Sớm triển khai tiêm phòng Covid cho học sinh

Theo rà soát của Bộ Y tế, cả nước hiện có hơn tám triệu học sinh từ 12  - 17 tuổi, với số lượng vaccine cần để tiêm hai mũi là khoảng 16 triệu liều. Bộ Y tế phấn đấu trong quý IV/2021 sẽ tiêm đủ hai mũi cho hơn 95% số học sinh. Đó là thông tin tại buổi làm việc chiều 12/10/2021 của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về kế hoạch thực hiện năm học 2021-2022.

Kiểm tra thân nhiệt cho học sinh trước khi vào lớp. Ảnh: NGUYỆT ANH
Kiểm tra thân nhiệt cho học sinh trước khi vào lớp. Ảnh: NGUYỆT ANH

Sẽ sớm có hướng dẫn tiêm vaccine cho học sinh

Theo Sở GD&ĐT thành phố Hà Nội, 100% số trường trên địa bàn quận đã lập kế hoạch, xây dựng phương án để đón học sinh trở lại học tập. Tại Trường THPT Phan Đình Phùng (quận Ba Đình), thời gian qua dù học sinh ở nhà học trực tuyến hoặc qua truyền hình nhưng cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường vẫn tới trường để thực hiện công tác vệ sinh, khử khuẩn định kỳ hằng tuần. 

Theo cô Nguyễn Thị Nhâm Huyền, Hiệu trưởng nhà trường, trong bối cảnh dịch bệnh còn nhiều phức tạp như hiện nay, công tác vệ sinh khử khuẩn trường lớp, bàn ghế, hành lang, chuẩn bị sẵn sàng dung dịch sát khuẩn, khẩu trang hay máy đo thân nhiệt được nhà trường xác định là nhiệm vụ thường xuyên. Khi thành phố cho phép, nhà trường đón học sinh trở lại sẽ bảo đảm giãn cách cùng các yêu cầu về phòng dịch.

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh bày tỏ mong muốn Nhà nước sẽ sớm cho học sinh được tiêm vaccine phòng Covid-19 trước khi đi học. Anh Hoàng Đình Thái (quận Hoàng Mai) bày tỏ: “Tôi có hai cháu đang học lớp 11 và lớp 8. Bố mẹ đã được tiêm vaccine mũi 1 trước ngày 15/9 theo chương trình của thành phố. Tuy nhiên, chúng tôi rất mong muốn Nhà nước và thành phố  sớm có phương án cho các cháu học sinh từ 12 - 17 tuổi được tiêm vaccine trước khi đi học. Nếu kéo dài việc học sinh phải học trực tuyến tại nhà, hiệu quả không thể bằng học trực tiếp trên lớp”.

Tương tự, chị Chu Thị Lan (quận Bắc Từ Liêm) cũng cho rằng: Tiêm vaccine cho học sinh trung học là điều cần thiết vào lúc này. Chị hy vọng trong thời gian sớm nhất, khi Bộ Y tế nghiên cứu đầy đủ mọi yếu tố, đồng thời nhận được đủ số lượng vaccine sẽ phân bổ về các địa phương, trong đó có Hà Nội để tiêm cho các em học sinh.

Về kế hoạch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế đang lên kế hoạch, lộ trình triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em, trước hết sẽ triển khai tiêm cho trẻ từ 12 - 17 tuổi. Dự kiến, ngày 15/10, Bộ sẽ ban hành hướng dẫn tiêm vaccine cho nhóm trẻ em này. 

Bộ Y tế  phấn đấu trong quý IV/2021 sẽ tiêm đủ hai mũi vaccine phòng Covid-19 cho 95% trên tổng số 8,1 triệu trẻ em từ 12 - 17 tuổi trên cả nước; đang rà soát, thống kê số trẻ em từ 3 - 11 tuổi, đồng thời tiếp cận các nguồn vaccine, tham khảo ý kiến chuyên môn của các chuyên gia, nhà khoa học để sẵn sàng có hướng dẫn tiêm cho trẻ từ 3 - 11 tuổi khi có vaccine. Ngành giáo dục cũng đang phối hợp ngành y tế lên kế hoạch tổ chức tiêm vaccine chi tiết cho từng lứa tuổi, từng cấp học, từng bước mở lại môi trường an toàn, đón học sinh quay trở lại trường học. 

Chuẩn bị hệ thống giám sát y tế học đường

Năm học 2021 - 2022 diễn ra trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp trên cả nước, Bộ GD&ĐT, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các đơn vị triển khai chương trình dạy học trực tuyến và trên truyền hình, đã cơ bản đáp ứng một phần nhu cầu học tập của học sinh. Tuy nhiên, việc học trực tuyến, học trên truyền hình chỉ là hình thức bổ trợ, không tránh khỏi những tác động không mong muốn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu ngành giáo dục phải có kế hoạch, giải pháp bảo đảm hoàn thành năm học theo kế hoạch; bổ trợ, củng cố kiến thức cho học sinh bằng những hình thức phù hợp trong ngắn hạn cũng như trong những năm học tiếp theo. Thời gian tới, ngành giáo dục cần sẵn sàng các khâu chuẩn bị để tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm 2021 - 2022, đánh giá kết quả học tập định kỳ cũng như tổ chức kết thúc năm học linh hoạt trong mọi tình huống.

Trong thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK), Phó Thủ tướng cho biết, trong điều kiện dịch bệnh, việc thẩm định, xuất bản và đưa SGK đến học sinh và gia đình được triển khai tương đối tốt. Bộ GD&ĐT tiếp tục sát sao hơn nữa trong công tác đổi mới chương trình, chuẩn bị và đưa SGK mới vào giảng dạy theo hình thức “cuốn chiếu”.

Về y tế, Phó Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, phấn đấu hết năm nay, cơ bản kiểm soát dịch trên toàn quốc, đưa cuộc sống trở lại bình thường mới; do đó, kế hoạch của ngành giáo dục cũng cần bám sát mục tiêu này.

Bộ GD&ĐT khẩn trương rà soát các quy định bảo đảm an toàn học đường phù hợp điều kiện giáo viên, phụ huynh đã được tiêm vaccine, sắp tới học sinh từ 12 - 17 tuổi cũng sẽ được tiêm. 

Cùng với đó, Bộ Y tế đang nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, lấy ý kiến các nhà khoa học để có lộ trình tiêm vaccine cho học sinh dưới 12 tuổi. “Bộ GD&ĐT phải tổ chức tiêm vaccine sớm và an toàn cho học sinh trong độ tuổi theo quy định của Bộ. Ngay từ bây giờ, Bộ Y tế phối hợp với Bộ GD&ĐT, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức đăng ký tiêm vaccine cho trẻ em trong độ tuổi từ 12 - 17 tuổi, để khi vaccine về vào cuối tháng 10, có thể tổ chức tiêm nhanh nhất, an toàn nhất cho các cháu”, Phó Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT chuẩn bị hệ thống giám sát y tế học đường để tất cả học sinh có đầu mối cụ thể theo dõi sức khỏe, bảo vệ cho nhóm học sinh chưa được tiêm vaccine, bởi trong điều kiện bình thường mới, vẫn có thể xuất hiện ca mắc trong cộng đồng. Tinh thần là đến trường phải an toàn, trong trường học là môi trường an toàn. Đặc biệt, ngành giáo dục cần lưu ý chăm lo tâm lý học đường, tâm lý học sinh trong và sau mùa dịch.

Về dài hạn, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT chỉ đạo Sở GD&ĐT các địa phương, các nhà trường củng cố cơ sở vật chất trường học, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, gắn với việc bảo đảm internet cũng như các yếu tố đáp ứng việc dạy và học trong điều kiện dịch bệnh. Bộ GD&ĐT tiếp tục bám sát Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT để tiến hành sơ kết, tổng kết từng nhiệm vụ đã triển khai, kiến nghị những nội dung cần điều chỉnh cho phù hợp tình hình mới.