Phim vẫn quay và du khách vẫn dửng dưng
Trong khuôn khổ Giải Cánh diều 2021 vừa tổ chức tại Nha Trang, vấn đề kết nối điện ảnh với du lịch lại được đặt ra. Nói “lại được đặt ra” là bởi cứ liên hoan phim, hay giải điện ảnh tổ chức ở địa phương nào thì vấn đề này cũng được đề cập nhưng rồi việc tưởng chừng phải được làm ngay lại rơi vào im lặng.
Sau hơn 30 năm, kể từ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 9, Nha Trang lại đón sự kiện lớn của giới điện ảnh. Giới làm phim thuộc lứa U70 thổn thức trước vẻ đẹp của Nha Trang nên không ngần ngại đề xuất lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa cần có chính sách thu hút các đoàn làm phim đến Nha Trang quay, càng nhiều phim đến quay thì hình ảnh Nha Trang càng được quảng bá rộng rãi đến du khách. Đạo diễn NSƯT Lê Đức Tiến kiến nghị tỉnh nên miễn phí ăn ở cho các đoàn phim trong thời gian quay tại Nha Trang. Ông hối thúc PGS, TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam đưa vào kế hoạch trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kịch bản phim về bác sĩ, nhà vi khuẩn học Alexandre Yersin và tổ chức một dự án phim chiếu rạp có nội dung về đất và người Khánh Hòa-Nha Trang.
Đạo diễn Nguyễn Sỹ Chung khẳng định, Nha Trang xứng đáng là phim trường của điện ảnh và cho biết đang tư duy để viết một kịch bản tài liệu dài tập về vùng đất này. Đạo diễn Mai Vũ cũng bật mí đang “âm mưu” viết kịch bản tài liệu về Nha Trang… Theo đạo diễn Lê Đức Tiến, hồ Láng Nhớt ở Diên Khánh rất phù hợp để quay cảnh đuổi bắt các phim hành động, trinh thám và cả cổ trang để kích cầu du lịch khu Làng nhỏ mới khai trương tại đây.
Trên thực tế, từ lâu Nha Trang đã là “trường quay” của nhiều phim điện ảnh và truyền hình. Các phim quay tại Nha Trang có thể kể đến “Tự thú trước bình minh”, “Bãi biển đời người”, “Về nơi gió cát”, “Sơn ca trong thành phố”, “Phương án ba bông hồng”, “Đẹp từng centimet”, “Mỹ nhân kế”… Nhưng du khách đến Nha Trang thì hầu như không biết, hoặc không còn nhớ việc các phim này được quay tại Nha Trang. Với những phim được quay thời bao cấp, do truyền thông yếu, khán giả ít biết về bối cảnh là điều dễ hiểu. Nhưng với các phim thương mại vài năm gần đây, khán giả không biết, hoặc không quan tâm hình ảnh Nha Trang đã thành bối cảnh phim thì lại là vấn đề: hoặc là khán giả không xem phim; hoặc phim không hấp dẫn; hoặc địa phương không có ý thức bảo vệ bối cảnh để giới thiệu với du khách. Điều này không chỉ xảy ra với Nha Trang mà nhiều địa phương khác có lợi thế về du lịch như Đà Lạt, Vũng Tàu, Sa Pa (Lào Cai), Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng…, cũng chưa tận dụng được sức hút của điện ảnh để kích cầu du lịch.
Bên cạnh phim hay là địa phương nhập cuộc
Từ thực tế khách du lịch kéo đến Phú Yên sau khi bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ, sau đó là “Mắt biếc”, “Gái già lắm chiêu”, “Em và Trịnh” khiến hàng loạt các địa điểm ở Huế kéo khách đến check in, GS, TS Trần Thanh Hiệp, Chủ tịch Hội đồng duyệt phim Quốc gia quả quyết, muốn các bối cảnh phim hút khách thì phim phải hay. Cảnh đẹp mà phim không hay thì cũng vô nghĩa. Và chìa khóa nằm ở tài năng của người nghệ sĩ. Phải có biên kịch giỏi, đạo diễn giỏi, diễn viên xuất sắc cùng hội tụ để làm nên một tác phẩm chất lượng thì mới quảng bá được phong cảnh, địa điểm mà bộ phim sử dụng làm bối cảnh.
Điều này thì quá đúng nhưng lại là chưa đủ nếu muốn kích cầu du lịch thông qua điện ảnh. Muốn các bối cảnh phim không bị bỏ rơi, bị hoang phế một cách phí hoài sau khi phim đóng máy mà trở thành chỗ “hái tiền” cho du lịch thì các địa phương cần nhập cuộc nhiệt tình với điện ảnh. Cần xây dựng kho dữ liệu bối cảnh bằng hình ảnh và chỉ dẫn cụ thể để các đoàn phim tiếp cận thông tin. Sự quan tâm của các địa phương, của ngành du lịch sẽ kích thích sự sáng tạo của các nhà làm phim. Thay vì sử dụng nhiều trung cảnh như đa phần các phim hiện nay, các đạo diễn sẽ sử dụng thêm các cảnh để người xem dễ nhận biết cảnh phim đó được quay ở Nha Trang, Vũng Tàu, hay Đà Lạt… Các nhà quay phim cũng sẽ nắn nót tìm những góc đặt máy để phô diễn nét đẹp của bối cảnh phù hợp nội dung phim. Và cho dù chất lượng bộ phim thuộc hàng cực phẩm hay chỉ là tác phẩm nhàng nhàng… thì địa phương cũng nên gìn giữ và quảng bá bối cảnh đó trong cẩm nang của ngành du lịch.
Đây là điều mà một số địa phương như Huế, Phú Yên, Hà Giang, Đồng Tháp… đã và đang làm rất hiệu quả. Đơn cử như ngôi nhà cổ của ông Huỳnh Thủy Lê được đạo diễn Jean Jacques Annaud sử dụng làm bối cảnh chính trong phim “Người tình” đã được ngành du lịch Đồng Tháp xây dựng và giới thiệu là điểm đến chính của địa phương, thu hút rất đông khách du lịch.
Đạo diễn Aaron Toronto, tác giả của bộ phim “Đêm tối rực rỡ” vừa thắng lớn tại Giải Cánh diều vàng 2021 (Giải Cánh diều vàng cho phim; Biên kịch xuất sắc nhất; Diễn viên nữ chính xuất sắc nhất; Quay phim xuất sắc nhất) cho biết, ông và vợ đang xây dựng một phim mà bối cảnh chính là Nha Trang. Aaron Toronto mong lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa và thành phố Nha Trang tạo những điều kiện thuận lợi để bộ phim được thực hiện tại Nha Trang với chất lượng tốt nhất. Đã sống 20 năm tại Việt Nam, đã coi mình là người Việt Nam, nên cũng muốn làm một việc gì đó có ích cho đất nước, với bộ phim mới sắp quay, ông sẽ ý thức việc quảng bá cho du lịch Nha Trang, Việt Nam để đầu tư cho bối cảnh và hy vọng những bối cảnh đó trở thành những điểm check in mới cho du khách.