Chính trực và trách nhiệm

Đó là hai đức tính cực kỳ quan trọng của mỗi công dân để duy trì một xã hội tiến bộ, lành mạnh. Đối với các tổ chức đảng, thì chính trực và trách nhiệm không chỉ là yêu cầu bắt buộc, đây còn là nhiệm vụ thường trực mà mỗi cán bộ, đảng viên cần nỗ lực phấn đấu trong suốt quá trình làm việc, cống hiến.

Quy định số 37-QĐ/TW của Trung ương về những điều đảng viên không được làm, yêu cầu: Đảng viên không được phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không thực hiện trách nhiệm nêu gương; chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; "tư duy nhiệm kỳ", đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng.

Để thực hiện nghiêm quy định này, mới đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 02-HD/UBKTTW tới từng chi bộ, chỉ rõ, đảng viên không được: Phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, quyết định, kết luận của Đảng. Càng không được "Phai nhạt lý tưởng cách mạng, dao động, hoài nghi; phụ họa theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái, đòi thực hiện "tam quyền phân lập", "xã hội dân sự", "đa nguyên, đa đảng", đòi "phi chính trị hóa lực lượng vũ trang"...; "giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội,...".

Đảng Cộng sản Việt Nam qua lịch sử đấu tranh, xây dựng và trưởng thành, đã rút ra những kinh nghiệm, những bài học xương máu từ thực tế. Theo đó, hơn lúc nào hết, trong giai đoạn cách mạng mới này, Đảng ta, mà nòng cốt là mỗi đảng viên đều cần phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, nêu gương. Song hành với trách nhiệm là sự chính trực. Để giữ được sự chính trực đòi hỏi sự kiên định từ trong nhận thức, không được dao động, hoài nghi với mục tiêu, lý tưởng đã chọn.

Hướng dẫn số 02 cảnh báo "đảng viên không được phụ họa theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái". Ở điểm này, trong thực tế, đã có không ít trường hợp, cán bộ, đảng viên khi đương chức, phát biểu tại các hội nghị, hội thảo một khác, nhưng sau khi nghỉ công tác, phát biểu ở một số diễn đàn hay nơi này, nơi kia lại một khác.

Hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương lưu ý thêm những dấu hiệu vi phạm: Không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm, không đầy đủ trách nhiệm nêu gương theo quy định của Đảng. Thâu tóm quyền lực, lấy danh nghĩa tập thể để áp đặt, hợp thức hóa quyết định sai trái của cá nhân. Cơ hội, vụ lợi, đặt lợi ích của cá nhân lên trên lợi ích của tập thể. Đoàn kết xuôi chiều, nể nang, né tránh, ngại va chạm, im lặng, không đấu tranh hoặc phụ họa theo ý kiến, quan điểm sai trái, lệch lạc; bao che, giấu giếm vi phạm, khuyết điểm của bản thân, của người khác hoặc của tổ chức; không bảo vệ nhân tố tích cực, cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; không gần gũi, tôn trọng, lắng nghe ý kiến góp ý của đồng nghiệp tại cơ quan, đơn vị và của quần chúng nhân dân; không giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân nơi cư trú,... Đây cũng là những biểu hiện của sự không chính trực và thiếu trách nhiệm ở một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Rõ ràng, để giữ vững được "tư cách người kách mệnh" như Bác Hồ đã dạy, mỗi cán bộ, đảng viên càng cần phải nêu gương, nhận thức rõ được trách nhiệm và giữ vững chính trực. Với những quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước ngày càng hoàn thiện, đảng viên vi phạm chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm minh.