Bước tiến của một thành phố công nghiệp

Hortolandia, một đô thị ở bang São Paulo, được biết đến là thành phố công nghiệp điển hình ở Brazil. Ngày nay, thành phố đang chuyển mình theo hướng phát triển bền vững, với các sáng kiến năng lượng sạch, quản lý tài nguyên hiệu quả và bảo vệ môi trường.
0:00 / 0:00
0:00
Cây cầu Hortolandia biểu tượng cho sự phát triển của thành phố. Ảnh: GETTYIMAGES
Cây cầu Hortolandia biểu tượng cho sự phát triển của thành phố. Ảnh: GETTYIMAGES

Theo Bloomberg, vào thế kỷ 19, Hortolandia chỉ là một vùng đất nông nghiệp thuần túy. Đến những năm 70 thế kỷ 20, làn sóng đô thị hóa mạnh mẽ đã biến nơi đây thành trung tâm công nghiệp, thu hút hàng loạt nhà máy sản xuất và lao động từ khắp nơi đổ về.

Mặc dù vậy, sau hàng chục năm phát triển công nghiệp, tình trạng ô nhiễm không khí, đất đai và quá tải rác thải đã trở nên đáng báo động. “Vào những năm 1970 - 1980, khu vực này vẫn còn là một vùng nông thôn nhưng rồi nhiều khu công nghiệp phát triển dẫn đến sự bùng nổ dân số, kèm theo nhiều vấn đề dân sinh”, Josemil Rodrigues, một nhà báo địa phương nhớ lại.

Để giải quyết vấn đề ô nhiễm công nghiệp, chính quyền yêu cầu doanh nghiệp buộc phải lắp đặt hệ thống lọc khí tiên tiến để giảm thiểu khói bụi, đồng thời xử lý nước thải bằng công nghệ sinh học trước khi xả ra môi trường. Thành phố cũng khuyến khích nhà máy chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo, với mục tiêu đến năm 2030, ít nhất 50% điện năng trong công nghiệp là năng lượng mặt trời hoặc gió.

Những năm gần đây, Hortolandia đã thúc đẩy hàng loạt dự án nhằm giảm tác động môi trường, ưu tiên năng lượng tái tạo và xây dựng một lộ trình phát triển xanh, thân thiện môi trường. Một trong những nỗ lực nổi bật là đầu tư mạnh mẽ vào năng lượng mặt trời. Chính quyền thành phố đã triển khai lắp đặt các tấm pin mặt trời trên hàng loạt tòa nhà công cộng, từ trường học, bệnh viện đến trụ sở hành chính. “Chúng tôi muốn thay đổi cách nhìn về Hortolandia, từ một thành phố công nghiệp sang một đô thị xanh”, ông Eduardo Marchetti, Giám đốc Sở Quy hoạch đô thị và Quản lý chiến lược Hortolandia cho biết. Giới chức đã kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng 21 nhà máy quang điện mới từ năm 2023, một số đang trong giai đoạn hoàn thiện cuối cùng.

Nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình cũng tham gia chương trình năng lượng mới thông qua các chương trình hỗ trợ tài chính như giảm thuế hoặc trợ cấp mua thiết bị. Thị trưởng José Nazareno Zezé Gomes nhấn mạnh: “Năng lượng tái tạo là chìa khóa để Hortolandia trở thành thành phố bền vững. Chúng tôi kỳ vọng mỗi người đều được hưởng lợi từ nguồn năng lượng sạch”. Theo thống kê gần đây, hơn 30% năng lượng tiêu thụ tại các địa điểm công cộng ở Hortolandia đã chuyển sang sử dụng điện mặt trời, một con số ấn tượng trong bối cảnh Brazil vẫn phụ thuộc nhiều vào thủy điện.

Thị trưởng Gomes nêu bật tầm quan trọng của việc quản lý chất thải và tái chế - một lĩnh vực từng bị xem nhẹ trong thời kỳ công nghiệp hóa. Thành phố đã xây dựng hệ thống thu gom và phân loại rác hiệu quả, với các trạm tái chế hiện đại được bố trí khắp nơi. Nhờ đó, tỷ lệ tái chế tăng đáng kể, từ mức dưới 10% cách đây 10 năm lên gần 40% hiện nay, đồng thời giảm lượng chất thải đưa đến bãi chôn lấp.

Còn theo ông Marchetti, điểm ấn tượng nhất là Hortolandia đã được quy hoạch theo hướng có thêm nhiều công viên xanh và khu bảo tồn, nơi người dân có thể thư giãn, hít thở không khí trong lành và tìm hiểu về hệ sinh thái địa phương. Hàng trăm ha rừng tái tạo đã được trồng mới, qua đó bảo vệ các loài động, thực vật quý hiếm... Những khu vực này không chỉ là lá phổi xanh mà còn trở thành điểm đến giáo dục, thu hút học sinh và du khách.

Trưởng khoa Sư phạm và Giáo dục thường xuyên thuộc Ban Thư ký Giáo dục của Hortolandia, ông Donizete Faria cho rằng, một trong những yếu tố thay đổi chính là nhờ giáo dục. Ông cho biết: “Các trường học tích cực tham gia, đưa giáo dục môi trường vào chương trình giảng dạy để học sinh hiểu rõ hơn về biến đổi khí hậu và trách nhiệm cá nhân. Chúng tôi đã mở diễn đàn công khai, cả học sinh và phụ huynh có thể đóng góp ý kiến về chính sách môi trường”. Những sáng kiến như “Ngày hội tái chế” hay “Thử thách xanh” đã thu hút hàng nghìn người tham gia, tạo nên phong trào mạnh mẽ.

“Chúng tôi không chỉ muốn giảm ô nhiễm mà còn tạo ra mô hình công nghiệp bền vững”, ông Marchetti khẳng định. Ông cho rằng, mặc dù hành trình còn nhiều khó khăn, song Hortolandia đang cho thấy những tín hiệu tích cực đáng ghi nhận. Từ một thành phố công nghiệp khói bụi, nơi đây dần trở thành biểu tượng của sự đổi mới và phát triển bền vững ở Brazil.