Tấm lòng những người thầy
Lớp học vẽ của họa sĩ Trần Phóng ở vùng quê lúa Đồng Lạc (Nam Sách, Hải Dương) luôn nhộn nhịp học sinh. Tuần nào cũng vậy, một ngày hai buổi dạy vẽ cho các học sinh dự kiến thi năng khiếu vào các trường mỹ thuật. “Ôn luyện các môn học khác có thể cùng lúc dạy hàng chục học sinh, thậm chí hàng trăm em. Nhưng dạy vẽ, người thầy phải căng mình ra, không truyền đạt bằng kiến thức, mà phải dùng tay và mắt sửa hình và vẽ thị phạm. Tuy chẳng có thời gian nghỉ ngơi, nhưng tôi vui vì mình góp phần giúp mơ ước đại học của các em thành hiện thực”,-họa sĩ Trần Phóng tâm sự.
Để có lớp học như ngày hôm nay họa sĩ Trần Phóng nghĩ là một cơ duyên. Đó là vào năm 1994 có hai người bạn muốn “gửi gắm” con họ để ông dạy vẽ, ôn luyện thi vào Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Trước lời đề nghị đó, ông vui vẻ nhận lời. Hai học sinh đầu tiên đã thi đỗ vào đại học. Nhiều người từ đó biết tiếng nên đã gửi gắm con họ, và Trần Phóng đã thành lập được lớp học vẽ nơi quê hương ông. Ban đầu chỉ là các học sinh trung học phổ thông trong tỉnh, sau “tiếng lành” đã lan sang nhiều tỉnh thành khác. Có học sinh ở tận Gia Lai, Yên Bái, Sơn La… tranh thủ dịp hè tìm đến thầy Phóng xin “bồi bổ” môn vẽ.
Nhưng ý tưởng ấy, thật ra đã hình thành trong người họa sĩ từ lâu. Ông bảo rằng, bản thân từng đi nhiều nơi, thấy học sinh thôn quê thiệt thòi nhiều quá. Nhiều em muốn ôn luyện mà chẳng biết tìm thầy ở đâu, nhất là mỹ thuật. Mà tìm ra Hà Nội tầm sư thì với học sinh nghèo ở vùng quê, chẳng thể trụ được tiền học và sinh hoạt. Ông mong mỏi làm được một điều gì đó có ích. Đến khi có lời đề nghị của bạn, ông cho rằng đó là lúc mình cần phải thực hiện tâm nguyện thôi thúc từ bên trong mình. Trần Phóng cho biết thêm: “Càng dạy tôi càng thấy nhu cầu của học sinh muốn luyện thi vào nhiều trường mỹ thuật rất nhiều. Mà khi các em có được thầy tốt thì dễ đỗ”.
Cũng sinh ra ở vùng quê, họa sĩ La Viết Sinh, 75 tuổi, hơn 40 năm làm nghệ thuật nay dạy vẽ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, khiếm thính. Họa sĩ La Viết Sinh tâm sự rằng, từ gần chục năm nay về hưu ông muốn làm thêm những gì có ích cho xã hội khi sức khỏe còn cho phép. Sẵn có khả năng, ông đã tìm cách chiêu sinh, dạy miễn phí giúp các học sinh có nguyện vọng thi khối H, khối V có môn vẽ. Em Hoàng Văn Mạnh, học sinh tâm sự: “Chính sự nhiệt tình của thầy đã giúp chúng em hăng hái học hơn. Nếu không được học thì chúng em không thể hiểu được những nét sơ đẳng của nghề, chứ đừng nói đến chuyện thi vào đại học”.
![]() |
Họa sĩ La Viết Sinh cần mẫn truyền dạy cho học sinh.
Ở vùng đồi xã Tản Hồng (Ba Vì, Hà Nội) họa sĩ Phương Công Giang, là giáo viên Trường trung học cơ sở Phú Phương (Ba Vì), ngoài giờ lên lớp cũng nỗ lực dạy vẽ cho nhiều học sinh thôn quê thi khối H, khối V. Có một điều rất đáng nể, là cứ 10 em học thầy Giang thì 9 em đỗ vào các trường mỹ thuật. Em Phùng Thị Giang tâm sự: “Em thấy hiếm mới có thầy giáo tận tâm như thế. Nếu không nhờ lớp học của thầy Giang, thì chúng em chẳng dám sẽ thi vào Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội đâu”.
Đánh thức những ước mơ
Qua tâm sự, các họa sĩ đều có một nỗi niềm chung, là ở nhiều học sinh có chung một năng khiếu, như hội họa, âm nhạc. Thế nhưng, do không có điều kiện các ước mơ đó đã bị khuất lấp bởi rất nhiều mối lo toan khác và bị chìm đi. Thậm chí nhiều em có năng khiếu vẽ nhưng không tìm được thầy đã đăng ký thi vào các trường với ngành học không phải sở trường. Sau này ra trường cũng không phát huy được khả năng. Họa sĩ Phương Công Giang cho biết: “Nếu có thầy chắp cánh, tức là các em đã được khơi gợi, được đánh thức năng khiếu bẩm sinh và cả những ước mơ. Ở giai đoạn đầu của con đường hướng nghiệp, điều này vô cùng quan trọng. Bây giờ nhu cầu của mỹ thuật ứng dụng nhiều. Các em có điều kiện được ôn luyện sẽ thi đỗ, được học đúng ngành nghề mình thích”.
Chung quan điểm ấy, họa sĩ Nguyễn Hoàng Anh, người đã mở lớp dạy vẽ miễn phí cho học sinh nghèo suốt 18 năm qua tại ngoại ô thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang), cho rằng, cánh cửa bước vào các trường mỹ thuật vẫn còn khá “xa xỉ” đối với học sinh thôn quê. Nhưng nếu có điều kiện thì rất nhiều em thành tài. Họa sĩ Nguyễn Hoàng Anh dẫn ra câu chuyện: “Tôi đã hỏi chuyện các em gia đình các em thuộc diện nghèo, rằng nếu không học vẽ, các em sẽ học gì? Có em thì nói đi học sư phạm, nhưng không biết sau này xin việc ở đâu. Có em nói sẽ thi vào rất nhiều trường lấy số điểm cao. Và chỉ sau khi nghe tôi nói chuyện về con đường lập nghiệp, các em đã thay đổi quan điểm. Con người kỳ diệu lắm. Có khi chỉ một câu nói mà đánh thức được cả một niềm đam mê”.
Quan sát ở các lớp học vẽ, có em tâm sự muốn trở thành họa sĩ, và các em đã cố gắng để vượt qua mặc cảm, khó khăn. Em Huỳnh Nhật Minh, học sinh của họa sĩ Nguyễn Hoàng Anh cho hay: “Sau khi học ở đây, thi đại học, có bạn sẽ theo ngành mỹ thuật ứng dụng. Còn em vẫn chọn con đường sáng tạo nghệ thuật vì có đam mê. Càng vẽ thì em càng hiểu thêm giá trị về cái đẹp trong hội họa đối với cuộc sống hôm nay”.
Ngoài dạy miễn phí tại lớp học “tình thương”, họa sĩ Nguyễn Hoàng Anh còn phải tiếp tục đi tìm hiểu, giao lưu, tạo mối quan hệ. Bởi nhiều em sau khi được anh ôn luyện, thi đỗ, học xong lại về… nhờ thầy. Nguyễn Hoàng Anh lại nhiệt tình kết nối cho các học trò có việc làm. |
Song, để có thêm kiến thức truyền dạy chính các thầy, họa sĩ phải “làm mới” mình. Đó là lời khẳng định của họa sĩ Trần Phóng, người đã giúp cho hơn 500 học sinh “vượt vũ môn” đỗ đại học. Ông khẳng định, dù bản thân mình hay với các họa sĩ dạy vẽ như mình đều đã có nhiều trải nghiệm nhưng kiến thức mới về hội họa có thể còn thiếu hụt. Trần Phóng nhấn mạnh: “Riêng về mảng mỹ thuật ứng dụng còn rất mới với tôi, nếu người thầy không tự học, tự rèn luyện thì không thể giúp các em thi đỗ được. Mấy năm đầu, tôi cũng phải đi nghiên cứu giáo trình năm đầu tiên của các trường mỹ thuật thì mới có kiến thức, truyền dạy các môn cơ bản về hình họa, trang trí và bố cục tranh”.
Ngoài ra, các họa sĩ còn cho biết, người thầy phải nhạy cảm để nắm được “khẩu vị” của từng trường mà dạy cho trúng. Có vậy, mới có phương pháp dạy học trò hiệu quả, tỷ lệ đỗ đạt cao.