.
“Dạy trẻ đặc biệt, điều quan trọng nhất là không được nổi nóng. Phải hết sức kiên nhẫn, chỉ cần quát thôi là các em sẽ có thể đòi bỏ về ngay và không bao giờ đến lớp học nữa. Chúng tôi phải cùng ăn, cùng ngủ, lắng nghe, chơi đùa cùng lũ trẻ để trở thành người bạn của các em, sau đó mới bắt đầu dạy học được. Tôi cũng đã tham khảo cách dạy nghệ thuật cho trẻ em khuyết tật ở một số nước phát triển để áp dụng tại CLB”, bà Phúc nhớ lại.
Cô Châu Loan chia sẻ: “Con mình nhiều lúc mình còn nổi cáu hoặc không dỗ được những lúc con dỗi. Nhưng bao năm nay tôi chưa thấy bà Phúc nổi cáu với các em lần nào. Bạn nào dỗi bỏ tập, mẹ Phúc lại vào “nịnh” là các con nghe lời ngay”.
Ngoài dạy múa hát, CLB của bà Phúc còn dạy chữ, dạy văn hóa cho các em, dạy các em tự biết chăm sóc bản thân, hiếu thảo với cha mẹ. Rất may, hành trình của bà Phúc nhận được sự đồng hành của một số tình nguyện viên. Mỗi người một chuyên môn, độ tuổi nhưng tựu trung họ đều rất yêu thương và cảm thông đối với những em nhỏ thiệt thòi.
Cô Nguyễn Thị Thanh Hồng, vốn là nghệ sĩ múa đã về hưu chia sẻ: Tôi đến hỗ trợ bà Phúc từ khi CLB mới thành lập, đến nay CLB đã kèm cặp cho hàng trăm em, có những em đã lập gia đình và thỉnh thoảng vẫn về thăm các mẹ và các em. Chúng tôi cũng có con cháu đầy đủ nhưng hễ đến cuối tuần niềm hạnh phúc của chúng tôi là được gặp các em nhỏ trong CLB. Thấy các em tự tin, khôn lớn hơn mỗi tuần chúng tôi cảm thấy rất vui và tự hào.
Thỉnh thoảng, bà Phúc và các phụ huynh lại đưa các em nhỏ đi dã ngoại như đi thăm Lăng Bác, đi công viên Thủ Lệ… Mỗi lần như vậy, cô giáo U90 cũng vất vả vì phải quản lý vài chục em trong không gian rộng. Tuy nhiên, qua mỗi lần các em đều tự tin và ý thức hơn khiến các mẹ đỡ nhọc hơn.
Các em nhỏ tại CLB có mức độ khuyết tật khác nhau. Một số em có khả năng lao động nên bà Phúc đã tổ chức các lớp dạy nghề cho các em như đan móc, may mặc, điện dân dụng, tin học… Chị Ngô Thị Ánh Hồng, giáo viên dạy nghề làm hoa giấy cho biết, đối với các em, cần phải kiên nhẫn cầm tay chỉ việc. Với các em chỉ cần tạo ra một sản phẩm là có thể thay đổi cả cuộc đời. Đến nay đã có một số em có thể tạo ra thu nhập từ nghề làm hoa giấy như em Ngô Đức Trung, em Mai Hồng…
Nhìn những Minh Hồng, Quốc Tuấn, Nhật Lệ múa hát, đi lau sàn, quản lý các em nhỏ hơn, không ai nghĩ đó là các bạn trẻ khuyết tật trí tuệ. Sau bao năm học hành trong vòng tay mẹ Phúc, các em đã khôn lớn hơn rất nhiều, có thể tự bắt xe bus đến CLB, tự làm một số việc nhà, điều mà phụ huynh các em trước đây chưa bao giờ dám mơ đến.
Ước nguyện cuối đời
Để duy trì lớp học suốt 28 năm qua, bà Phúc đã một tay quán xuyến tất cả, ngoài trích một phần lương hưu, bà còn tích cực đi vận động nhà hảo tâm để tài trợ trang phục cho các em đi biểu diễn. Năm nào CLB cũng tham gia hội diễn các cấp, mang về rất nhiều huy chương. CLB còn tham dự một Festival ở Thụy Điển và diễn vở kịch không lời khiến cả hội trường xúc động.
“Mỗi buổi học, CLB phải đi thuê địa điểm, chạy chỗ này, chỗ nọ mấy lần rồi, chỉ mong có một địa điểm ổn định và được tài trợ. Các em đến đây không phải đóng học phí. Phụ huynh nào có điều kiện thì đóng 200 nghìn đồng/tháng để ăn trưa, còn đâu tôi tự cân đối”, bà Phúc tâm sự.
Nguồn tài chính không phải điều bà lo lắng nhất mà chính là tuổi tác, sức khỏe, bởi bà biết chẳng ai chiến thắng nổi thời gian. “Tôi đã tìm và động viên một số người trẻ đảm nhận thay tôi công việc tại CLB nhưng chưa có ai nhận. Có người có tiền nhưng không có thời gian, có người sợ không đủ kiên nhẫn với các em nhỏ, cũng có người sợ không có chuyên môn không cam kết được lâu dài. Lớp học như nguồn sống của các em, đã có lúc tôi định nghỉ ngơi mà các em lao vào ôm khóc khiến tôi không thể cầm nổi nước mắt. Tôi phải gìn giữ sức khỏe không chỉ cho mình mà còn cho CLB”, bà Phúc nghẹn ngào.
Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Đống Đa - ông Nguyễn Trung chia sẻ: Tấm lòng của bà Phúc 28 năm qua được nhiều người biết đến và cảm phục. Bà Phúc là người có tấm lòng nhân hậu, bà đã góp phần giúp đỡ các cháu nhỏ khuyết tật trí tuệ hòa nhập với cộng đồng, việc làm của bà rất đáng trân trọng.
Với những đóng góp tích cực của mình, năm 2018, bà Phan Thị Phúc vinh dự được nhận Giải thưởng Tình nguyện quốc gia do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng.