Tích cực bảo vệ động vật hoang dã

Tê tê là động vật hoang dã (ĐVHD) đang cần được bảo tồn ở Việt Nam và trên toàn thế giới, được pháp luật Việt Nam bảo vệ nghiêm ngặt. Những hành động bảo tồn ĐVHD của Việt Nam đang được giới chuyên gia quốc tế ghi nhận và ủng hộ.  

Chuyến đi thả tê tê về môi trường tự nhiên của SVW. Ảnh: SVW
Chuyến đi thả tê tê về môi trường tự nhiên của SVW. Ảnh: SVW

Trăn trở bảo tồn tê tê Việt Nam

Việt Nam có vị trí nằm tại tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, nơi được các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá là một trong những khu vực có mức độ đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới. Trải dài khắp từ bắc vào nam với 34 Vườn quốc gia (VQG), trong đó có nhiều VQG đã được UNESCO trao tặng danh hiệu Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Nhiều VQG có giá trị về bảo tồn quan trọng không chỉ ở trong nước mà còn đối với hệ sinh thái, thiên nhiên của khu vực và trên thế giới.

Với những điều kiện tự nhiên lợi thế như vậy, Việt Nam luôn được các tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế đặc biệt ưu ái trong việc đầu tư thành lập cơ sở, trụ sở đại diện. Có thể kể đến: Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia), Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS), Tổ chức Bảo tồn động thực vật quốc tế (FFI), Four Paws… Các tổ chức này đều đang phối hợp Chính phủ và các cơ quan, bộ, ngành ở Việt Nam cam kết cùng hợp tác nhằm giải quyết các vấn đề về thiên nhiên và động vật hoang dã (ĐVHD) ở Việt Nam. 

Bên cạnh các đại diện quy mô quốc tế, Việt Nam còn ghi nhận sự xuất hiện của các tổ chức, trung tâm làm bảo tồn do chính những người Việt Nam đứng ra thành lập và điều hành. Mặc dù hoạt động chưa được lâu, nhưng các đơn vị này đã thể hiện sự chuyên nghiệp, những thành tựu và đóng góp tích cực cho công tác bảo tồn thiên nhiên. Một số tổ chức được các chuyên gia bảo tồn, truyền thông quốc tế đánh giá cao, công nhận về hiệu quả hoạt động. Một trong số những tổ chức đó có thể nhắc đến là Save Vietnam’s Wildlife (SVW) - Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam có trụ sở tại VQG Cúc Phương, Ninh Bình. 

Anh Nguyễn Văn Thái, Giám đốc SVW, chia sẻ cơ duyên của mình khi đến với hoạt động bảo tồn động vật hoang dã.  “Sinh ra và lớn lên cạnh bìa rừng Cúc Phương (Ninh Bình), hồi bé khi tôi chứng kiến cảnh động vật bị giết hại, săn bắt và sập bẫy bởi chính những người hàng xóm của mình, trong tôi có một cảm giác gì đó rất lạ hình thành, dù chưa đủ rõ ràng rằng sau này cá nhân tôi sẽ theo nghề bảo tồn. Khi lớn hơn, tiếp xúc với rừng nhiều hơn thì tôi nhận ra số lượng động vật hoang dã đã sụt giảm nghiêm trọng, thí dụ như chẳng còn những lần được nhìn thấy tê tê trong tự nhiên nữa, lúc đó tôi hiểu ra mình cần làm gì đó để thay đổi”. 

Anh Nguyễn Văn Thái là người thành lập Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam năm 2014, hiện anh còn có vai trò là Phó Chủ tịch Hội Tê tê thế giới. Anh Thái mong muốn mỗi người Việt Nam hãy có những hành động thiết thực hơn, để tạo nên sự thay đổi và bảo đảm một tương lai an toàn hơn cho tê tê nói riêng và ĐVHD nói chung ở Việt Nam. Anh luôn có niềm tin vào người Việt Nam làm bảo tồn cho người Việt Nam, vì hơn ai hết chỉ có người Việt Nam mới hiểu rõ văn hóa, phong tục tập quán nơi mình được sinh ra và lớn lên. Cũng chỉ có người Việt Nam mới có tình yêu lâu bền, vô điều kiện cho những gì thuộc về giá trị bản sắc của người Việt. 

Thúc đẩy vai trò người Việt 

Với mục tiêu thúc đẩy vai trò của người Việt trong công cuộc làm bảo tồn ĐVHD, từ năm 2014 đến nay Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam luôn chú trọng trong việc nâng cao trình độ chuyên môn, không ngừng cải thiện hình ảnh của người Việt Nam làm bảo tồn bằng những hành động thiết thực. 

Sau gần bảy năm hoạt động, SVW hiện có khoảng 50 cán bộ, công nhân viên, đã hình thành được những phòng, ban chuyên biệt tương ứng với từng hoạt động bảo tồn như: Cứu hộ và phục hồi; Bảo vệ sinh cảnh; Sinh sản bảo tồn; Giáo dục và nâng cao nhận thức; Nghiên cứu bảo tồn và vận động chính sách. Những hoạt động này cũng chính là chiến lược làm bảo tồn toàn diện mà SVW đã và đang hướng tới. 

Ngoài việc giải cứu ĐVHD thì SVW còn có một trung tâm nghiên cứu và phục hồi cho tê tê - một trong những loài động vật có vú bị săn bắt nhiều nhất thế giới. Đây là trung tâm được xây dựng đầu tiên ở châu Á, nơi giải cứu tê tê nhiều nhất thế giới. Từ những nghiên cứu thực tế của trung tâm, ngoài việc đóng góp vào kho kiến thức về loài thì quan trọng hơn là việc nâng cao năng lực cứu hộ tê tê cho Việt Nam và các tổ chức trong khu vực và trên thế giới.

Tại SVW có đến 98% cán bộ, nhân viên là người Việt Nam. Mọi người đến từ nhiều tỉnh, thành phố khác nhau, có độ tuổi, tôn giáo, dân tộc khác nhau nhưng có chung tình yêu với thiên nhiên, động vật. Có những người đã gắn bó 15 - 20 năm trong nghề. Ông Bùi Minh Thư, một cán bộ đã có 18 năm kinh nghiệm phụ trách chăm sóc động vật của SVW chia sẻ: “Chú là người Mường, sinh ra và lớn lên cùng núi rừng. Những ngày đầu khi làm nghề, trong đầu vẫn mơ hồ lắm, vì có ai biết làm bảo tồn là nghề gì đâu. Thời điểm đó, chăm sóc và cứu chữa cho người còn khó chứ nói gì đến chăm sóc ĐVHD. Đến với SVW, càng làm lại càng thương và yêu ĐVHD mỗi khi chăm sóc chúng”. 

Ở SVW, các chị em luôn xác định sẽ gắn bó với nghề bảo tồn, một công việc càng làm càng thấy trân trọng và tự hào. Chị Trần Thị Yến, cán bộ giáo dục và nâng cao nhận thức của SVW chia sẻ: “Thật ra trước đây mình cũng chưa từng nghĩ sẽ làm việc trong lĩnh vực bảo tồn ĐVHD. Có chăng thì cũng chỉ thấy nuối tiếc vì chỉ được biết đến một số loài ĐVHD thông qua lời kể của ông bà, bố mẹ. Đến sau này mọi người đều bảo những con vật đó giờ không còn đâu. Cứ nghĩ đến việc nhiều loài biến mất mà mình thấy buồn và tiếc lắm! Đến lúc có duyên làm quen với bảo tồn, hiểu về bảo tồn thì mong muốn bảo vệ các loài ĐVHD ngày càng mạnh mẽ hơn. Mình thật sự mong sao thế hệ con mình, cháu mình vẫn còn cơ hội được nhìn thấy các loài ĐVHD của Việt Nam ngoài tự nhiên”.

Từ năm 2014 đến nay, SVW đã giải cứu được khoảng 2.000 cá thể động vật hoang dã, với tỷ lệ tái thả về tự nhiên lên đến 60%. Những con số đó phần nào thể hiện được năng lực tổ chức của SVW do chính người Việt làm chủ, góp phần thay đổi hình ảnh của ngành bảo tồn Việt Nam trong mắt giới chuyên môn quốc tế.