Điểm nhấn ở Tuần lễ thời trang Nairobi

Khi rác thải dệt may vẫn ngày một gia tăng ở các nước châu Phi, nhiều nhà thiết kế đang tạo ra tính năng tái sử dụng và tái chế vải từ các bãi rác hoặc chợ vải cũ.
0:00 / 0:00
0:00
Thiết kế được kết hợp từ vải đã qua sử dụng. Ảnh: KEVIN MBURU & ASANDE MAOGA
Thiết kế được kết hợp từ vải đã qua sử dụng. Ảnh: KEVIN MBURU & ASANDE MAOGA

Từ quần denim ống rộng tái chế đến những thiết kế làm từ rèm cửa cũ, sàn diễn tại Tuần lễ thời trang Nairobi (Kenya) mới đây đã giới thiệu xu hướng thiết kế mới tập trung vào thời trang bền vững ở châu Phi. Sự kiện này bắt đầu tổ chức vào năm 2013 nhằm quảng bá ngành công nghiệp thời trang mới ra đời của khu vực và đã phát triển thành nơi trưng bày các sản phẩm bền vững những năm gần đây, đặc biệt trong bối cảnh có nhiều báo cáo đáng lo ngại về tác động của rác thải dệt may đến môi trường tại “lục địa đen”.

Các thương hiệu thân thiện với môi trường và quảng bá về văn hóa, chẳng hạn như studio “Maisha by Nisria” của Kenya, đã trình làng các bộ sưu tập trong năm nay. Các thiết kế của thương hiệu này hoàn toàn thủ công, sử dụng những loại vải bỏ đi có nguồn gốc từ các chợ vải cũ, nhà bán buôn, nhà máy tái chế và trong các bãi rác. “Bạn có thể sử dụng bất cứ thứ gì để tạo ra một thiết kế mới thú vị”, Tausi Conde, giám đốc thiết kế của nhãn hiệu cho biết.

Conde tình cờ biết đến thời trang bền vững khi còn học đại học. Thời điểm đó, việc tiếp cận vải hạn chế đã thúc đẩy anh sáng tạo bằng cách tái sử dụng quần áo cũ của mẹ để thiết kế trang phục cho người mẫu sinh viên. Ngày nay, xu hướng này là một phần không thể thiếu trong thương hiệu của Conde. Anh và các cộng sự tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc không lãng phí khi vải thừa cũng sẽ được biến tấu thành túi hoặc phụ kiện.

Theo The Guardian, lấy cảm hứng từ nghệ thuật dệt may truyền thống, bộ sưu tập có tên “Exodus” của nhà thiết kế người Rwanda Jean Maurice Niyigena cũng gây ấn tượng mạnh khi sử dụng vật liệu tái chế. Đánh giá về xu hướng thời trang mới, ông Niyigena nhận định: “Thị trường thời trang bền vững đang phát triển, đặc biệt là trong số những người tiêu dùng trẻ có ý thức, những người nhận thức rõ hơn về các vấn đề môi trường và xã hội, đang tìm kiếm các lựa chọn phù hợp với các giá trị của họ, tôn vinh văn hóa và có sức hấp dẫn toàn cầu”.

Trong khi đó, nhà thiết kế người Cameroon, Sikoti Mbaitjongue cho biết, dù là xu hướng tích cực, song thời trang bền vững không phải là một ngành kinh doanh tiềm năng, khi không thể cạnh tranh với thời trang nhanh. “Bắt đầu được quan tâm thời gian gần đây, dù vậy ngành công nghiệp thời trang, dệt may hữu cơ nói chung tại châu Phi vẫn đối mặt nhiều thách thức. Nhiều người dân vẫn lựa chọn các dòng quần áo cũ từ thời trang nhanh đến các quốc gia phương Tây, mặc dù đã có những minh chứng cho thấy ngành này gây ra tác hại không thể khắc phục đối với môi trường”, nhà thiết kế cho biết. Tuy nhiên, theo cô, nếu ngày càng có nhiều nhà thiết kế có ý thức về môi trường, công chúng sẽ nâng cao nhận thức, từ đó có ý thức bảo vệ môi trường hơn.

Các nghiên cứu về rác thải dệt may ở Ghana cho thấy, có tới 60% hàng may mặc nhập khẩu không bán được và bị vứt vào bãi rác. Do đó, ban tổ chức Tuần lễ thời trang Nairobi cũng kêu gọi thắt chặt quy định đối với hàng may mặc nhập khẩu. Ông Brian Kihindas, Giám đốc sáng tạo của sự kiện này nhấn mạnh, mục tiêu của tuần lễ thời trang là thúc đẩy các loại vải hữu cơ và thời trang bền vững.

"Chủ đề này phù hợp với tầm nhìn của chúng tôi về định vị châu Phi như một châu lục dẫn đầu toàn cầu về tính bền vững. Chúng tôi đang làm việc để thiết lập một nền tảng cho các nhà thiết kế bền vững trên khắp châu Phi, bắt nguồn từ các giá trị văn hóa của khu vực. Mục tiêu của chúng tôi là thúc đẩy các loại vải hữu cơ và thời trang bền vững", ông Kihindas khẳng định.