Tăng cường hậu kiểm trang thiết bị y tế

Hiện, việc quản lý trang thiết bị y tế thiếu chặt chẽ đã tạo những kẽ hở làm ngân sách nhà nước bị thất thoát khá nhiều.

Hiện trên thị trường có khoảng 10.500 loại trang thiết bị y tế khác nhau. Ảnh: NG.NAM
Hiện trên thị trường có khoảng 10.500 loại trang thiết bị y tế khác nhau. Ảnh: NG.NAM

Câu hỏi khó?

Theo Hiệp Hội Thiết bị y tế Việt Nam, hiện trên thị trường có khoảng 10.500 loại trang thiết bị y tế (TTBYT) khác nhau, trong đó có hơn 90% là hàng nhập khẩu, chủ yếu từ Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc (chiếm hơn 45%). Hầu hết TTBYT đang sử dụng tại cơ sở y tế chưa được kiểm chuẩn định kỳ, công tác bảo dưỡng, sửa chữa cũng không được thực hiện thường xuyên.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, trong 5 năm qua, số lượng đơn hàng xin cấp phép nhập khẩu mặt hàng TTBYT không ngừng gia tăng. Năm 2011 có 3.846 đơn hàng xin được cấp phép thì năm 2013 đã tăng lên là 4.025 và năm 2015 là 5.099 đơn hàng.

Trong số những đơn hàng về trang thiết bị y tế xin cấp phép năm 2015, có bốn nhóm thiết bị chính chiếm tỷ lệ cao gồm: vật liệu can thiệp và cấy ghép (26%), thiết bị chẩn đoán hình ảnh (chiếm 20,7%), thiết bị cận lâm sàng (16%), thiết bị hồi sức cấp cứu (10%).

Trước câu hỏi cho tới thời điểm hiện nay, Bộ Y tế đã cấp phép cho tổng số bao nhiêu TTBYT và chất lượng (tuổi thọ) của những thiết bị trên hiện ra sao? Đại diện Vụ trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) cho hay, đây là một câu hỏi khó và vẫn chưa có câu trả lời vì hiện nay tại Việt Nam và nhiều nước đang phát triển vẫn chưa triển khai được công việc này, vì còn phụ thuộc rất nhiều vào những lĩnh vực khác!

Thời gian qua, nhiều bệnh viện (BV) tuyến tỉnh, nhiều cơ sở y tế chuyên khoa được đầu tư đổi mới thiết bị chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm sinh hóa, phòng mổ và hồi sức cấp cứu. Các BV huyện cũng được trang bị những thiết bị chẩn đoán thiết yếu, hầu hết nay đã có máy X-quang với công suất phù hợp, máy siêu âm chẩn đoán và xe cứu thương. Các trạm y tế xã đã được cung cấp dụng cụ cần thiết cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu và thực hiện các dịch vụ về dân số - kế hoạch hóa gia đình…

Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho thấy có không ít cơ sở y tế chưa sử dụng hiệu quả TTBYT, gây lãng phí rất lớn về tiền bạc, làm giảm hiệu quả khám, chữa bệnh.

Đề cập đến vấn đề này, đại diện Hội Thiết bị y tế Việt Nam cho rằng, hầu hết TTBYT đang sử dụng tại cơ sở y tế chưa được kiểm chuẩn, bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ. Tại nhiều BV tuyến tỉnh, huyện, việc bảo dưỡng, sửa chữa TTBYT gặp rất nhiều khó khăn. Tình trạng khi máy hỏng nhưng không biết mời ai về sửa, không biết gửi về đâu để bảo dưỡng... diễn ra phổ biến và bởi vậy, đa số máy hỏng bị “đắp chiếu” để chờ kinh phí. Thay vì cố gắng tìm cách sửa chữa máy hỏng, nhiều nơi hăng hái lập đề án xin máy mới.

Tại nhiều BV tuyến tỉnh, huyện, nếu thiết bị hiện đại được sử dụng hiệu quả thì người dân sẽ được hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao, không phải “vượt tuyến”. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có các BV tuyến T.Ư làm được điều này, nhưng không phải nơi nào cũng làm tốt. Bên cạnh đó, trình độ của đội ngũ cán bộ chuyên môn chưa đủ để khai thác hết công suất TTBYT hiện có. Số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bộ Y tế cho thấy, trong thời gian qua, tại hầu hết các BV đa khoa tuyến tỉnh, BV huyện, tỷ lệ cán bộ kỹ thuật có chuyên môn đủ để vận hành TTBYT một cách hiệu quả còn rất thấp, chỉ có 6% là kỹ sư, 35% là kỹ thuật viên, công nhân kỹ thuật, 59% còn lại là cán bộ kiêm nhiệm. Đây cũng là một trong những lý do khiến chất lượng khám, chữa bệnh ngay tại các BV tuyến cơ sở bị hạn chế.

Mới đây, kết quả Kiểm toán Nhà nước trong công tác đấu thầu mua sắm TTBYT giai đoạn từ 2013-2015 tại 11 tỉnh, thành phố cho thấy, có nhiều thiết bị được đầu tư mới nhưng chưa đưa vào sử dụng hoặc mới đưa vào sử dụng đã hỏng.

Trả lời về kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận có thực trạng này, nhất là ở tuyến tỉnh do Việt Nam sử dụng máy công suất quá lớn nên nhanh hỏng. “Một trong những lý do của tình trạng trên là do công suất quá lớn kể cả ở tuyến tỉnh; một số máy đắp chiếu vì đang trong thời gian bảo hành, bảo trì…”, bà Tiến cho biết.

Đại biểu quốc hội, PGS Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố, đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nhiều cơ sở y tế có tâm lý khi mua bằng tiền ngân sách, họ đấu tranh để có nguồn ngân sách cho y tế. Các BV đôi khi quá sức mình, bản thân mình chưa có đủ lực lượng nhân viên để sử dụng TTBYT mua về, số lượng bệnh nhân cũng chưa có đủ để sử dụng, nhưng vấn đề là nếu năm nay không mua thì mất nguồn ngân sách, sang năm không có nữa. Chính vì vậy cho nên ở đây diễn ra tình trạng đó. Các BV vượt quá sức mình, cứ mua để đi tắt đón đầu khi có những sự cố xảy ra thì không sử dụng được. Nếu ta điều phối không khéo sẽ có thời gian máy móc nằm đắp chiếu. Đó là một sự lãng phí”.

Tăng cường hậu kiểm trang thiết bị y tế ảnh 1

Nhiều bệnh viện tuyến tỉnh, cơ sở y tế chuyên khoa được đầu tư đổi mới thiết bị y tế. Ảnh: SONG ANH

Đang hoàn thiện quy định

Nhấn mạnh về những giải pháp nhằm siết chặt công tác quản lý TTBYT, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho hay, Bộ Y tế đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nghị định 36 về quản lý trang thiết bị, quy trình mua sắm trang thiết bị tương đối chặt chẽ. Quản lý được phân cấp phân quyền cho các đơn vị sự nghiệp, và các Sở y tế và các đơn vị này thực hiện quy trình này theo Luật Đấu thầu, và nghị định về đấu thầu. Dự kiến, thời gian tới, Bộ sẽ trình Quốc hội Luật về quản lý TTBYT.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã có các Đề án như thành lập Hội đồng An toàn bệnh nhân tại Cục Quản lý khám chữa bệnh và tại các bệnh viện và ban hành các quy trình khám, chữa bệnh, vận hành TTBYT chặt chẽ.

Ông Nguyễn Minh Tuấn lãnh đạo Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế cho biết, Bộ Y tế đang đề xuất sửa đổi Nghị định 36 theo hướng bãi bỏ 11 điều kiện sản xuất, kinh doanh và sửa đổi 24 điều kiện sản xuất, kinh doanh. Trong đó có một số điều kiện nhập khẩu TTBYT theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và thiết lập hệ thống cảnh báo quản lý sau bán hàng để phát hiện những sản phẩm chưa bảo đảm chất lượng.

Ông Nguyễn Minh Tuấn cho rằng, để kiểm soát, nâng cao chất lượng hoạt động kinh doanh TTBYT của doanh nghiệp, ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, hiện Bộ Y tế cũng đề xuất tăng cường hậu kiểm trong lĩnh vực này. Theo đó, trước đây thực hiện tiền kiểm khiến thời gian lưu kho lâu, nay đẩy mạnh hậu kiểm sẽ giải phóng thời gian cho doanh nghiệp đưa vào sử dụng kiểm tra chất lượng tại đơn vị sử dụng. “Việc hậu kiểm sẽ được trung tâm kiểm chuẩn thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống này còn yếu, cần phải tiếp tục được đẩy mạnh. Bản thân BV khi đấu thầu, mua sắm cũng cần có trách nhiệm kiểm tra và hậu kiểm khi đã lắp đặt, sử dụng”, ông Tuấn nói.

Để tránh sự lãng phí trong đầu tư TTBYT, Hội Thiết bị y tế Việt Nam kiến nghị Bộ Y tế quan tâm hơn nữa đến công tác tư vấn kỹ thuật, trước hết là nâng cao năng lực của thành viên tham gia các tổ chức tư vấn. Việc tư vấn chính xác, khách quan sẽ giúp cho chủ đầu tư chọn mua được những thiết bị phù hợp, tránh hiện tượng mua thiết bị có tính năng kỹ thuật thấp, không đáp ứng yêu cầu sử dụng hoặc có tính năng kỹ thuật quá cao so với nhu cầu thực tế. Ngoài ra, Bộ Y tế nên xem xét, tạo điều kiện cho các tổ chức ngoài công lập tham gia hoạt động kiểm chuẩn TTBYT khi họ có đủ điều kiện theo quy định hiện hành, tránh tình trạng chỉ có một vài cơ quan được thực hiện chức năng này, dẫn tới tình trạng độc quyền sinh ra cửa quyền trong công tác kiểm định thiết bị.