Biện chứng trong công tác cán bộ

CHÍNH phủ vừa chính thức ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Với 5 chương, 24 điều, Nghị định được ban hành là một bước thể chế hóa, góp phần hoàn thiện các chủ trương lớn của Đảng và kết luận của Trung ương về công tác cán bộ, phù hợp giai đoạn cách mạng mới.
0:00 / 0:00
0:00

Thực tế thời gian qua, trong khi công cuộc "đốt lò" phòng chống tham nhũng, tiêu cực diễn ra ngày càng mạnh mẽ, sâu rộng, không ngừng, không nghỉ, ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương, có những thời điểm, cán bộ, công chức, viên chức có tâm lý làm việc cầm chừng, sợ sai, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Một trong những nguyên nhân của hiện tượng trên, đã được các nhà lãnh đạo, quản lý, chuyên gia chỉ ra, là: Còn thiếu các cơ chế khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dấn thân vì nước, vì dân.

Nhằm kịp thời đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi trong bối cảnh mới, từ các bài học thực tiễn, Chính phủ ban hành Nghị định số 73 quy định khá chi tiết về điều kiện áp dụng chính sách, các hình thức khuyến khích, các trường hợp cán bộ được bảo vệ và những biện pháp bảo vệ cán bộ, quy định về "thưởng-phạt" trong quá trình thực thi chức trách nhiệm vụ. Theo đó, một trong những biện pháp bảo vệ cán bộ đáng chú ý là quy định: Cán bộ thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo mà không hoàn thành hoặc chỉ hoàn thành một phần mục tiêu đề ra và gây ra thiệt hại nhưng được cơ quan sử dụng cán bộ xem xét, đánh giá đã thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm theo quy định của pháp luật có liên quan.

Những điều khoản trong Nghị định này đã cụ thể hóa Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 22/9/2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung: Khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại, cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm.

Tuy nhiên, đi kèm với cơ chế "miễn trừ trách nhiệm" nói trên, tới đây, khi triển khai thực hiện Nghị định số 73, các cơ quan hữu trách cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện thí điểm các đề xuất đổi mới, sáng tạo; chủ động phát hiện những vấn đề nảy sinh, kịp thời động viên, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc xem xét, điều chỉnh, có quyết định phù hợp với tình hình thực tế; phát hiện sớm và kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh sai sót, vi phạm. Bên cạnh đó, cũng cần xử lý nghiêm việc lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

CÙNG với Kết luận số 14-KL/TW của Trung ương, ngày 18/8/2023, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Quy định số 117-QĐ/TW về xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan. Đến Nghị định 73 lần này, rõ ràng Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán về chủ trương, đường lối và cơ chế, chính sách liên quan công tác cán bộ thêm một bước được hoàn chỉnh.

Đó là những minh chứng sinh động nhằm bảo đảm thực hiện thành công đường lối đổi mới và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, bắt đầu từ chính công tác cán bộ, khâu "then chốt của then chốt". Vấn đề lúc này là, thực hiện ra sao để từng bước, chắc chắn và khoa học, xây dựng thành công đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, có bản lĩnh chính trị, trí tuệ, gương mẫu, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung của quốc gia, dân tộc.