Quan tâm hơn người già mùa rét

Thời tiết chuyển giá rét, điều kiện sinh hoạt của người già khó khăn hơn. Bệnh tật cũng dễ ập đến hơn. Con cái chăm sóc cha mẹ cũng là giữ hơi ấm trong gia đình.

Bố mẹ già vẫn giúp con cái được những việc nhỏ, nhẹ nhàng, tỉ mẩn (ảnh minh họa).
Bố mẹ già vẫn giúp con cái được những việc nhỏ, nhẹ nhàng, tỉ mẩn (ảnh minh họa).

Xung đột nhỏ trong nhiều gia đình

Chăm sóc cha mẹ già đôi khi cũng chuyện khó nói đối với những người con nhận nhiệm vụ đó trong gia đình. Thứ nhất chuyện lo nấu ăn hợp với người già, thứ nhì chuyện mệt mỏi của các cụ do thời tiết khí hậu thay đổi, thứ ba chuyện giữ ấm cơ thể vô cùng cần thiết. Anh Lê Văn Hùng ngụ tại phường Cẩm An (Hội An, Quảng Nam), cho biết: “Đi mô tôi cũng không đi quá một ngày, không dám ở lại qua đêm. Nếu phải đi sang tỉnh khác thì phải liệu đường dậy sớm và lo về, dù có muộn, có khuya vẫn phải về”.

Tuần vừa qua, anh Hùng phải đi dự đám cưới bên Quảng Ngãi. Nhiều anh chị em trong gia đình phản đối, không những gọi điện thoại ngăn cản mà còn tỏ ra tức giận bởi cha mẹ đã ngoài 80 tuổi, đang trong thời kỳ dịch bệnh khó lường. Trong tiệc cưới sẽ có những giao tiếp, không ai nói trước được điều gì. Với anh Hùng, lại có lý do khác, không đi không được vì bên đó là thông gia của anh.

Càng gần đến ngày đi, anh Hùng càng nhận được nhiều cuộc gọi điện thoại can ngăn, lời nặng, tiếng nhẹ. “Em trai tôi gọi điện trách tôi rằng ra vẻ quân tử, giang hồ. Nếu có chuyện chi xảy ra trong nhà, đừng trách chúng tôi. Anh phải chịu trách nhiệm đấy”, anh Hùng nói.

“Chăm sóc bố mẹ già, ngoài việc lo ấm, lo lạnh. Nấu ăn cho các cụ cũng cẩn trọng, rau nấu chín mềm, cá chọn chỗ không xương, thịt thái miếng nhỏ, bát canh cũng không nóng quá, không nguội quá. Hạt cơm nấu phải mềm, ướt hơn bình thường”, chị Nguyễn Thị Khương, quê Như Thanh, Thanh Hóa cho biết.

Tuy nhiên, với chị Khương, chăm sóc bố mẹ già không nên nghĩ đó là nghĩa vụ, trách nhiệm phải làm mà phải nghĩ cha mẹ là hơi ấm trong nhà. Nhưng rồi, có lúc khó mà lường hết được, ví như có một người hàng xóm sang nhà hỏi qua vài câu, nhưng bố tôi giận dữ bực tức vì đang dịch bệnh mà để họ không đeo khẩu trang, vào sân, vào bếp, nói oang. Chị Khương cho biết: “Bố tôi rất khó tính. Khó tính từ xưa. Nhiều khi đi nằm, tôi buồn vì đã nhận lời với các em chăm sóc cha mẹ. Nghĩ mà tủi thân, hay cứ kệ... đi. Nhưng rồi tôi có kệ được đâu, mỗi buổi sáng lại vẫn phải lựa lời mềm mại, hỏi bố mẹ muốn ăn gì?”.

“Trong gia đình cũng có họp bàn chuyện hùn hạp đóng góp nuôi bố mẹ. Tôi không nhận tiền đóng góp mua thức ăn mà chỉ nhận khoản tiền thuốc men, đi viện vì chi phí đó rất lớn. Đôi khi tôi cũng muốn buông hết. Nhưng rồi lại nghĩ các em mỗi đứa một nơi, một hoàn cảnh, một nguyện vọng cá nhân. Và nghĩ bố mẹ ở với ai cũng không bằng được ở với mình. Nên tôi cố gắng, nhẫn nhịn”, chị Khương cho biết.

Trời lạnh, nằm trong chăn ấm vẫn phải lo rằng...

Chuyện của anh Hùng và chị Khương là hai trong số rất nhiều người khi sống bên cạnh bố mẹ tuổi già, sức yếu. Hơn ai hết, họ là người đứng ra lo lắng nhưng cũng là người chịu nhiều “la ó” từ các em, từ chính bố mẹ của mình.

Tâm lý người già nhất là trong những ngày dịch Covid này, lại càng lo hơn. Thạc sĩ Vũ Thu Hà, Viện Đào tạo và Can thiệp tâm lý Việt Nam (VPIT), cho biết: “Về phòng và chống dịch các cụ thực hiện rất tốt những chỉ thị, khuyến cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Về tâm lý sức khỏe, các cụ ngại di chuyển nên thấy ai trong nhà hay di chuyển, đi lại là các cụ lo lắng có thể là cáu gắt. Nên người ở cùng các cụ hiểu cho các cụ”.

Không phải là bác sĩ mới khám được bệnh cho người, cho mình mà chỉ cần “lắng nghe” trong cơ thể mình cũng biết khi tuổi càng cao, các cơ địa trong cơ thể cũng giảm hoạt động, gây nên những mệt mỏi thường xuyên. Bên cạnh đó, khi thời tiết chuyển mùa từ nóng sang lạnh hoặc từ lạnh sang nóng đều tác động trực tiếp đến cơ thể nhất là về đường hô hấp.

Về việc này, bác sĩ Lương Minh Thắng, Khoa Lão khoa, Bệnh viện đa khoa Quảng Nam, hướng dẫn: “Thời tiết lạnh hanh khô, người cao tuổi thường có những khó chịu ngoài da. Bên trong có những biểu hiện đau xương khớp, viêm phế quản, viêm phổi... cho nên cần giữ độ ấm, khuyến khích các cụ thay đổi quần áo mặc trên người. Giữ được cơ thể, quần áo sạch sẽ mới giữ được sức khỏe”.

Tuổi già, ăn uống không những đủ chất mà cần đủ dinh dưỡng cho cơ thể hấp thụ, bác sĩ điều dưỡng Trần Thị Thọ, Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng, cho biết: “Chúng ta không nên nấu thịt heo nạc bởi nó rất khô và cứng. Nên nấu thịt có mỡ bảo đảm độ mềm, ngậy, dễ nuốt trong khi ăn. Về rau củ quả cũng nên nấu chín kỹ, chín mềm. Không nên đưa thức ăn lạ như sữa tươi, tiết canh, trứng vịt lộn, thịt cá đông lạnh quá lâu, các loại ruốc thịt, ruốc cá không tốt cho sức khỏe người cao tuổi”.

Ở với bố mẹ già, không chỉ lo nấu ăn, thuốc men cho sức khỏe mà khi thời tiết trở lạnh. Trong đêm dù có nằm trong chăn ấm cũng còn phải lo vì không biết bố mẹ đã đắp chăn kín mình hay chưa... Bao nhiêu khó, khổ nhưng vì chúng ta chỉ có mỗi bố mẹ, đó là nhiệm vụ cũng là hạnh phúc.