KỶ NIỆM 133 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 - 19/5/2023)

Cả nước hướng về Người

Kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2023), nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực đã và sẽ được tổ chức ở khắp nơi trên cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà sàn Bác Hồ (Khu di tích Phủ Chủ tịch) thu hút đông đảo khách tham quan tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của Người. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG
Nhà sàn Bác Hồ (Khu di tích Phủ Chủ tịch) thu hút đông đảo khách tham quan tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của Người. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG

Ngày 19/5, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới”.

Hội thảo dự kiến có sự tham dự của đông đảo đại biểu là các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà khoa học. Các tham luận gửi đến Hội thảo đóng góp nhiều ý kiến nhằm xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Nội dung các tham luận làm rõ ý nghĩa, sự cần thiết phải xây dựng chuẩn đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên; Cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên; Phân tích, luận giải, làm rõ từng chuẩn mực đạo đức cách mạng, đề xuất ý kiến xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên; Đề xuất các giải pháp thực hiện chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

Cả nước hướng về Người ảnh 1

Các nghệ sĩ biểu diễn tại chương trình nghệ thuật “Người mẹ Làng Sen” nhân kỷ niệm 155 năm năm sinh bà Hoàng Thị Loan.

Với tinh thần trách nhiệm cao, trí tuệ và tâm huyết của các đồng chí đại biểu, các nhà khoa học, Hội thảo sẽ góp phần cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn vững chắc; thống nhất và nâng cao nhận thức về xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng nhằm góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có tư tưởng chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, gương mẫu, có tư duy, khát vọng đổi mới, có năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ.

Sáng 17/5, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 11 đã được khai mạc. Với hơn 200 tài liệu, bài viết và hiện vật, triển lãm giới thiệu đến công chúng 133 tấm gương điển hình tiên tiến, gồm 62 tập thể và 71 cá nhân đã được Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành phố, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng) và Tổng cục Chính trị (Bộ Công an) giới thiệu và tôn vinh. Triển lãm còn giới thiệu thêm một số tư liệu sưu tập báo cắt dán về gương người tốt việc tốt được Chủ tịch Hồ Chí Minh biểu dương và thưởng huy hiệu và một số huy hiệu Bác gửi tặng tấm gương người tốt việc tốt.

Tại Nghệ An quê hương của Bác, Lễ hội Làng Sen quê Bác diễn ra từ ngày 12-19/5 với nhiều hoạt động như: Chương trình nghệ thuật “Người mẹ Làng Sen” nhân kỷ niệm 155 năm năm sinh bà Hoàng Thị Loan; Lễ diễu hành từ Quảng trường Hồ Chí Minh về quê Bác... Ban quản lý Khu di tích Kim Liên phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh và các họa sĩ, doanh nhân tại Nghệ An, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức các hoạt động như: Triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý”, giới thiệu các tác phẩm tranh về Chủ tịch Hồ Chí Minh và phối hợp với Trung tâm Văn hóa tỉnh Thanh Hóa trưng bày không gian văn hóa tỉnh Thanh Hóa.

Cả nước hướng về Người ảnh 2

Học sinh tham quan Triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý”. Ảnh: THU HÀ

Nhiều chương trình nghệ thuật về Bác sẽ được tổ chức tại Hà Nội. Đặc biệt, Chương trình nghệ thuật chính luận “Bài ca dâng Bác” tối 17/5 diễn ra tại các điểm cầu: Hang Cốc Bó, suối Lênin (Khu di tích Pắc Bó, tỉnh Cao Bằng), Làng Hoàng Trù (Khu di tích Kim Liên, tỉnh Nghệ An), Nhà sàn Bác (Khu di tích Phủ Chủ tịch) và Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô (Thủ đô Hà Nội) đã đưa khán giả ngược dòng thời gian về làng Sen, theo chân Bác đi qua những năm tháng tìm đường cứu nước, quay trở lại Cao Bằng rồi về Thủ đô Hà Nội những ngày lập nước.

Từ ngày 4 đến 31/5, đông đảo đồng bào các dân tộc thiểu số như Nùng, Tày, H’Mông, Dao, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xê Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) thể hiện tình cảm với Bác qua Chương trình “Tháng Năm nhớ Bác”.

Sáng 15/5, Hội Âm nhạc Hà Nội đã tổ chức giới thiệu tác phẩm tháng 5 với chủ đề “Bác Hồ một tình yêu bao la và tình yêu quê hương đất nước”. Người nghe đã được thưởng thức một số sáng tác như: “Tiếng hò trên bến nhà Rồng” của nhạc sĩ Trần Hoàng Tiến, “Hưng Yên nhớ Bác” của nhạc sĩ Nguyễn Thanh Hải, “Trở về Đá Chông” của nhạc sĩ Minh Dũng,“Trên đồi cây Vật Lại” của nhạc sĩ Kim Chùy, “Bác Hồ có một chuyến đi” của Giáo sư, nhạc sĩ Nguyễn Anh Trí…