Hợp tác giải quyết khủng hoảng di cư

Số liệu do Bộ Nội vụ Morocco công bố hôm 7/9 cho thấy, nước này đã ngăn chặn 45.015 người di cư bất hợp pháp sang các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) kể từ tháng 1/2024 và triệt phá 177 băng nhóm buôn người. Quốc gia Bắc Phi đang tăng cường hợp tác với châu Âu nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng di cư đang ngày càng phức tạp.
0:00 / 0:00
0:00
Người tị nạn từ Morocco tìm cách đến Ceuta. Ảnh: REUTERS
Người tị nạn từ Morocco tìm cách đến Ceuta. Ảnh: REUTERS

Theo Reuters, số liệu cho thấy năm 2023, Morocco đã ngăn chặn 75.184 người vượt biên bất hợp pháp sang châu Âu, tăng 6% so cùng kỳ năm 2022. Ngoài ra, hải quân nước này đã giải cứu được 10.859 người di cư gặp nạn trên biển từ đầu năm 2024 đến nay. Bộ trưởng Nội vụ Morocco, ông Mohamed Hassad nói: “Morocco tiếp tục phải đối mặt áp lực di cư ngày càng tăng do hậu quả trực tiếp của tình hình bất ổn đang diễn ra ở khu vực Sahel và việc kiểm soát biên giới lỏng lẻo”.

Quốc gia Bắc Phi này từ lâu là điểm xuất phát chính cho những người di cư châu Phi muốn đến châu Âu qua Địa Trung Hải, Đại Tây Dương hoặc bằng cách vượt qua hàng rào bao quanh các vùng đất Ceuta và Melilla của Tây Ban Nha tại châu Phi. Hai vùng lãnh thổ nhỏ của Tây Ban Nha giáp Địa Trung Hải vốn đã là mục tiêu của những người di cư và người tị nạn, trở thành cửa ngõ vào “lục địa già”. Nhiều người cố gắng trèo qua hàng rào dây thép gai bao quanh các thành phố hoặc đến vùng đất này bằng đường biển.

Giới chức Tây Ban Nha những năm qua đã nỗ lực thúc đẩy phối hợp và thực thi chính sách kiểm soát biên giới với Morocco để ngăn chặn người di cư. Năm 2021, hai quốc gia từng chứng kiến cuộc khủng hoảng di cư, tị nạn do không đạt được sự thống nhất về chính sách, khiến hàng nghìn người bao gồm nhiều trẻ em không có người lớn đi kèm đã đổ về Ceuta chỉ trong vài ngày, khiến chính quyền Madrid không kịp phản ứng. Tuy nhiên, trong số họ không phải tất cả đều là người gốc Morocco. Nhiều người đã đi bằng tàu bè nhỏ hoặc thuyền bơm hơi dọc theo bờ biển phía tây của châu Phi tới đây.

Dữ liệu của cảnh sát Tây Ban Nha cho hay, vào tháng trước, hàng trăm người di cư đã lợi dụng sương mù dày đặc để đến Ceuta. Tính từ tháng 1 tới giữa tháng 8 năm nay, đã có 1.622 người di cư đến Ceuta, tăng so 620 người trong cùng kỳ năm ngoái. Người dân từ thị trấn Belyounech của Morocco đã bơi đến Ceuta sau khi nhà cửa của họ bị phá dỡ.

Với mối liên hệ đó, chính quyền Rabat ngày càng gắn bó mật thiết hơn với châu Âu trong vai trò là “người gác cổng di cư”. Morocco và Tây Ban Nha đã tăng cường hợp tác giải quyết vấn đề di cư bất hợp pháp, hóa giải một số bất đồng về phân bổ và đưa người di cư quay trở lại. Dù vậy, bà Camille Le Coz, Phó Giám đốc Viện Chính sách Di cư châu Âu nhận định: “EU đã đạt được tiến bộ khi đàm phán với Morocco, nhưng vẫn còn rất xa mới có thể thực hiện được toàn bộ tầm nhìn tham vọng. Điều quan trọng là khi Rabat củng cố các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trong nước, cuộc khủng hoảng di cư sẽ phần nào được giải quyết”.

Bà Le Coz cho biết thêm rằng, các dự án đầu tư lớn như kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt giữa eo biển Gibraltar nối châu Âu và châu Phi - một đường hầm dưới biển giữa Tây Ban Nha và Morocco - có thể mở ra cơ hội phát triển của quốc gia Bắc Phi, đồng thời gián tiếp giải quyết cuộc khủng hoảng di cư, tị nạn của EU.

Ở cấp độ khu vực, sau hơn 7 năm đàm phán, Morocco và EU cuối cùng đã nhất trí về một hiệp ước di cư vào tháng 12/2023 và đang bắt đầu triển khai những điều khoản mới trong hiệp ước này. Ông Hans Leijtens, Giám đốc Cơ quan Bảo vệ biên giới và bờ biển châu Âu (Frontex), đánh giá cao vai trò của Rabat trong việc tăng cường đối thoại và hợp tác với các cơ quan quản lý biên giới, đồng thời hy vọng Morocco sẽ đóng vai trò ngày càng rõ rệt hơn để cùng giải quyết bài toán nan giải ở “lục địa già”.