Reuters dẫn thông báo chung ngày 25/8 của cơ quan công tố Đức cho hay, nghi phạm được xác định là Issa Al H, 26 tuổi. Y bị cáo buộc thực hiện vụ tấn công bằng dao vào ngày 23/8 tại thành phố Solingen, bang North Rhine-Westphalia khi hàng nghìn người tụ tập tham gia các hoạt động văn hóa trong khuôn khổ "Lễ hội đa bản sắc" kỷ niệm 650 năm thành lập thành phố này. Theo thông tin từ cảnh sát, tất cả nạn nhân đều bị đâm ở cổ. Vụ việc khiến 3 người thiệt mạng và 8 người bị thương, trong đó có 4 người trong tình trạng nguy kịch.
Lực lượng cảnh sát cho biết, Issa Al H đã đến Đức vào cuối năm 2022 và nộp đơn xin tị nạn. Thời điểm đó, cơ quan an ninh không biết y là một phần tử Hồi giáo cực đoan. Dù vậy, đơn xin tị nạn của Issa Al H sau đó đã bị bác bỏ và năm 2023, y đã bị cơ quan chức năng lên lịch trục xuất về Bulgaria, nơi y lần đầu được đăng ký là người xin tị nạn theo quy định của Liên minh châu Âu (EU), song y đã bỏ trốn khỏi điểm tập kết.
Người đứng đầu Cơ quan Nội vụ bang North Rhine-Westphalia, ông Herbert Reul cho biết, hiện nghi phạm đã bị đưa ra khỏi đồn cảnh sát ở Solingen để hầu tòa tại thành phố Karlsruhe. Cơ quan chức năng đang tiến hành một cuộc điều tra sâu rộng về các mối quan hệ của Al H, trong đó xem xét liệu nghi phạm có phải là thành viên của tổ chức tự xưng "Nhà nước Hồi giáo" (IS) hay không. Trước đó, hôm 24/8, IS tuyên bố trên ứng dụng nhắn tin Telegram rằng một thành viên của tổ chức khủng bố này đã thực hiện vụ tấn công bằng dao nói trên để trả thù cho những người Hồi giáo bị sát hại ở nhiều nước.
Sau vụ việc, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố hung thủ gây ra vụ tấn công cần phải bị trừng phạt thích đáng theo luật pháp. “Đây là chủ nghĩa khủng bố. Chủ nghĩa khủng bố đe dọa cuộc sống của chúng ta. Đó cũng là điều mà những kẻ lập kế hoạch và thực hiện các cuộc tấn công mong muốn, nhưng chúng ta sẽ không bao giờ chấp nhận”, ông Scholz khẳng định.
Đức đã chứng kiến sự gia tăng các vụ tấn công bằng dao trong những tháng gần đây, gây ra cuộc tranh luận khắp đất nước về việc tăng cường kiểm soát an ninh và các khu vực cấm mang theo dao. Số liệu từ cảnh sát liên bang ghi nhận đã có khoảng 430 vụ tấn công như vậy xảy ra trong nửa đầu năm 2024. Trong khi đó, trong một báo cáo trước đó trong năm nay, Cục Cảnh sát hình sự liên bang Đức (BKA) cảnh báo nguy cơ xảy ra các hành động bạo lực liên quan những phần tử thánh chiến Hồi giáo tại nước này vẫn ở mức cao.
Theo AP, vụ tấn công nói trên diễn ra trong bối cảnh nước Đức đang có những tranh luận trái chiều về vấn đề người tị nạn. Đây cũng là mối quan tâm chính của cử tri trước thềm 3 cuộc bầu cử cấp bang ở miền đông nước Đức vào tháng 9 tới. Sau vụ việc, nghị sĩ Friedrich Merz, người đứng đầu Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo trung hữu (CDU) đã kêu gọi dừng việc tiếp nhận người tị nạn từ Syria và Afghanistan. Tuy nhiên, đảng Dân chủ Xã hội trung tả (SPD) của Thủ tướng Scholz sau đó bác bỏ yêu cầu nói trên, cho rằng từng bang phải tự chịu trách nhiệm về việc trục xuất người nhập cư theo đúng quy định.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck cũng đề xuất cần có chính sách nhằm siết chặt việc quản lý mang dao và những loại vũ khí nguy hiểm tại các sự kiện công cộng. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cảnh sát nên chủ động khám xét các đối tượng tình nghi mà không cần lý do cụ thể trong các sự kiện đông người, đồng thời cấm sử dụng dao tại các khu vực công cộng nhằm bảo vệ an toàn cho người dân.