Chủ động trước AI

Nếu ChatGPT liên tục được cung cấp thông tin sai mà không có sự sàng lọc thông tin đúng, có thể dẫn đến việc nó sẽ tiếp tục phản hồi với thông tin sai và có thể dẫn đến thông tin sai lan truyền và gây hại cho người dùng". Đó chính là nội dung mà phầm mềm ChatGPT (Generative Pre-trained Transformer) "thừa nhận" hạn chế khi được đặt câu hỏi, "điều gì xảy ra khi bạn liên tục bị cấp thông tin sai?".
0:00 / 0:00
0:00
ChatGPT có thể được đào tạo dựa trên phản hồi của người dùng. Đây được đánh giá là điểm vượt trội của chatbot này. NGUỒN: Nhân Dân điện tử
ChatGPT có thể được đào tạo dựa trên phản hồi của người dùng. Đây được đánh giá là điểm vượt trội của chatbot này. NGUỒN: Nhân Dân điện tử

Trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0 ngày nay, trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống. Trong số đó, AI Chatbot GPT (viết tắt ChatGPT) được OpenAI - một công ty khởi nghiệp của Mỹ phát triển đang nhanh chóng được ứng dụng rộng rãi. Tuy nhiên, cũng có nhiều tranh cãi xoay quanh tác dụng và nguy hại của phần mềm này đối với xã hội.

ChatGPT có thể xử lý các truy vấn tìm kiếm, biên dịch kết quả từ các nguồn khác nhau, tóm tắt, tổng hợp tài liệu, tạo hành trình du lịch, trả lời câu hỏi và nói chung là khả năng trò chuyện với con người. Nó có thể giúp ích cho các hoạt động của con người trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Thí dụ, trong lĩnh vực y tế, AI Chatbot GPT có thể hỗ trợ các bác sĩ trong việc chẩn đoán bệnh tật hoặc dự báo tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Ngoài ra, nó có thể được sử dụng trong lĩnh vực giáo dục để hỗ trợ giảng dạy, trong lĩnh vực kinh doanh để giúp khách hàng tìm kiếm sản phẩm hoặc dịch vụ một cách nhanh chóng, thuận tiện…

Được đánh giá là đã tạo nên "một cuộc cách mạng" tiềm năng cho các công cụ tìm kiếm, sáng tạo nội dung; nhưng chính bản thân ChatGPT đang vướng phải nhiều vấn đề như lỗi thực tế, thông tin không chính xác và không trích dẫn nguồn, dễ dẫn tới nhiều nguy hại đối với xã hội. Một trong những nguy hại đó là việc các đối tượng xấu, tội phạm có thể lợi dụng công cụ này để lan truyền thông tin sai lệch, thậm chí tạo ra các tin tức giả mạo, xuyên tạc sự thật, làm lệch chuẩn thông tin và cả hành vi của người đọc.

Về lâu dài, có thể nhận thấy, việc bị cuốn hút bởi AI tiềm ẩn nguy cơ làm cho con người mất đi khả năng tương tác và giao tiếp với nhau. Đặc biệt đã có những cảnh báo đối với trẻ em và thanh thiếu niên, việc tương tác nhiều với máy (AI) dễ dẫn đến cảm xúc tiêu cực, sự cô độc, stress, mất dần khả năng kết nối với xã hội, với đời thực, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển tâm lý bình thường của người dùng.

Từ những gì mà chúng ta đã thấy, cũng như theo dự báo của các nhà khoa học, AI sẽ tiếp tục "tiến hóa" và có khả năng tự học, sáng tạo vượt trội. Chính vì vậy, làm thế nào để sử dụng AI một cách thông minh, là câu hỏi cần được các nhà khoa học và cơ quan chức năng sớm tìm ra câu trả lời để có thể tận dụng tối đa lợi ích, tiện ích do các sản phẩm AI mang lại và chủ động hạn chế những tác hại.

ChatGPT nói riêng, AI nói chung vẫn sẽ không đáng ngại, bởi, điều quan trọng là, chúng ta vẫn không ngừng tư duy sáng tạo và nỗ lực vì những giá trị tốt đẹp!