Sống ở nơi gánh lũ!

Đến cuối ngày 1-8, mực nước ngập ở một số xã trên địa bàn huyện Chương Mỹ (Hà Nội) vẫn ở mức cao. Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội, ngập lụt ở Chương Mỹ đã gây thiệt hại tới 3.629 hộ dân, 2.771 ngôi nhà bị ngập trong nước từ 0,5-2 m, 5.167 người phải đi sơ tán. Dự kiến, phải mất hơn một tháng nữa nước mới rút hoàn toàn nếu trời tạnh hẳn mưa. Bởi vậy, người dân đã và đang phải “sống chung” với biển nước.

Sinh hoạt của người dân Chương Mỹ bị đảo lộn.
Sinh hoạt của người dân Chương Mỹ bị đảo lộn.

Khó khăn chồng chất

Trưa 1-8, nước ở một số nơi đã rút non gang tay (tầm 30-40 cm), mực nước đê tả sông Bùi đoạn qua cầu Cốc, xã Tân Tiến, Thanh Bình xuống chậm, và được ghi nhận là “ổn định”. Thế nhưng, nước vẫn đang ngập quá nóc nhà của các hộ dân xã Tân Tiến, một trong những nơi đang bị ngập sâu nhất huyện Chương Mỹ.

Toàn xã Tân Tiến có năm thôn ngập nước, gồm Tiến Tiên, Việt An, Phương Hạnh, Tân Hội, Đồi Chè, có nơi ngập đến 3-4 m nước. Ngập nặng nhất là xóm Khúc Bằng của thôn Việt An và xóm Nằng của thôn Tiến Tiên. 200 hộ dân bị cô lập hoàn toàn, cuộc sống bị đảo lộn, người dân phải chèo xuồng, thuyền nan để đi lại. Có nhiều nhà bị nước cô lập, điện cắt, nước giếng ngập, đành ăn mì tôm sống. Nhưng khổ nhất là thiếu nước sạch.

Để duy trì cuộc sống hằng ngày, nhiều hộ gia đình phải xắn quần lội nước, chèo thuyền thúng đi xin nước từ những hộ ở chỗ cao và phải dùng rất tiết kiệm nước mưa. Một số người dân bắt đầu có dấu hiệu mắc các bệnh ngoài da và bệnh về mắt, vì thường xuyên tiếp xúc nước bị ô nhiễm.

Cả tuần nay, anh Khiêm cùng vợ và hai con nhỏ, một học lớp 6, một lớp 3 ra nhà họ hàng ở roi đất cao gần đê tả Bùi, gần cầu Cốc cũng thuộc xã Tân Tiến may mắn không bị ngập nước. Đúng 10 ngày rồi, nước vẫn ngập gần nóc nhà, đồ đạc trong nhà hỏng hết. Khi được cảnh báo lũ, anh chủ quan cứ căn mức nước lụt năm 2008 để kê đồ đạc trong nhà, tính là nước lên đến đâu kê kích đến đó. Nhưng không ngờ nước lên quá cả năm 2008. Mực nước lụt năm nay khiến nhiều già trong làng nhớ lại trận lụt lịch sử năm 1971, nước cũng lênh láng cả vùng, phải tản cư lên tận Hòa Bình. Những trận ngập lịch sử trước đó ở Chương Mỹ được người dân nhắc đến là lũ năm 1971, 2008, 2017. Dự kiến, cả tháng nữa mới hết ngập. Bốn sào lúa, vườn cây ăn quả của gia đình anh coi như đi tong. Từ chỗ di tản, anh Khiêm có thể nhìn về phía nhà mình, còn một chút nóc. Anh đã mua một chiếc thuyền thúng 800 nghìn đồng, để mỗi ngày chèo về nhà, xem nước đã rút tí nào chưa(?).

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến, cho biết năm nay nước lũ lên chậm, người dân kịp di tản đồ, nhưng thiệt hại vẫn nặng nề. Số hộ bị ngập nước ở xã là 712 hộ (tương đương 3.084 nhân khẩu). Diện tích lúa mùa bị úng là 210,6 ha, phần lớn là không còn khả năng phục hồi. Khác với đợt lụt năm trước, khi nước về là người dân đã thu hoạch, phơi phóng xong xuôi, nước về thì chỉ kê cao hoặc di tản là được. Năm nay nước ngập đúng lúc lúa làm đòng, coi như dân Tân Tiến mất trắng vụ mùa.

Những năm gần đây, thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, nhiều hộ dân ở xã chuyển từ trồng trọt sang nuôi trồng thủy sản. Khu vực trang trại cá của xã giờ đã trắng băng nước, thiệt hại ước tính vài chục tỷ đồng. Nhiều hộ vay vốn ngân hàng đầu tư, năm 2017 đã mất trắng, năm nay lại tiếp tục một trận này nữa thì chẳng còn gì để trả. “Năm 2017 thiệt hại cả xã là 30 tỷ đồng, năm nay ước tính phải gấp rưỡi, tầm 50 tỷ đồng”, Chủ tịch xã Tân Tiến cho biết. Hiện nay ước tính diện tích thủy sản bị tràn là 86,8 ha. Sau vụ lụt năm ngoái, nhiều hộ vay vốn ngân hàng để tiếp tục đầu tư, năm nay lại thế này nữa không biết xoay vốn thế nào để trả. Các tuyến đường giao thông nông thôn bị ngập sâu có nhiều khả năng hư hỏng sau khi bị ngâm nước lâu.

Cần giải pháp lớn giúp dân!

Khắp các ngả đường, người dân vẫn tiếp tục dùng thuyền chở nước, gạo, gas vào những ngôi nhà lấp xấp nước và ngập hết tầng một. Những chiếc xuồng, thuyền tôn, thuyền xi-măng được tận dụng để chở người vào, người ra, chở các đoàn cứu trợ, các nhà hảo tâm... Nhiều chiếc thuyền tôn mới được “nhập” về. Nhiều người không có thuyền thì chịu lội nước, ngập ngang bụng và tới cả ngực. Không ngại chia sẻ về điều kiện khó khăn nhưng bà con vẫn lạc quan khi có các cơ quan chức năng hỗ trợ. Hàng cứu trợ, nước ngọt và nến, gạo, thực phẩm đang tiếp tục được phân phát.

Sống ở nơi gánh lũ! ảnh 1

Chuyển hàng cứu trợ người dân nơi rốn lũ.

Anh Nguyễn Huy Sức, nở một nụ cười, bày tỏ: “Nước không rút, nhưng người dân vẫn phải sống, gà vịt, lợn vẫn phải ăn. Chúng tôi vẫn phải khắc phục khó khăn để nấu nướng. Dù có thôn điện cắt toàn bộ, chỉ thắp nến vào buổi tối, chỉ có nấu được mì tôm, nhưng vẫn phải ăn để sống”.

Nhưng để người dân có thể ổn định cuộc sống sau lũ, theo ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến, cần có cơ chế giãn nợ cho những chủ đầu tư đã vay vốn ngân hàng giờ mất trắng, và hỗ trợ vốn cho người dân tái sản xuất, tìm cách giãn nợ, tái cho vay với cơ chế đặc biệt để hỗ trợ. Ngoài ra, lãnh đạo xã cũng đề nghị các cơ quan hỗ trợ người dân hạt giống rau ngắn ngày để người dân tái sản xuất. Còn trước mắt, người dân rất cần được hỗ trợ các loại thuốc khử trùng, vệ sinh, làm sạch nước giếng đề phòng các loại dịch bệnh bùng phát sau thời gian dài ngập lụt.

Là cán bộ địa phương, cũng chịu cảnh ngập lụt, Bí thư Đảng ủy xã Nam Phương Tiến Doãn Tiến Tình, cho biết, địa phương vẫn đang tích cực cùng lực lượng chức năng hỗ trợ người dân, bảo đảm an toàn tính mạng cho bà con. Cán bộ y tế cũng đã đến khảo sát, tìm các phương án phòng, chống dịch bệnh. Ông Tình kiến nghị: Các cơ quan chức năng của thành phố cần tổ chức, có cơ chế bền vững hơn nhằm hỗ trợ bà con, bởi bà con năm nào cũng dính ngập lụt. Đặc biệt là kiểm tra cốt đê, hỗ trợ làm đường cao từ các thôn lên đê và ra đường cái. Bởi chúng ta đã xác định người dân sống chung với ngập úng, thì cũng cần các biện pháp giảm thiểu thiệt hại.

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, yêu cầu chính quyền cần hướng dẫn người dân chủ động di chuyển về người, tài sản đề phòng khi có tình huống nước tiếp tục dâng cao xảy ra. Thành phố và huyện Chương Mỹ đã có phương án khi nước rút sẽ tập trung xử lý vệ sinh môi trường, khử trùng và quan tâm đến các trường học để sớm ổn định cho học sinh đến trường.

Mùa mưa bão sẽ còn diễn biến bất thường. Khi mực nước sông Bùi và các nhánh sông còn cao thì nước ngập ở Chương Mỹ sẽ không thể rút nhanh. Đó là khẳng định của lãnh đạo các xã trong khu vực. Bởi vậy, ngoài các biện pháp trước mắt, việc ưu tiên lúc này là phòng, chống dịch bệnh sau khi nước rút, đồng thời giúp người dân vay vốn, tái sản xuất, ổn định đời sống.

Bốn địa phương thuộc huyện Chương Mỹ bao gồm: Nam Phương Tiến, Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ đang bị ngập, có nhiều khu vực bị ngập nặng, giao thông bị chia cắt hoàn toàn. Thống kê sơ bộ toàn huyện có gần 1.300 ha lúa, hơn 260 ha rau màu, 555 ha nuôi trồng thủy sản, 164 ha cây ăn quả bị thiệt hại do mưa lũ. Hiện nay, gần 10 xuồng cứu hộ đã được huy động, túc trực ngày đêm để đưa đoàn cứu trợ, đồ cứu trợ từ khu vực cầu Cốc (xã Tân Tiến) vào xã Nam Phương Tiến. Tối 31-7, lực lượng Cảnh sát Giao thông thuộc Sở Cảnh sát Giao thông TP Hà Nội khi đang dùng xuồng trên đường đưa đồ cứu trợ đã cứu giúp một trường hợp người dân đi đánh cá bị lật thuyền trên khu vực xã Tân Tiến.