Ấn Độ tăng cường bảo vệ nhân viên y tế

Tòa án Tối cao Ấn Độ mới đây ra lệnh thành lập một lực lượng đặc nhiệm y tế quốc gia (NTF) nhằm bảo đảm an toàn cho các bác sĩ và nhân viên y tế tại nơi làm việc. Quyết định được đưa ra sau vụ cưỡng bức và sát hại một nữ bác sĩ thực tập tại nước này, khiến dư luận Ấn Độ bàng hoàng và phẫn nộ.
Người dân Ấn Độ kêu gọi chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ. Ảnh: REUTERS
Người dân Ấn Độ kêu gọi chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ. Ảnh: REUTERS

Reuters cho biết, ngày 20/8 vừa qua, Tòa án tối cao Ấn Độ đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm quốc gia với thành viên là các quan chức, chuyên gia và bác sĩ có uy tín để đưa ra những khuyến nghị về vấn đề an toàn cho nhân viên y tế tại nơi làm việc.

NTF có nhiệm vụ đề xuất các khuyến nghị hiệu quả để khắc phục các nguy cơ đáng lo ngại về an toàn, điều kiện làm việc và phúc lợi của các nhân viên y tế cũng như các vấn đề liên quan khác. NTF sẽ lập một kế hoạch hành động được phân loại thành hai mục: Phòng ngừa bạo lực đối với các nhân viên y tế và cung cấp điều kiện làm việc an toàn cho họ. "Các nhân viên y tế bao gồm bác sĩ, y tá, điều dưỡng, sinh viên y khoa đang trải qua chương trình thực tập luân phiên bắt buộc (CRMI)”, trích tuyên bố của Tòa án Tối cao Ấn Độ.

Bên cạnh đó, NTF được cho là có quyền tự do đưa ra các khuyến nghị về mọi khía cạnh của kế hoạch hành động và bất kỳ vấn đề nào mà các thành viên cảm thấy cần thiết. NTF cũng có thể tham khảo ý kiến ​​của các bên liên quan nhằm thực hiện nhiệm vụ của mình. Trong khi đó, Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình sẽ cung cấp hỗ trợ hậu cần bao gồm sắp xếp việc đi lại, lưu trú, đồng thời chi trả chi phí di chuyển và các chi phí liên quan khác cho các thành viên của NTF.

Tòa án Tối cao cũng đề nghị NTF xem xét các biện pháp an toàn bao gồm phòng nghỉ riêng cho nhân viên nữ, hệ thống chiếu sáng đầy đủ trên toàn khuôn viên các cơ sở y tế, lắp đặt camera giám sát và thành lập các nhóm nhân viên để tiến hành kiểm tra an toàn hằng quý. NTF được yêu cầu nộp báo cáo sơ bộ trong vòng ba tuần và báo cáo cuối cùng trong vòng hai tháng cho các cơ quan có thẩm quyền.

Đánh giá về quyết định thành lập lực lượng đặc nhiệm nói trên, Chánh án Tòa án Tối cao Dhananjaya Yeshwant Chandrachud cho biết: “Bảo vệ sự an toàn của bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ nữ, là vấn đề lợi ích quốc gia và nguyên tắc bình đẳng. Quốc gia cần hành động để tránh trường hợp tương tự xảy ra. Nếu phụ nữ không thể làm việc một cách an toàn thì chúng ta đang từ chối điều kiện cơ bản của sự bình đẳng”.

Theo AP, việc thành lập NTF diễn ra sau khi một nữ bác sĩ thực tập 31 tuổi bị cưỡng hiếp và sát hại dã man khi đang làm nhiệm vụ vào ngày 9/8 ở thành phố Kolkata, thủ phủ của bang Tây Bengal (Ấn Độ). Một đối tượng đã bị bắt và bị buộc tội liên quan vụ việc, song gia đình nạn nhân cáo buộc đây là vụ cưỡng hiếp tập thể, có nhiều người khác tham gia, do đó yêu cầu các nhà chức trách tiếp tục mở rộng điều tra.

Sau đó, các bác sĩ và nhân viên y tế trên khắp Ấn Độ đã tổ chức nhiều cuộc tuần hành thắp nến và đình công. Các bác sĩ cho biết, vụ tấn công làm nổi bật tình trạng dễ bị tổn thương của nhân viên chăm sóc sức khỏe tại các bệnh viện và cơ sở y tế trên khắp cả nước. "Chỉ riêng luật pháp sẽ không giải quyết được những vấn đề này. Chúng ta cần một cuộc đại tu toàn diện hệ thống", một bác sĩ cho biết. Người này cũng cho rằng, chính phủ cần hành động quyết liệt hơn để giải quyết các vấn đề cốt lõi trong việc bảo đảm an toàn cho các nhân viên y tế, đặc biệt là những nhân viên nữ.

Bất chấp luật pháp nghiêm ngặt hơn, bạo lực tình dục đối với phụ nữ vẫn là vấn đề nhức nhối ở Ấn Độ. Theo Cục Hồ sơ Tội phạm quốc gia, năm 2022, cảnh sát đã ghi nhận 31.516 báo cáo về các vụ cưỡng bức - tăng 20% ​​so năm 2021.