Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 15/8 đã xác nhận một trường hợp nhiễm virus gây bệnh đậu mùa khỉ (mpox) ở Thụy Điển có liên quan đợt bùng phát dịch bệnh này ở châu Phi. Các chuyên gia y tế đã công bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng ở cấp độ toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Xét nghiệm bệnh đậu mùa khỉ tại châu Phi. Ảnh: GETTY IMAGES
Xét nghiệm bệnh đậu mùa khỉ tại châu Phi. Ảnh: GETTY IMAGES

Theo CNN, WHO cảnh báo đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy, dịch bệnh này đã lây lan ra bên ngoài “lục địa đen”, chỉ một ngày sau khi WHO ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu (PHEIC) vì lo ngại mpox bùng phát. Giới chức y tế Thụy Điển cho biết, bệnh nhân này đã bị nhiễm chủng virus gây bệnh đậu mùa khỉ thuộc nhánh Ib có liên quan đợt bùng phát dịch mới đây ở châu Phi. Hiện, bệnh nhân trên đang được điều trị.

Thông cáo của WHO cũng nêu rõ: “Việc xác nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ ở Thụy Điển cho thấy những điều kiện hiện nay có khả năng dẫn tới nhiều ca nhiễm bệnh này hơn ở khu vực châu Âu trong thời gian tới”. Trước đó, WHO và giới chức châu Phi đã nhiều lần phát đi cảnh báo dịch bệnh đậu mùa khỉ lây lan nhanh chóng từ CHDC Congo sang các quốc gia lân cận. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Các chuyên gia đã họp khẩn cấp và thông báo với tôi rằng, theo quan điểm của họ, tình hình này là một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đang được quốc tế quan tâm”.

Mpox lần đầu được các nhà khoa học xác định vào năm 1958 khi có các đợt bùng phát của một loại bệnh có triệu chứng giống bệnh đậu mùa ở khỉ. Sau đó, WHO ghi nhận CHDC Congo là nơi đầu tiên loại virus gây bệnh đậu mùa được phát hiện ở người vào năm 1970. Cho đến gần đây, hầu hết các ca bệnh ở người được phát hiện ở những người sinh sống tại Trung và Tây Phi có tiếp xúc gần gũi với động vật bị nhiễm bệnh. Những người mắc bệnh nặng hơn có thể phát triển các tổn thương trên mặt, tay, ngực và bộ phận sinh dục.

Vào năm 2022, WHO đã ghi nhận một đợt bùng phát virus này qua đường tình dục và gây ra dịch bệnh ở hơn 70 quốc gia chưa từng báo cáo mpox trước đó. Đầu năm nay, các nhà khoa học báo cáo sự xuất hiện của một chủng mpox mới tại thị trấn khai thác mỏ của CHDC Congo có thể cướp đi sinh mạng của 10% số người mắc và lây lan dễ dàng hơn. Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi, kể từ tháng 1/2022 đến ngày 4/8/2024, châu lục này có 38.465 ca mắc mpox và có 1.456 ca tử vong.

Số ca mắc ở “lục địa đen” tăng đột biến khiến giới chức hết sức lo ngại. So cùng kỳ năm ngoái, CDC châu Phi cho biết, số ca mắc tăng 160% và số ca tử vong tăng 19%. So đợt bùng phát dịch năm 2022, chủng virus dẫn tới đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ hiện nay được cho là có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn. Năm 2022, nam giới đồng tính chiếm phần lớn các ca mắc và virus chủ yếu lây lan qua tiếp xúc gần gũi, bao gồm cả quan hệ tình dục. Năm nay, xu hướng lây lan xuất hiện tương tự. Song, các chuyên gia y tế lo ngại trẻ em dưới 15 tuổi hiện chiếm hơn 70% số ca mắc mpox và 85% số ca tử vong ở CHDC Congo, là diễn biến bất thường của dịch bệnh.

Giám đốc tổ chức cứu trợ trẻ em Save the Children tại CHDC Congo, ông Greg Ramm cho biết, tổ chức này đặc biệt lo ngại về sự lây lan của mpox trong các trại tị nạn đông đúc ở phía đông CHDC Congo. Ông Greg Ramm quan ngại rằng “có hơn 345.000 trẻ em đang chen chúc trong các lều trại trong điều kiện mất vệ sinh”, đồng thời lưu ý hệ thống y tế của nước này đã quá tải dưới gánh nặng của những bệnh khác như suy dinh dưỡng, sởi và bệnh tả, nên gần như không đủ khả năng chống đỡ trước dịch bệnh mới.

Theo WHO, hồi năm 2022, hệ thống y tế công cộng đã dần kiểm soát được đợt bùng phát mpox trên thế giới bằng việc sử dụng vaccine và điều trị ở các nước giàu, cùng với việc thuyết phục mọi người tránh các hành vi rủi ro. Nhưng hiện nay, hầu như không có vaccine hoặc phương pháp điều trị nào có sẵn ở châu Phi.