Tình người trong nội chiến ở Sudan

Mỗi ngày, hàng trăm người xếp hàng bên ngoài bếp ăn cộng đồng ở Sururab, cách Thủ đô Khartoum của Sudan 40 km. Các bếp ăn cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn nạn đói ở Sudan suốt hơn một năm qua trong cuộc nội chiến khiến ít nhất 11,5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa.
0:00 / 0:00
0:00
Một bếp ăn cộng đồng ở Sururab. Ảnh: THE GUARDIAN
Một bếp ăn cộng đồng ở Sururab. Ảnh: THE GUARDIAN

Nhiếp ảnh gia Mazin Alrasheed là một trong những thành viên thành lập bếp ăn cộng đồng ở Sururab. Ý tưởng này ra đời chỉ vài tuần sau khi xung đột nổ ra vào tháng 4/2023 giữa Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) và Lực lượng Hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF). Trong nhiều tuần, ​​người dân ở Khartoum và các thành phố lân cận là Omdurman và Bahri liên tục phải rời bỏ nhà cửa để chạy đến Sururab.

Sau cuộc giao tranh leo thang ở bang Gezira, ước tính khoảng 130 gia đình đã đổ đến khu vực này. “Hầu hết các gia đình di cư đều phụ thuộc vào bữa ăn mà chúng tôi cung cấp. Phần lớn họ không có thu nhập và phải di dời vì chiến tranh. Gần 50% các gia đình mà chúng tôi phục vụ sống tại các trại tị nạn trong khu vực”, ông Alrasheed chia sẻ.

Theo ông Alrasheed, ở khu vực này, viện trợ của các tổ chức quốc tế không đều đặn và đôi khi phải đối mặt các vấn đề về phân phối. “Thí dụ, bột mì được phân phát tới tay người dân vào cuối tháng 9 nhưng tháng 10 đã hết hạn”, nhà sáng lập bếp ăn cộng đồng cho biết. Ngoài ra, việc nhận viện trợ - dù là thực phẩm, nước hay thuốc men - cũng khó khăn vì các lực lượng tham chiến chặn đường vận chuyển đến một số khu vực nhất định.

Không chỉ khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa, cuộc nội chiến ở Sudan còn gây ra thiệt hại đáng kể về cơ sở hạ tầng, bao gồm các bệnh viện và cơ sở y tế. Ước tính, khoảng một nửa số trung tâm y tế ở Khartoum đã bị phá hủy. Trước thách thức này, nhiều cộng đồng ở Sudan đã quyết định thành lập các Phòng ứng phó khẩn cấp (ERR) nhằm cung cấp thuốc men, thực phẩm và nơi trú ẩn.

“Sự tương trợ giữa các cộng đồng người Sudan thật sự truyền cảm hứng, phản ánh sức mạnh, khả năng phục hồi và lòng trắc ẩn đáng kinh ngạc của người dân quốc gia này, ngay cả khi phải đối mặt những khó khăn không thể tưởng tượng được”, ông Haitham Elnour, một thành viên của cộng đồng người Sudan lưu vong nhận định.

Trong khi đó, bà Leena Badri, một thành viên của Sudan Solidarity Collective - một tổ chức gây quỹ trong cộng đồng người di cư - cho biết, những nỗ lực và tiếng nói của người dân địa phương Sudan cần phải được nêu bật. Hiện, tổ chức của bà Badri cũng đang nỗ lực viện trợ nhu yếu phẩm cho ít nhất 12 trong số 18 bang của Sudan. Bà Badri đánh giá vai trò của các nhóm cứu trợ, dù là bếp ăn cộng đồng hay ERR, đều rất quan trọng trong bối cảnh các lực lượng quân sự đang ra điều kiện hạn chế đối với các nhóm này, khiến họ không thể hoạt động tự do. “ERR không đứng về bất kỳ bên nào trong xung đột, họ phục vụ cộng đồng của họ,” bà Badri chia sẻ.

Ông Elnour nhận định, tính hiệu quả trong tương trợ lẫn nhau của người Sudan trong chiến tranh cho thấy đây không chỉ là cách thức giúp giải quyết các nhu cầu cấp thiết mà còn giúp bồi dưỡng một thế hệ thanh niên và tình nguyện viên tích cực tham gia giải quyết vấn đề, phối hợp và cung cấp dịch vụ tại quốc gia này.

Theo LHQ, với gần 12 triệu người phải rời bỏ nhà cửa trong hơn một năm xung đột tại Sudan, đây là một trong những cuộc khủng hoảng về người di cư lớn nhất thế giới. Không chỉ vậy, thời gian qua, Sudan đối mặt tình trạng thiếu lương thực, trẻ em và phụ nữ liên tục bị ngược đãi, người già và người bị bệnh không được hỗ trợ y tế.

Trước tình trạng đó, LHQ cùng nhiều quốc gia đã liên tục kêu gọi viện trợ cho quốc gia này. Chỉ tính riêng trong năm 2024, các tổ chức nhân đạo đã nhận được nguồn viện trợ tài chính trị giá 1,8 tỷ USD cho Sudan, đạt 66% trong tổng số 2,7 tỷ USD được yêu cầu.