Bản quyền & mô phỏng

Tại một hội nghị tổng kết về thực thi quyền tác giả trong Luật Sở hữu trí tuệ thời gian vừa qua ở phía bắc, có một tin tức được coi là vừa đáng mừng nhưng cũng lại gợi nên sự băn khoăn, xét theo hai cách nhìn khác nhau đối với cùng một vấn đề.

Một cảnh trong tiểu phẩm "Xuất giá tòng phu".
Một cảnh trong tiểu phẩm "Xuất giá tòng phu".

Đó là trong hội nghị, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã báo cáo con số: Trong năm tháng đầu năm 2017, Thanh tra Bộ đã xử phạt 34 doanh nghiệp vì những vi phạm hành chính liên quan đến việc bảo hộ tác quyền và quyền liên quan, số tiền xử phạt là 900 triệu đồng. Điều có thể mừng là con số trên chỉ ra, thanh tra ngành đã cố gắng làm việc nghiêm túc, năng nổ. Tuy nhiên, con số ấy lại nói lên một điều rõ ràng rằng pháp luật về sở hữu trí tuệ và các biện pháp bảo hộ tác quyền vẫn chưa đi vào đời sống triệt để. Nếu luật được thực thi nghiêm túc, thì các doanh nghiệp trên đã tự giác hoàn chỉnh các yêu cầu về bản quyền, chẳng để đến mức bị phạt. Chưa kể, mục đích cao nhất của việc bảo hộ tác quyền là để cho những nghệ sĩ ở một số lĩnh vực sáng tác tránh bị thiệt thòi. Cho nên, có thể một số doanh nghiệp bị cơ quan chức năng phạt tiền, nhưng việc các doanh nghiệp đó thực hiện nghĩa vụ với tác giả hay không, thì vẫn bỏ ngỏ.

Nhân nói về chuyện vi phạm tác quyền, thì hình như mỗi ngày, người ta lại khám phá ra chí ít là một vụ vi phạm. Gần đây nhất là trong một gameshow ca nhạc có tên “Kịch cùng bolero”, có một tiểu phẩm kịch hát tên là “Xuất giá tòng phu” bị khán giả phát hiện giống hệt chi tiết trong truyện ngắn châm biếm cùng tên của nhà văn Nguyễn Công Hoan. Điều kỳ quặc là đạo diễn trẻ (thí sinh dự thi chương trình này) nói rằng anh ta còn không biết đến truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan, trong khi cốt truyện và tên tiểu phẩm quá giống truyện ngắn này. Chưa kể, một thí sinh đối thủ của anh ta cũng dàn dựng một vở kịch hát cảm tác từ một tiểu thuyết của Nguyễn Công Hoan, và cả hai đã cùng lọt vào chung kết ngày 14-8…

Còn một chuyện nữa, về một nét đặc trưng, nhưng không phải là bản quyền của một ai cả, mà là “bản quyền” của một vùng đất, một đặc trưng kiến trúc của một khu vực. Việc mô phỏng một vùng đất khác với mục đích du lịch, có lúc thì tạm được, có lúc lại chẳng hay. Thí dụ như ở Bãi Cháy, Hạ Long, Quảng Ninh, người ta xây những khu ki-ốt bán hàng giống với nhà cổ ở Hội An hay Hà Nội, tựa lưng vào biển, nên trông cũng không đến nỗi. Nhưng khi tổ chức phố đi bộ ở đường Trịnh Công Sơn (Tây Hồ, Hà Nội), việc dự kiến tổ chức cho 60 gian hàng mô phỏng nhà cổ Hội An, hay nhà trong phố cổ Hà Nội chắn mất mặt hồ đã lập tức nhận rất nhiều sự phản đối từ người dân và chuyên gia. Kết quả là các đơn vị tổ chức đã phải nhanh chóng tháo dỡ phương án này, và dời ngày khai trương sang 10-10 tới…