Khơi dậy sức mạnh văn hóa

Cần bước đi mới cho bảo tàng ở Thừa Thiên Huế

Thừa Thiên Huế sở hữu nhiều bảo tàng giá trị, đặc trưng vào hàng bậc nhất cả nước. Đây là nguồn lực rất tốt của một tỉnh luôn hướng về di sản, bảo tồn, phát huy văn hóa. Đặt trong bối cảnh Huế phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc trung ương, dựa vào nền tảng văn hóa di sản, việc đầu tư hệ thống bảo tàng bài bản, chuyên nghiệp, là rất cần thiết.
0:00 / 0:00
0:00
Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên Huế.
Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên Huế.

1/Các bảo tàng công lập có thể kể đến như: Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế, Bảo tàng Mỹ thuật Huế, Bảo tàng Văn hóa Huế, Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải Miền Trung… Một số bảo tàng ngoài công lập được xây dựng và đi vào hoạt động hiệu quả như: Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Bảo tàng Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn, Bảo tàng Gốm cổ sông Hương, Bảo tàng Mỹ thuật Cecile Le Pham, Không gian Lưu niệm Lê Bá Đảng…

Hiện các bảo tàng của tỉnh có số lượng hiện vật, tư liệu hết sức đồ sộ, phong phú, độc đáo và giàu bản sắc. Nhìn lại, vùng đất Huế là nơi tiên phong của lịch sử ngành bảo tàng cả nước với Bảo tàng Khải Định (Musée Khải Định) một thời hoàng kim, thành lập năm 1923 (tiền thân Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế), tính đến nay vừa tròn 100 năm.

Tuy nhiên, về quy mô, cơ sở hạ tầng, tính hiệu quả…, một điều mà các nhà quản lý, các nhà chuyên môn bàn luận nhiều, đó là không gian các bảo tàng trưng bày trên địa bàn Thừa Thiên Huế lại chưa đáp ứng công năng và nhu cầu của lĩnh vực đặc thù này. Cái thiếu của các bảo tàng ở đây là cơ sở hạ tầng còn hạn chế, chưa đồng bộ, còn lúng túng trong việc bố trí, di dời một số bảo tàng sang địa điểm mới dẫn đến tình trạng nhiều bảo tàng quan trọng vẫn chưa có “nơi thường trú” tương xứng. Ngoài Bảo tàng Hồ Chí Minh có trụ sở và công năng trưng bày bài bản thì hầu hết các bảo tàng khác phải “ăn nhờ ở đậu”, hoặc chưa có không gian trưng bày. Như Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế phải “tạm trú” ở điện Long An, Bảo tàng Lịch sử tỉnh thì “ở đậu” Quốc Tử Giám, Bảo tàng Mỹ thuật Huế thì chưa có không gian trưng bày cho tác phẩm mỹ thuật…

2/Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị đã chỉ rõ định hướng: “Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh”. Như vậy, một trong những tiêu chí khác biệt và đặc thù của xứ Huế chính là di sản, là bản sắc văn hóa. Với chức năng và nhiệm vụ của mình, các bảo tàng có thể xem là nơi lưu giữ, trưng dẫn trực quan nhất tổng quan diện mạo di sản và văn hóa Huế. Có thể nói, các bảo tàng là bản căn cước văn hóa - lịch sử cô đọng nhất khi nhắc đến Huế, đặt chân đến Huế.

Trên thế giới, để hiểu biết sâu sắc nhất, tổng quan nhất khi đến một quốc gia, một địa phương, rất cần ghé thăm bảo tàng, đó là nơi chỉ dẫn đầu tiên khi khám phá một vùng đất mới. Với vai trò là một “địa chỉ có tính chất CV - lý lịch” của một vùng đất, việc đầu tư bài bản về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị vật chất, hệ thống hiện vật, tư liệu… của hệ thống bảo tàng một cách khoa học và chuyên nghiệp chính là sự giới thiệu, mở đầu cho văn hóa - lịch sử xứ Huế. Các đối tác, du khách khi đến Huế sẽ có một cái nhìn bao quát về vùng đất con người Thừa Thiên Huế với bề dày lịch sử, sự phong phú về di sản văn hóa đầy hấp dẫn và cuốn hút. Trên hết, các bảo tàng được đầu tư chỉn chu, hoạt động hiệu quả góp phần quảng bá hình ảnh xứ Huế, con người Huế, di sản Huế.

Đơn cử, Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế hiện có hơn 9.000 hiện vật, với gần 20 sưu tập, một khối lượng hiện vật khổng lồ cũng như vô cùng giá trị và có thể nói là mang bản sắc riêng của Huế. Trong các chức năng của bảo tàng, chức năng sưu tầm, kiểm kê, bảo quản và trưng bày các sưu tập hiện vật và chức năng tổ chức phát huy giá trị di sản văn hóa phục vụ xã hội hiện tại được Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế làm rất tốt. Đây có thể xem là bảo tàng độc đáo, kiểu mẫu của Huế. Tuy nhiên, như trên đã nói khu vực ở điện Long An không gian còn nhỏ hẹp, chưa phát huy hết công năng của bảo tàng hiện có, nhất là sự phong phú, đa dạng của khối lượng hiện vật, đặc biệt là các cổ vật có một không hai, hết sức quý giá. Nhiều ý kiến ủng hộ Bảo tàng này sớm trở thành bảo tàng quốc gia. Thứ nhất, Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế là bảo tàng được thành lập sớm nhất ở Huế và là nơi trưng bày nhiều hiện vật từ thời nhà Nguyễn và một số hiện vật văn hóa Champa, đây là điểm đặc biệt, có tính đại diện cho một thời kỳ lịch sử của dân tộc Việt Nam. Thứ nữa, các cổ vật tại bảo tàng có giá trị cao, vô cùng quý hiếm, độc đáo, nhiều hiện vật xếp vào hạng quốc bảo. Thiết nghĩ, việc tập trung đầu tư, nâng cấp cho Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế là hết sức cần thiết!

3/Bên cạnh đầu tư không gian cho bảo tàng, việc quan trọng khác đó là nhân lực cho bảo tàng. Yếu tố con người là cũng là một yếu tố quan trọng. Với số lượng các bảo tàng tỉnh hiện có và số lượng nhân lực hiện tại cơ bản đáp ứng được việc phát huy các chức năng và nhiệm vụ của bảo tàng. Tuy nhiên, để có bước phát triển lâu dài, tỉnh cần chú trọng đến nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội, đáp ứng được yêu cầu đổi mới, hội nhập quốc tế. Trong đó, cần chú trọng nâng cao trình độ ngoại ngữ, khả năng cập nhật sự phát triển của khoa học bảo tàng, tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế. Bảo tàng tại tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và nhiều bảo tàng trong cả nước cần đầu tư nhất chính là các chuyên gia nghiên cứu sâu về lĩnh vực bảo tàng học, các ngành liên quan khác như sử học, nhân học, văn hóa học, nghệ thuật học… đặc biệt là các chuyên gia thẩm định, phục chế hiện vật… Bên cạnh đó, việc phát triển đội ngũ chuyên môn trong thiết kế trưng bày, đồ họa, công tác truyền thông quảng bá cũng cần được nâng cấp.

Vấn đề tồn tại của các bảo tàng công lập trên địa bàn tỉnh theo ý kiến của giới chuyên môn là sự dàn trải, ôm đồm quá nhiều thứ, quá nhiều vấn đề. Thừa Thiên Huế thành lập nhiều bảo tàng với những lĩnh vực, phạm vi hoạt động, chức năng, nhiệm vụ khác nhau là điều rất tốt, rất đáng quý. Tuy nhiên, cần có quy hoạch và chiến lược rõ ràng, tập trung đầu tư vào những loại hình bảo tàng quan trọng, thiết yếu, là đại diện cho bộ mặt văn hóa, là căn cước của dòng chảy lịch sử, văn hóa Huế, gắn với di sản, vùng đất, con người xứ Huế. Huế trước hết tập trung vào đầu tư một bảo tàng thật tốt (ở đây là Bảo tàng Lịch sử tỉnh), thật chất lượng về quy mô, cơ sở hạ tầng bảo đảm về không gian trưng bày, hình hài kiến trúc, hệ thống hiện vật, các bộ sưu tập đồ sộ, ứng dụng khoa học-công nghệ bảo tàng, đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đưa vào khai thác càng sớm càng tốt rồi tính đến chuyện phát triển, hoàn thiện các bảo tàng khác.

Về cách thức, kịch bản, hoạt động trưng bày có thể nói là một vấn đề quan trọng của một bảo tàng. Tùy theo tính chất, nội dung của từng bảo tàng mà có kịch bản trưng bày phù hợp, tương xứng. Trưng bày bảo tàng là vấn đề cốt lõi, tạo nên sự sống động, hấp dẫn, thu hút được công chúng đến với bảo tàng chính là nhờ công tác này. Ngược lại, trưng bày không hiệu quả dễ dẫn đến kết quả xã hội không mặn mà với bảo tàng, không thu hút sự quan tâm nhất là công chúng bản địa. Nhiều chuyên gia ví kịch bản trưng bày như một vở kịch, có mở đầu, có cao trào và có kết thúc, làm hiện vật, tư liệu cất lên câu chuyện của mình để thu hút công chúng. Hoạt động trưng bày cần bảo đảm tính khoa học, tính thẩm mỹ và ứng dụng công nghệ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong hoạt động bảo tàng.

Việc ứng dụng công nghệ, hiện đại hóa bảo tàng như trí tuệ nhân tạo, ánh sáng, hệ thống an ninh, giám sát… cũng cần được nghiên cứu, đầu tư. Một vấn đề khác trong hoạt động này đó là ứng dụng phương pháp trưng bày có sự tham gia của cộng đồng, nhất là các bảo tàng địa phương như Huế có thể làm tốt hoạt động này để tạo nên hiệu ứng tích cực, đa dạng hóa cách tiếp cận của bảo tàng đến với công chúng.

Sự nỗ lực của chính quyền, sự đóng góp của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, diện mạo mới của các bảo tàng ở Thừa Thiên Huế trong tương lai gần sẽ khởi sắc, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của hoạt động bảo tàng.

Một điều chúng ta thường thiếu đó là chuyên gia về hoạt động trưng bày, thí dụ như họa sĩ thiết kế, trình bày bảo tàng được các nước đào tạo hẳn một họa sĩ chuyên ngành về bảo tàng, còn ở ta thì chưa có.