1/Nếu đặt mình vào tâm thế của khách du lịch, chúng ta mới thấy du lịch thời đổi mới cần có sự hấp dẫn và tính độc đáo. Các du khách không cần đến để ngắm một thành phố hiện đại như Buôn Mê Thuột, các khách sạn gắn sao này, sao nọ. Họ cần khám phá Tây Nguyên, có khi ngủ ở các nhà nghỉ cũng không sao, hay dưới lán trại… ngàn sao cũng được, cũng chẳng phải là họ không có tiền. Ít hôm rồi lại về nhà mình, có khi tiện nghi còn hơn cả khách sạn ấy chứ?
Tây Nguyên vẫn như “cô gái đẹp ngủ trong rừng” mà vẫn chưa được đánh thức để phô diễn mọi vẻ đẹp của mình. Công bằng mà nói, Tây Nguyên cũng đã làm du lịch tốt nhưng hình như còn… giẫm chân tại chỗ, thiếu sản phẩm du lịch đột phá, cuốn hút khách lãng du.
Du lịch muốn hấp dẫn khách thì phải gắn với những sự tích, câu chuyện quanh nó. Chúng ta cần phải giải đáp câu hỏi: du khách Âu, Mỹ khi đến Việt Nam nhiều là do đâu? Ngoài danh lam thắng cảnh thiên nhiên ban tặng như vịnh Hạ Long, thì họ đến vì muốn có câu trả lời, trong đó: cái gì làm nên bản sắc văn hiến mà không bị đồng hóa của Việt Nam? Vì thế mà họ muốn vào các di tích, bảo tàng để tận mắt thấy các hiện vật, các câu chuyện kể giải đáp câu hỏi của họ. Đó là Bảo tàng chứng tích chiến tranh, Bảo tàng chiến thắng B52, nhà tù Hỏa Lò… Để hiểu về dân tộc Việt Nam, họ vào Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam… Họ không nằm lỳ trong khách sạn để tận hưởng tiện nghi hiện đại. Hình ảnh của họ mà tôi hay gặp là hay đi bộ dọc phố phường, mồ hôi nhễ nhại, tay cầm bản đồ, thỉnh thoảng lại ngó ngó, nghiêng nghiêng. Họ cũng chẳng muốn nhờ ai dẫn đường. Thì ra, họ muốn tự khám phá, tự tìm hiểu cuộc sống mọi mặt của người dân xứ này.
2/Tây Nguyên có những điểm nhấn về du lịch từ lâu, thí dụ như Bản Đôn, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Nhiều người đến đây, nhưng còn ít người biết về địa điểm này. Bản Đôn còn là nơi mà một nhà bác học nổi tiếng, gắn bó suốt đời với Việt Nam là ông A.Yersin, có công phát hiện vi khuẩn gây bệnh dịch hạch và vaccine cứu sống hàng vạn người. Ông đã được Nhà nước Việt Nam truy tặng “Công dân Việt Nam danh dự” năm 2013 nhân dịp kỷ niệm 151 năm ngày sinh và cùng với nhà nước Pháp tổ chức phát hành chung bộ tem bưu điện về ông. Ông có thú vui đi thám hiểm. Năm 1892 ông đã từng tổ chức cưỡi voi từ Nha Trang ra Ninh Hòa, đến M’drao, M’Siao, đi dọc sông Boung, sông Krong Ana, ngược lên sông Krong để đến Bản Đôn. Tại đây, ông đã được “vua voi”, cũng là tù trưởng Khun Ju Nốp đón tiếp và được dẫn đi dọc sông Sê Rê Pốc bằng voi, rồi đi bằng xe bò và thuyền đến Stung Treng (Campuchia), bên bờ sông Mê Công. Sau đó, cả đoàn lại lên thuyền độc mộc về Phnom Penh (Campuchia) rồi về Việt Nam.
Bản Đôn còn có vị trí quan trọng là đầu mối giao lưu văn hóa với các nước láng giềng. Không phải ngẫu nhiên nơi đây là tỉnh lỵ dưới thời Pháp thuộc. Đây cũng là vị trí thượng lưu của sông Sê Rê Pốc, con sông chảy ngược từ Tây Nguyên qua Campuchia để vào sông Mê Công. Nhiều người Lào từ vùng Pắc Xế (Champasắk), vùng Sa vẳn na khệt theo nhánh sông Sê Rê Pốc mà tìm đến lập nghiệp. Vì thế đây là vùng có nhiều sắc thái dân tộc, du khách có thể dự lễ hội có lễ đâm trâu của người Tây Nguyên, ngày hội Bunpimay là ngày Tết đầu năm của người Lào, các điệu múa của người Thái, người Việt. Bản Đôn còn có những chiếc cầu treo lắc lư được làm từ song, mây, tre rừng thuộc loại cầu treo dài nhất Việt Nam, còn có thác nước bảy nhánh, vườn cảnh Trohbư với bao loài cây hoa tuyệt đẹp.
Một điểm nhấn nữa của Tây Nguyên là hình ảnh voi. Không chỉ Bản Đôn là nơi có truyền thống săn voi, thuần dưỡng voi hàng trăm năm nay mà nhiều nơi ở Tây Nguyên cũng có voi. Voi còn đi vào tâm thức của người M’nông bằng truyền thuyết Đá Voi mẹ, Đá Voi cha với câu truyện “thần đá Yang Tao bắt vợ” là một thiếu nữ xinh đẹp, vị thần này là thần bảo hộ cho người Tây Nguyên. Gần đây, một trong những thú vui hấp dẫn khách du lịch là cưỡi voi vượt sông Sê Rê Pốc đã bị hạn chế với lý do bảo vệ động vật hoang dã, quá trình thuần dưỡng voi phải dùng đến xích sắt, móc nhọn rồi cưỡi trên lưng voi sợ rằng voi bị sụn lưng… Cần phải cải thiện môi trường sống của voi và khai thác voi trong du lịch giảm đến mức độ hợp lý. Thailand và Lào đã quan tâm đến vấn đề giảm tần suất sử dụng voi trong du lịch. Tây Nguyên có thể cũng nên tham khảo.
Tây Nguyên có những hồ nước ngọt rộng, một số thác nước đẹp có tiềm năng du lịch lớn, có thể là những điểm nhấn. Tuy nhiên cho đến nay, chúng tôi thấy hầu như chưa có sản phẩm du lịch nổi bật. Nên nghiên cứu phát triển những hoạt động trên mặt hồ như bơi thuyền, lặn, các cuộc thi chèo thuyền được tổ chức thường xuyên hơn, rồi hoạt động ở vùng ven hồ dưới những rặng thông xanh thẳng tắp, có thể có những bãi đất trống phục dựng nghi thức đâm trâu, thay trâu thật bằng tượng trâu, hội cồng chiêng của các dân tộc Tây Nguyên, trại sáng tác tượng gỗ Tây Nguyên… Đó là những sản phẩm du lịch có thể thực hiện trong tầm tay.
Tôi cùng Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội đi khảo sát du lịch Tây Nguyên, cái cảm nhận chung là có chút hụt hẫng. Đi bao nhiêu cây số mới đến một Trung tâm đào tạo bóng đá có tiếng, nhưng lại chỉ thấy một sân bóng đá trơ trọi mà chắc chắn không đẹp bằng sân Mỹ Đình (Hà Nội), lại không có người hướng dẫn tham quan. Chắc phải có những hoạt động phong phú hơn để nâng tầm du lịch. Các khu trung tâm du lịch thì na ná giống nhau, chưa có sắc thái nổi bật… Có lẽ chắc là phải thêm nhiều sản phẩm du lịch nữa đầy chất Tây Nguyên mới hấp dẫn được khách du lịch. Chẳng có gì thu hút khách nhiều hơn là du lịch di sản văn hóa như các lễ hội, các danh lam thắng cảnh, phong tục tập quán của người Tây Nguyên. Tây Nguyên nhiều thế mạnh lắm chứ!