Ngày 5/8 vừa qua, ông Amit Mehta, thẩm phán một tòa án tại Mỹ tuyên bố Google đã vi phạm Mục 2 của Đạo luật Sherman, khi bảo đảm vị thế thống lĩnh trên thị trường tìm kiếm một cách bất hợp pháp. Cụ thể, công ty này đã trả hàng tỷ USD cho các hãng chế tạo điện thoại thông minh như Apple hay Samsung nhằm biến Google thành công cụ tìm kiếm tự động trên thiết bị của họ.
"Sau khi cân nhắc cẩn thận lời khai và bằng chứng của nhân chứng, tòa đưa ra kết luận: Google là công ty độc quyền và họ có các hành động như vậy để duy trì vị thế thống trị của mình", Thẩm phán Amit Mehta cho biết. "Gã khổng lồ" tìm kiếm này kiểm soát khoảng 90% thị trường tìm kiếm trực tuyến và 95% trên điện thoại thông minh, khiến nhiều công cụ cạnh tranh tiềm năng như Bing của Microsoft và DuckDuckGo gặp khó khăn, đồng thời hạn chế sự đa dạng tìm kiếm cho người dùng.
Phán quyết trên được đưa ra sau phiên tòa kéo dài 10 tuần tại Thủ đô Washington D.C, với bên khởi kiện là Bộ Tư pháp Mỹ cùng hàng chục tổng chưởng lý ở các bang từ năm 2020. Theo Thẩm phán Mehta, chỉ riêng năm 2021, Google đã chi 26,3 tỷ USD để biến công cụ tìm kiếm của mình trở thành lựa chọn mặc định trên điện thoại thông minh và trình duyệt web, từ đó loại bỏ sự cạnh tranh và củng cố vị thế độc quyền. Một trong những công ty nhận tiền từ Google nhiều nhất là Apple. Tài liệu tòa án được công bố hồi đầu năm cho thấy, Google đã trả 20 tỷ USD năm 2022 cho hãng này, tương đương 17,5% thu nhập hoạt động của công ty sản xuất iPhone.
Dù phán quyết của tòa án Mỹ không nêu rõ Google sẽ phải đối mặt hình phạt nào vì vi phạm luật chống độc quyền, song cũng để lại những câu hỏi lớn về tương lai thống trị của công ty đối với ngành công nghiệp tìm kiếm. Trong ngày 5/8, cổ phiếu của công ty mẹ Alphabet đã giảm 4,5% trong bối cảnh thị trường chứng khoán công nghệ nói chung đi xuống.
Phản ứng trước phán quyết, đại diện của Google lập luận, công ty chỉ đơn giản là cung cấp dịch vụ tốt hơn cho người dùng so các công cụ tìm kiếm khác. Các luật sư của công ty cũng đưa ra các bằng chứng chứng minh công cụ tìm kiếm của các đối thủ có hiệu suất hoạt động kém hơn, đồng thời cho rằng những hợp đồng biến Google thành công cụ tìm kiếm mặc định trên các thiết bị không cấu thành hành vi vi phạm Luật Chống độc quyền. Công ty dự định kháng cáo lên Tòa phúc thẩm Thủ đô Washington D.C và Tòa án Tối cao Mỹ. Cuộc chiến pháp lý có thể kéo dài sang năm sau, thậm chí đến năm 2026.
Trong khi đó, chính phủ “xứ cờ hoa” đánh giá cao phán quyết của tòa án Mỹ. Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland coi đây là "chiến thắng lịch sử đối với người dân Mỹ. “Không có công ty nào, dù lớn hay có ảnh hưởng đến đâu, có thể đứng trên luật pháp", ông Garland nhấn mạnh. Trong một thông báo, Thư ký báo chí Nhà trắng Karine Jean-Pierre khẳng định: “Như Tổng thống Biden và Phó Tổng thống Harris đã nói từ lâu, người Mỹ xứng đáng có một mạng internet miễn phí, công bằng và cởi mở”.
Theo CNN, phán quyết với Google đánh dấu lần thứ hai tập đoàn này phải đối mặt cáo buộc độc quyền. Trước đó, tháng 12/2023, một bồi thẩm đoàn liên bang ở California (Mỹ) đã tuyên bố, Google đang điều hành một thế độc quyền bất hợp pháp khi không cho phép các ứng dụng của hệ điều hành Android xuất hiện trên các cửa hàng không phải là cửa hàng Play - nơi hệ thống thanh toán của Google thu hoa hồng các giao dịch.
Giới phân tích cho rằng, phán quyết mới đây của tòa án Mỹ dành cho Google là một lời cảnh báo rõ ràng cho Big Tech, nếu những công ty này dùng vị thế của mình để chi phối thị trường và gây thiệt hại cho người tiêu dùng.