Hoài niệm đào rừng
Trở lại thời điểm của mấy chục năm về trước, khi đó những cung đường từ dưới xuôi lên các tỉnh Tây Bắc quanh co, gấp khúc “chồn chân vó ngựa”. Hình ảnh đặc trưng của núi rừng nơi đây là những vườn đào rừng gốc to hơn bắp đùi, vỏ cây mốc meo, địa y bám xù xì, cùng những cánh đào thắm đượm như muốn hút hồn người qua đường.
Với đồng bào các dân tộc ở Sơn La thì sắc hoa đào, hoa mơ, hoa mận đã gắn bó, gần gũi trong đời sống văn hóa tinh thần. Chả thế mà đồng bào nơi đây thường căn vào mỗi mùa hoa nở mà tra hạt, trồng cấy cho phù hợp quy luật xoay vần của đất trời. Trong vô số các loài hoa rừng thì những vạt đào rừng, thắm sắc đào phai, đào mốc luôn gắn bó chặt chẽ với bà con nơi đây.
Với đồng bào dân tộc H’Mông các bản vùng cao Sơn La luôn coi cây đào tựa như một người bạn tâm tình, thủy chung. Chung quanh mỗi gia đình thường có cây đào trong vườn, ngoài ngõ. Cành đào còn xòa trên mái nhà, làm cho bức tranh vùng cao thêm sống động. Ông Tráng A Cao, bản Hua Tạt (xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) đã trải qua bao mùa hoa đào, chứng kiến nhiều thăng trầm của những vạt đào rừng bảo: Cây đào rừng rụng lá, cành khẳng khiu trong mùa đông lạnh giá, nhưng có sức sống mãnh liệt như người vùng cao chúng tôi. Trước kia, có nhiều cây đào rừng cổ thụ, đẹp lắm. Vào mùa xuân đào khoe sắc, trai, gái bản dưới, bản trên tìm nhau dưới những gốc đào… nên vợ, nên chồng. Giờ thì không còn đào rừng nữa rồi. Đến cả gốc của những cây đào rừng cũng không còn thấy đâu…
Thực tế đào rừng bản địa, mọc tự nhiên trong rừng ở Sơn La hiện còn rất ít. Theo lực lượng kiểm lâm tỉnh, đào rừng hiện còn xuất hiện ở khu vực rừng xã Phiêng Pằn, Chiềng Nơi, Tà Hộc (Mai Sơn), Nậm Giôn (Mường La), Lả Giôn (Quỳnh Nhai)… Những diện tích cây đào rừng hiện được thống kê, nằm trong rừng tự nhiên và được bảo vệ nghiêm ngặt.

Tâm tư người trồng đào
Từ nhiều năm nay, khi có nhu cầu chơi đào Tết, nhiều hộ dân chuyển sang trồng đào theo kiểu hàng hóa để bán vào dịp Tết. Theo thống kê, tỉnh Sơn La hiện có khoảng gần 5.000 ha cây đào trồng. Trước thông tin cấm chặt đào rừng, cây rừng về chơi Tết bị hiểu chưa đúng, bà con trồng đào lo lắng, không vui.
Nhà anh Tếnh A Sồng, một trong nhiều hộ dân của xã Vân Hồ, tự trồng mấy trăm cây đào giống đào rừng. Vườn đào nhà anh mốc xù xì, nhiều hoa, ít cành, luôn được khách hàng các nơi tìm đến. Nhiều người tận miền xuôi đến tận nhà anh đặt cọc tiền mua đào Tết. Anh Sồng chia sẻ: Trước đây mình cũng đi cắt đào rừng mang bán nhưng chỉ được vài năm cây đào rừng đã hết. Để có đào bán Tết, mình đã lấy giống đào về trồng, nhân rộng ra, nếu có người đến mua thì có thể cắt tỉa cành bán. Còn việc thông tin không cho chặt đào mang bán, muốn bán phải được cấp tem, truy xuất nguồn gốc mình cũng băn khoăn lắm. Bởi đào mình trồng chứ có phải chặt từ rừng đâu mà phải dán tem…
Cũng tâm tư như anh Sồng, ông Mùa A Chu, bản Háng Đồng C (xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, Sơn La), bảo: Trung ương và tỉnh cần phải giúp chúng tôi thuận tiện trong việc bán đào, bởi vì cây đào do chúng tôi trồng. Việc mua tem nhãn như thế nào, chúng tôi có phải bỏ tiền để mua không…?
“Thông quan” cho đào trồng
Ông Lương Ngọc Hoan, Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Sơn La, cho biết: Trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng về cấm chặt đào rừng ngày Tết, chúng tôi đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Sơn La trình UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng và UBND các huyện, quản lý chặt chẽ đối với cây rừng người dân có thể lấy về chơi Tết, không riêng gì đào rừng. Hiện, diện tích đào rừng trên địa bàn tỉnh Sơn La còn rất ít. Để làm hàng hóa bán là hầu như không có. Những cây đào mà bà con mang bán trong dịp giáp Tết này đều là đào trồng. Nhiều năm trở lại đây Sơn La có rất nhiều nương trồng đào, có những nương trồng từ 5.000 - 7.000 m². Đối với các loại cây đào này, lực lượng kiểm lâm không thể cấm được, người dân tự trồng, khi có sản phẩm thì họ khai thác bán, đó là quyền của người dân theo đúng Thông tư 27.
Trao đổi thêm với ông Trần Dũng Tiến, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La, được biết: Để tháo gỡ khó khăn cho những hộ dân trồng đào tại các cơ sở trong tỉnh Sơn La, UBND tỉnh đã có Văn bản số 72/UBND-KT ngày 8-1-2021 và Văn bản số 14/BC-UBND ngày 13-1-2021 đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT cho phép thực hiện truy xuất nguồn gốc cây đào để xác định nguồn gốc, xuất xứ, vùng trồng, cây đào được trồng trên đất nông nghiệp, không phải đào rừng tự nhiên. Đồng thời, hướng dẫn cụ thể việc thực hiện khai thác và xác nhận cây đào trên diện tích đất vườn nhà, trên đất nương rẫy thuộc đất nông nghiệp trồng cây ăn quả hằng năm hay cây đào trồng phân tán không thuộc quy hoạch đất lâm nghiệp, thuộc sở hữu của tổ chức và cá nhân...
Ông Vũ Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ, cho biết: Huyện đã xây dựng hai mẫu tem xác định nguồn gốc đào trồng với số lượng hơn 10 nghìn chiếc. Trên nền tem in dòng chữ “Hoa đào Vân Hồ” và có chữ ký ẩn của Trưởng phòng NN&PTNT huyện. Căn cứ nhu cầu của người dân, chính quyền các xã phát tem cho các hộ trồng đào theo số lượng đào hiện có tại nương, vườn, tránh tình trạng tem bị cấp phát tràn lan, sai đối tượng.
Mới đây, Bộ NN&PTNT có Công văn số 356/BNN-TCLN ngày 18-1-2021 về tăng cường công tác bảo vệ rừng và quản lý, truy xuất nguồn gốc cây đào do người dân trồng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu. Theo đó, người dân được khai thác diện tích đào trồng trên đất nông nghiệp. Các địa phương có thể áp dụng biện pháp xác nhận nguồn gốc, xuất xứ phù hợp, nhưng không tạo thêm thủ tục hành chính gây ách tắc trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho người dân.
Được biết, tại huyện Vân Hồ có hơn 500 ha trồng cây đào bán dịp Tết. Tất cả diện tích này đều trồng tập trung trên nương, đồi hay quanh nhà của người dân. Trong khi, nhiều năm gần đây, cây đào đang là một trong những nguồn thu nhập của bà con dân tộc từ việc bán đào trong dịp Tết Nguyên đán. Do vậy, các hộ trồng đào mong muốn cây đào trở thành hàng hóa để lưu thông trên thị trường thuận lợi.