Theo Mirror, ngày 9/8 vừa qua, bị cáo Jordan Parlour, 28 tuổi, bị kết án 20 tháng tù vì kích động thù hận chủng tộc. Cụ thể, qua các bài đăng trên mạng xã hội Facebook, đối tượng này đã ủng hộ những phần tử cực hữu tấn công vào khách sạn Britannia ở thành phố Leeds, nơi được sử dụng cho hơn 200 người xin tị nạn tạm trú.
Thẩm phán tòa án tại Leeds Guy Kearl KC cho biết: "Bị cáo đã lên mạng xã hội để kích động những người khác tham gia các cuộc tấn công vào khách sạn. "Bài đăng ban đầu chỉ nhận được 6 lượt thích, tuy nhiên do Parlour để bài viết ở trạng thái công khai, thông điệp này đã nhanh chóng được lan tỏa tới 1.500 người trong danh sách bạn bè của y và sau đó lan rộng khắp Facebook”.
Trong khi đó, bị cáo Tyler Kay, 26 tuổi, sống ở Northampton bị kết án 6 năm 2 tháng tù vì các bài đăng trên nền tảng mạng xã hội X kêu gọi phóng hỏa các khách sạn cho người tị nạn tạm trú và trục xuất toàn bộ người nhập cư. Đáng chú ý, Kay đã sử dụng hình ảnh và danh tính công khai của mình khi đăng tải các bài viết kích động bạo lực và gắn thẻ "cảnh sát Northamptonshire" vào một trong những bài đăng.
“Bài đăng của Kay trên X cho thấy "suy nghĩ phân biệt chủng tộc cơ bản", Thẩm phán Adrienne Lucking KC của Tòa án Northampton Crown khẳng định. Trong phiên tòa, bị cáo chia sẻ “không có ý định kích động thù hận” và không nghĩ “bài đăng của mình có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng”. Dù vậy, giới chức Anh phủ nhận các lời biện giải này. "Tôi chắc chắn rằng khi một người cố tình tạo ra các bài đăng như vậy, họ mong muốn khuấy động thù hận, phân biệt chủng tộc. Đây là hành vi không có chỗ đứng trong một xã hội văn minh", Thẩm phán Lucking nhấn mạnh.
Parlour và Kay là hai đối tượng đầu tiên bị kết án vì hành vi kích động thù hận và bạo lực trực tuyến. Cũng trong ngày 9/8, tòa án địa phương tại Anh đã kết án 5 đối tượng khác với các mức án từ 8 tháng đến 2 năm rưỡi tù vì các hành vi như đẩy thùng rác đang cháy vào cảnh sát, ném đá vào cảnh sát, mang dao trong cuộc biểu tình...
Phát biểu ý kiến trước khi tuyên án Parlour, Thủ tướng Anh Keir Starmer cho biết, vụ án là "một lời nhắc nhở cho công chúng rằng, các hành vi kích động bạo lực dù trực tiếp hoặc gián tiếp trên mạng đều sẽ bị xét xử". Ông cũng lưu ý những người điều hành các nền tảng mạng xã hội cũng như người dùng nên "lưu tâm đến ưu tiên hàng đầu, đó là bảo đảm tính an toàn và bảo mật cho cộng đồng". Nhằm ngăn chặn nguy cơ tiếp diễn các cuộc biểu tình phân biệt chủng tộc và bạo loạn, Chính phủ Anh đang xem xét yêu cầu các nền tảng mạng xã hội xóa những bài đăng có nội dung “có hại”, mặc dù không vi phạm luật an toàn trực tuyến.
Theo Sky News, làn sóng bạo loạn tại Anh bùng phát sau vụ đâm dao tại thị trấn Southport ngày 29/7, khiến 3 bé gái thiệt mạng và 10 người khác bị thương. Nguyên nhân do các thông tin sai lệch lan truyền trên mạng về nhân thân và tôn giáo của nghi phạm, cho rằng kẻ tấn công là người Hồi giáo, đến Anh bất hợp pháp bằng thuyền vào năm 2023 và nằm trong danh sách theo dõi khủng bố. Nhưng trên thực tế, nghi phạm sinh tại Xứ Wales, thuộc Vương quốc Anh, trong một gia đình có bố mẹ là người Rwanda đến Anh năm 2002 và sống tại làng Banks, cách Southport khoảng 10 km.
Trong 2 tuần tính từ ngày 30/7, biểu tình đã bùng phát tại ít nhất 23 thành phố và thị trấn trên khắp vùng lãnh thổ. Đụng độ đã xảy ra giữa những người biểu tình cực hữu và cảnh sát, dẫn đến ít nhất 483 đối tượng quá khích bị bắt và khoảng 104 cảnh sát bị thương.