Hành trình của “kỳ lân” công nghệ Ba Lan

Rzeszow là một thành phố lớn ở đông nam Ba Lan và là thủ phủ của tỉnh Subcarpathian, còn được gọi là Podkarpackie. Đây cũng là nơi đặt trụ sở đầu tiên của Asseco, một trong những “kỳ lân công nghệ" hàng đầu đang góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế Ba Lan.
0:00 / 0:00
0:00
Asseco phát triển từ một công ty công nghệ nhỏ. Ảnh: ASSECO
Asseco phát triển từ một công ty công nghệ nhỏ. Ảnh: ASSECO

Vào thời điểm kinh tế thị trường của Ba Lan còn non trẻ, Asseco bắt đầu như một công ty nhỏ, tập trung phát triển phần mềm cho các ngân hàng, hợp tác xã và doanh nghiệp địa phương tại khu vực Podkarpackie. Nhu cầu về các giải pháp công nghệ để quản lý tài chính trong giai đoạn chuyển đổi kinh tế đã tạo cơ hội cho công ty này khẳng định vị thế.

Giám đốc và nhà sáng lập công ty, ông Adam Goral, trong một cuộc phỏng vấn với tờ Parkiet của Ba Lan năm 2023 kể lại: “Đó là vào đầu những năm 90. Ba người chúng tôi đều là những chuyên gia công nghệ thông tin. Vào thời điểm đó, ít người tin rằng, người Ba Lan có khả năng tạo ra các công nghệ có thể cạnh tranh với các giải pháp được tạo ra ở phương Tây. Chúng tôi đã tìm được hợp đồng từ một ngân hàng nhỏ gần Rzeszow, nơi chúng tôi cùng làm việc và viết những phần mềm quản lý tài chính đầu tiên”.

Phần mềm của họ đã giúp ngân hàng và tổ chức tín dụng ở địa phương quản lý sổ sách hiệu quả hơn. Nhờ đó, từ một dự án nhỏ, công ty nhanh chóng thu hút sự chú ý từ các ngân hàng khác trong khu vực, mở đường để trở thành nhà cung cấp phần mềm chuyên nghiệp. Theo Bloomberg, những năm đầu, Asseco hoạt động với nguồn lực hạn chế, không có vốn lớn hay sự hậu thuẫn mạnh mẽ. Tuy nhiên, công ty từng bước xây dựng danh tiếng. Đến năm 1995, Adam Goral trở thành Tổng Giám đốc của COMP Rzeszow (tên ban đầu của Asseco), định hướng công ty mở rộng từ phục vụ ngân hàng địa phương sang các doanh nghiệp thương mại lớn hơn.

Năm 2004, COMP Rzeszow sáp nhập với Asset Soft của Slovakia và đổi tên thành Asseco, đánh dấu bước ngoặt trong việc mở rộng sang thị trường Trung Âu. Một bài viết trên Bloomberg đánh giá, thương vụ này không chỉ gia tăng quy mô mà còn mang lại công nghệ và kinh nghiệm mới, giúp công ty vươn lên trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Ông Adam Goral cho biết: “Tôi bắt đầu xây dựng Asseco với niềm tin rằng, một doanh nghiệp Ba Lan có thể dẫn đầu trên thị trường quốc tế. Việc sáp nhập với Asset Soft là rất quan trọng, điều đó cho thấy rằng, chúng tôi có thể cạnh tranh bên ngoài Ba Lan”. Tầm nhìn của ông đã đặt nền móng cho các bước phát triển tiếp theo. Năm 2010, Asseco thực hiện thương vụ mua lại Formula Systems của Israel, đưa công ty lên tầm toàn cầu với sự hiện diện tại hơn 60 quốc gia.

Thuật ngữ “kỳ lân” thường dùng cho các công ty khởi nghiệp (startup) đạt giá trị 1 tỷ USD trong vòng 10 năm kể từ khi thành lập. Từ khi được thành lập năm 1991, Asseco đã đạt giá trị lớn sau hơn 10 năm, nhưng hành trình từ một công ty nhỏ ở Rzeszow đến tập đoàn công nghệ hàng đầu cho thấy sự thành công vượt bậc.

Đối với quốc gia đông Âu, Rzeszow đã phát triển từ một trung tâm văn hóa, lịch sử lâu đời, trở thành trung tâm công nghiệp và hành chính, thu hút đầu tư quốc tế quan trọng. Một chi tiết đặc biệt là vị trí chiến lược của thành phố này như một “tiền đồn” phía đông của Liên minh châu Âu (EU), do gần các nước láng giềng ngoài EU. Dù Ba Lan vẫn đối mặt một số thách thức như dân số già hóa, phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch… Song, mô hình phát triển của Asseco cho thấy tiềm năng của các thương hiệu công nghệ mạnh đi lên từ quy mô địa phương.

Tổng Giám đốc điều hành (CEO) hiện tại của Asseco, ông Marek Panek nhấn mạnh: “Chúng tôi không chỉ mở rộng về quy mô mà còn về đổi mới sáng tạo. Các giải pháp quản lý tài chính hiện đại của chúng tôi đang dẫn đầu trong ngành ngân hàng và y tế và chúng tôi tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu và phát triển”. Doanh nghiệp này đã liên tục tiến triển, từ cung cấp giải pháp cơ bản cho ngân hàng địa phương đến phát triển hệ thống phức tạp cho khách hàng quốc tế.

Asseco cũng phản ánh khả năng thích nghi và đổi mới trong bối cảnh kinh tế Ba Lan phát triển mạnh mẽ. Theo AFP, từ năm 2000, Ba Lan là quốc gia hiếm hoi ở châu Âu không trải qua suy thoái, ngoại trừ giai đoạn Covid-19, với GDP tăng trưởng trung bình 3,6% mỗi năm, cao hơn cả Pháp (1,3%) hay Đức (1,1%). Giáo sư Witold Orłowski, nhà kinh tế học tại Trường đại học Kinh tế Warsaw (Ba Lan) nhận định: “Sự phát triển của Asseco không chỉ dựa vào công nghệ mà còn vào khả năng xây dựng chiến lược toàn cầu từ một điểm xuất phát khiêm tốn”.