Sau lệnh sơ tán mới ban hành, hàng nghìn người dân Gaza một lần nữa phải di dời khỏi các khu vực thuộc thành phố Khan Younis, cũng như khu vực Al Salqa của thành phố Deir al Balah. Những gia đình gồm phụ nữ, người già…, nhiều người trong số đó đem theo con nhỏ, vội vã chạy khỏi các khu dân cư vốn đã hoang tàn sau các đợt đạn pháo và vượt qua những tuyến đường đổ nát. Họ đi bộ hoặc di chuyển chủ yếu bằng những phương tiện thô sơ như xe đạp, xe gắn máy…
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) cho biết: “Ước tính ban đầu từ các tổ chức nhân đạo quốc tế cho thấy, có hơn 15.500 người đã sinh sống ở những khu vực đó, bao gồm hơn 30 khu dân cư. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên trong cuộc xung đột tôn trọng nghĩa vụ của họ theo luật nhân đạo quốc tế, trong đó có nghĩa vụ bảo vệ dân thường và tài sản dân sự”.
Theo Xinhua, OCHA cũng kêu gọi tạo điều kiện cho dân thường được đến các khu vực an toàn hơn và cho phép họ trở về ngay khi hoàn cảnh cho phép. Đồng thời, văn phòng của LHQ cảnh báo tình trạng thiếu nước và ô nhiễm ở Gaza tiếp tục khiến người dân Palestine gặp rủi ro đáng kể về sức khỏe. OCHA cho biết, việc thiếu máy phát điện và năng lượng thay thế, hoặc thiếu phụ tùng vận hành máy phát điện đã cản trở nỗ lực ứng phó vấn đề thiếu nước sạch và vệ sinh. Ngoài ra, một thách thức lớn khác là nhu cầu nhiên liệu. Hiện nay, số nhiên liệu nhận được chỉ bằng 70% ngưỡng hoạt động thấp nhất của các tổ chức cứu trợ tại đây.
Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cảnh báo, đường sá bị hư hỏng và tình trạng mất trật tự, an toàn công cộng đang cản trở nghiêm trọng các hoạt động vận chuyển thực phẩm ở Gaza. Cơ quan này cho biết, dù đã tiếp cận 1 triệu người ở Gaza vào tháng 7, các điểm phân phối thực phẩm vẫn liên tục bị gián đoạn lớn do xung đột, lệnh sơ tán và thiệt hại về cơ sở hạ tầng. Do đó, WFP lo ngại sẽ không thể cung cấp đủ số lượng thực phẩm cần thiết trong tháng 8 này. Ở Bờ Tây, WFP ước tính bạo lực leo thang có thể đẩy số người phải đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực lên con số 600.000.
Kể từ khi xung đột bùng phát hồi tháng 10 năm ngoái, quân đội Israel đã nhiều lần quay trở lại các khu vực ở Dải Gaza mà lực lượng này từng càn quét. Thành phố Khan Younis lớn thứ hai ở Dải Gaza đã bị phá hủy gần như hoàn toàn sau những đợt tấn công trên không và trên bộ của Israel từ đầu năm nay. Ông Ahmed Bayram, cố vấn truyền thông của Hội đồng Người tị nạn Na Uy (NRC) - một trong số những tổ chức đang cứu trợ trên thực địa ở Dải Gaza, mô tả những tình huống “chưa từng thấy” trong cuộc xung đột.
“Chúng tôi liên tục chịu áp lực về nguồn cung cấp y tế, thiếu lương thực, nước và thuốc men nghiêm trọng vì không có nhiều hàng hóa được đưa vào Gaza. Viện trợ nhân đạo không tương xứng số nạn nhân. Một yếu tố đáng lo ngại khác là tình trạng suy dinh dưỡng đang gia tăng”, ông nói. Tại các bệnh viện vẫn còn hoạt động, những người bị thương đang được điều trị tại chỗ, sử dụng bất kỳ vật tư nào có sẵn. Ông Bayram cho hay: “Vẫn còn 5 hoặc 6 bệnh viện đang quá tải bệnh nhân, đã hết mọi vật tư y tế và thuốc men cũng kém chất lượng. Mọi người một lần nữa phải tự xoay xở với những gì họ có”.
Dải Gaza hiện phải đối mặt cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng do các biện pháp hạn chế của Israel đối với viện trợ và giao tranh đang diễn ra, khiến khả năng tiếp cận các nguồn cung cấp y tế, thực phẩm trở nên khó khăn hơn. Cơ quan y tế tại Gaza ghi nhận số người thiệt mạng ở vùng lãnh thổ này đã lên tới gần 40.000 người và đây là con số chưa đầy đủ.