Bê bối “Dieselgate” lại dậy sóng

Ngày 3/9 vừa qua, cựu Tổng Giám đốc điều hành (CEO) Tập đoàn sản xuất ô-tô Volkswagen của Đức, ông Martin Winterkorn (trong ảnh) đã phải ra hầu tòa. Phiên toà diễn ra sau 9 năm vụ bê bối khí thải "Dieselgate" bị phát hiện, gây tổn hại nghiêm trọng danh tiếng của Volkswagen nói riêng và ngành công nghiệp ô-tô Đức nói chung.
Ảnh: REUTERS
Ảnh: REUTERS

Cựu CEO Volkswagen Martin Winterkorn phải hầu tòa vì những cáo buộc liên quan vụ bê bối xe ô-tô của Volkswagen gian lận trong các bài kiểm tra khí thải. Các công tố viên cho rằng, ông Winterkorn đã biết về phần mềm gian lận bất hợp pháp được lắp đặt trên các xe của hãng từ tháng 5/2014 song không thông báo cho thị trường, trước khi Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ tuyên bố phát hiện ra vi phạm. Các công tố viên tiết lộ, phần mềm này đã xuất hiện trong xe hơi Volkswagen ở châu Âu và Mỹ từ đầu năm 2006.

Trước những tuyên bố từ phía cơ quan chức năng, trong suốt 9 năm qua và trong phiên tòa, cựu CEO của Volkswagen liên tục phủ nhận cáo buộc, đồng thời khẳng định ông chỉ biết khi vụ việc bị vạch trần. Trước phiên tòa xét xử ở Braunschweig (Đức), luật sư của ông Winterkorn, Felix Doerr, cho biết: "Thân chủ của chúng tôi dứt khoát bác bỏ các cáo buộc chống lại ông”. Ông Doerr cũng đề nghị các công tố viên xem xét việc ông Winterkorn là CEO không phải là lý do để buộc ông phải chịu trách nhiệm mọi mặt về vụ bê bối “Dieselgate”.

Ông Winterkorn, 77 tuổi, lẽ ra phải hầu tòa vào năm 2021 cùng với 4 giám đốc khác của Volkswagen nhưng vụ kiện đã bị hoãn lại do ông gặp vấn đề sức khỏe. Phiên tòa dự kiến kéo dài đến tháng 9/2025 vì tính phức tạp của vụ án. Chỉ riêng bản cáo trạng gian lận của 4 bị cáo còn lại đã dài tới 692 trang, trong khi hồ sơ vụ án gồm 300 tập với 75.000 trang tài liệu.

Theo AP, vụ tai tiếng trong lịch sử ngành công nghiệp xe hơi Dieselgate bắt đầu từ năm 2015, khi cơ quan điều tra của Mỹ phát hiện nghi vấn chung quanh quá trình thử nghiệm mức độ khí thải trên các ô-tô của Volkswagen. Sau đó, công ty này thừa nhận đã lắp đặt các phần mềm gian lận cho 11 triệu xe sử dụng động cơ diesel ở Mỹ, nhằm khiến khách hàng tin rằng số xe này đạt các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của châu Âu về khí thải. Ông Winterkorn đã từ chức một tuần sau khi vụ bê bối gian lận khí thải bị phát giác.

Vụ bê bối đã gây ra những hậu quả trên diện rộng cho Tập đoàn Volkswagen và ngành công nghiệp ô-tô Đức. Volkswagen đã phải trả hơn 31 tỷ euro (34 tỷ USD) tiền phạt và dàn xếp pháp lý. Ước tính, Dieselgate gây ra làn sóng thu hồi khoảng 9 triệu xe Volkswagen. Doanh số bán xe chạy bằng động cơ diesel, từng được ưa chuộng vì tiết kiệm nhiên liệu hơn xe chạy bằng xăng, đã giảm mạnh trong suốt nhiều năm. Ngoài ra, cơ quan điều tra Mỹ đã buộc tội và kết án tù nhiều nhân sự cấp cao trong ban điều hành Volkswagen. Không chỉ ở Mỹ, cuộc điều tra Dieselgate đã khiến hãng sản xuất ô-tô Đức lần lượt đối mặt hàng loạt vụ điều tra pháp lý độc lập ở nhiều quốc gia khác nhau.

Liên quan bê bối này, ông Winterkorn cũng phải đối mặt 3 tội danh riêng biệt: Lừa đảo người mua ô-tô khi bán xe được lắp đặt phần mềm bất hợp pháp; thao túng thị trường chứng khoán khi không tiết lộ thông tin cần thiết cho các nhà đầu tư; đưa ra tuyên bố sai sự thật trước Ủy ban điều tra của Quốc hội Đức vào năm 2017. Ông phải đối mặt án tù lên tới 10 năm nếu bị kết tội. Trước đó, ông Rupert Stadler - cựu CEO của Audi (một công ty con của Volkswagen) - là người đầu tiên bị nhận án treo và phải nộp tiền phạt vào tháng 6/2023, sau khi thừa nhận có liên quan kế hoạch gian lận khí thải của tập đoàn sản xuất ô-tô nói trên.