Phép thử của sự thích ứng

Là huyết mạch của nền kinh tế, giao thông không đi trước mở đường thì kinh tế không thể phục hồi và phát triển. Đã hơn một lần, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, để cả nước quay lại trạng thái bình thường mới, góp phần ổn định dân sinh và phục hồi sản xuất, việc lưu thông và giao thông vận tải (GTVT) phải thực hiện thống nhất trên toàn quốc, không cát cứ, không chia cắt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, để đấu nối thông suốt hệ thống giao thông còn rất nhiều việc phải làm.

Bến xe Giáp Bát (Hà Nội) vẫn “cửa đóng then cài”.
Bến xe Giáp Bát (Hà Nội) vẫn “cửa đóng then cài”.

Mong mỏi nhưng… không mặn mà!

Việc Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP (NQ 128) quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, có thể coi là sự mở đường cho quá trình phục hồi nền kinh tế, với bốn cấp độ dịch, áp dụng thống nhất trên toàn quốc. Cùng với đó, Bộ Y tế cũng đã ban hành hướng dẫn tiêu chí đánh giá cấp độ dịch, áp dụng thống nhất cho cả nước.

Sau hai văn bản mang tính chất “cú huých” này, những chuyến bay thương mại nội địa đã tăng dần, các tuyến xe liên tỉnh bắt đầu được thực hiện, việc lưu thông hàng hóa và đi lại của người dân cũng dần được nối lại.

Hà Nội là đầu mối giao thông quan trọng, giữ vai trò trung tâm kết nối trong mạng lưới vận tải hành khách (VTHK) liên tỉnh của cả nước. Việc Hà Nội “mở cửa” là niềm mong mỏi của cả ngành GTVT, vậy nhưng khi Thủ đô cho phép thí điểm chín tuyến xe khách từ Hà Nội đi các tỉnh, nhiều đơn vị VTHK đã từ chối tham gia. 

Ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội cho biết, theo phương án thí điểm, tuyến Hà Nội/Lạng Sơn, Hà Nội/Hải Phòng được cấp phép với tần suất hai chuyến/ngày. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có đơn vị VTHK nào đăng ký hoạt động, vì vậy cả hai Bến xe Giáp Bát và Gia Lâm vẫn “cửa đóng then cài”. Với một số tuyến còn lại, lượng khách thưa thớt, đơn vị VTHK cũng không thể chạy được. Như tại Bến xe Mỹ Đình, ngày 14/10 có một chuyến đi Cao Bằng, đến ngày 16/10 có một chuyến đi Hà Giang nhưng nhà xe cũng không hoạt động. 

Giải thích lý do các doanh nghiệp (DN) VTHK dù rất mong khôi phục hoạt động nhưng lại không mặn mà tham gia thí điểm, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam cho biết, khi khôi phục hoạt động VTHK liên tỉnh là một loạt khâu bán vé, xe trung chuyển, văn phòng, chi phí thực hiện phòng, chống dịch… cũng phải bảo đảm. Trong khi đó, cả số chuyến và lượng khách đi lại đều ít sẽ khiến doanh thu không đủ vận hành hệ thống. Mấu chốt của vấn đề vẫn nằm ở lượng hành khách đi lại quá thấp mà nguyên nhân sâu xa là trong giai đoạn thí điểm, tiêu chuẩn để hành khách đáp ứng được điều kiện mua vé còn tương đối cao. Bên cạnh đó, tâm lý hành khách còn e ngại, lo lắng nên chưa tự tin đi lại bằng phương tiện VTHK. Nhiều địa phương còn có quy định quá chặt chẽ việc xét nghiệm, cách ly đối với hành khách về địa phương. 

Không riêng gì Hà Nội, việc thí điểm tổ chức hoạt động VTHK của lĩnh vực đường bộ tại nhiều địa phương cũng gặp nhiều khó khăn khi độ phủ vaccine với đội ngũ phục vụ vận tải còn hạn chế. Tại Nghệ An, do số lượng lái xe VTHK tuyến cố định liên tỉnh được tiêm đủ hai mũi vaccine mới chỉ đạt… 41 người/khoảng 700 lái xe liên tỉnh, không đáp ứng đủ số lượng để hoạt động thí điểm khôi phục lại các tuyến cố định liên tỉnh. 

Tương tự, các tỉnh Đắk Nông, Sơn La, Hà Tĩnh… tỷ lệ lái xe tiêm vaccine chưa đạt đến 50%. Thậm chí, như tỉnh Đồng Tháp, địa phương có nhiều đơn vị kinh doanh VTHK, đã không đăng ký tham gia thí điểm do không đủ điều kiện về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Thống kê của Bộ GTVT cho thấy, sau một tuần (từ ngày 13 - 18/10), có 48 địa phương đã được UBND tỉnh, thành phố đồng ý cho thực hiện khôi phục hoạt động tuyến VTHK cố định liên tỉnh. Tại 38 địa phương đã tổ chức khai thác VTHK liên tỉnh, thực tế chỉ có 588/793 số tuyến đăng ký và 1.037/1.970 chuyến xe đăng ký hoạt động/ngày có thể lăn bánh, vận chuyển tổng số 5.641 hành khách.

Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng Cục trưởng Đường bộ Việt Nam, chúng ta mong mỏi khôi phục VTHK nhưng tiêu chí an toàn vẫn phải bảo đảm. Yếu tố tiên quyết với VTHK đường bộ vẫn là điều kiện y tế. Hiện, tỷ lệ phủ vaccine chưa đồng đều, tổ chức hoạt động VTHK đường bộ phân tán, vẫn còn hiện trạng đón trả khách tự do trên đường, vì vậy cần có sự thận trọng hơn để từng bước tiếp cận theo hình thức bình thường mới. 

Phép thử của sự thích ứng -0
Càng hàng không Nội Bài sẵn sàng khi các hãng hàng không mở tuyến vận tải hành khách. 

Vẫn e dè dù bảo đảm các điều kiện

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về quy trình, phương tiện và con người, đường sắt là một trong những loại hình VTHK được đưa vào thí điểm khai thác sớm. Nhờ ưu thế vận chuyển khối lượng lớn, bảo đảm giãn cách, có tuyến chạy riêng, giá vé không tăng… nên trong tuần đầu thí điểm, tỷ lệ chiếm chỗ trên các đoàn tàu luôn đạt xấp xỉ 100%. Công tác kiểm soát hành khách trên các chuyến tàu đều tuân thủ theo quy định, chưa phát hiện trường hợp nào dương tính với Covid-19. 

Sau giai đoạn thí điểm, do nhu cầu đi lại của người dân bằng đường sắt vẫn rất cao nên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề xuất tăng thêm các ga tàu được dừng đón, trả khách và chỉ thực hiện bán vé giãn cách đối với các toa riêng chở các hành khách đi từ các vùng nguy cơ cao và rất cao.

Với lĩnh vực hàng không, theo thống kê của Bộ GTVT, trong tám ngày triển khai thực hiện (từ 10 - 17/10), bốn hãng hàng không (HHK) của Việt Nam gồm: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và Pacific Airlines đã thực hiện khai thác 17/21 đường bay theo kế hoạch đi/đến 17/22 cảng hàng không (CHK) với 193 chuyến bay/tổng số 322 chuyến bay được cấp phép, đạt tỷ lệ xấp xỉ 60%.

Qua thực tế triển khai thí điểm, nhiều đường bay có nhu cầu thấp nên HHK chưa thể khai thác hoặc hạn chế khai thác với tần suất một chuyến/ngày, không đáp ứng được nhu cầu hành khách. Ông Phạm Văn Hảo, Phó Cục trưởng Hàng không Việt Nam cho biết, hiện nay giữa các địa phương vẫn chưa đồng đều thực hiện biện pháp chủ động phòng, chống dịch, nhất là việc di chuyển từ sân bay đến nơi lưu trú, cách ly tập trung, yêu cầu xét nghiệm; tỷ lệ tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 tại nhiều địa phương còn thấp nên hành khách không thể đáp ứng điều kiện về tiêm đủ liều. 

Dù tỷ lệ khai thác trở lại chưa cao nhưng hàng không đang là lĩnh vực di chuyển được đánh giá đáp ứng đầy đủ tiêu chí an toàn, theo Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Trịnh Hồng Quang, việc mở đường bay thí điểm thời gian qua không hẳn mang tính thương mại mà là cơ hội để các HHK chứng minh khả năng thích ứng, bảo đảm an toàn tuyệt đối, không có sơ suất. Đây là cơ sở để Chính phủ, bộ, ngành và địa phương mạnh dạn mở cửa hơn nữa trong thời gian tới.

Ngoài các HHK, tại 22 CHK trên toàn quốc, Tổng công ty CHK (ACV) đã chủ động thiết lập quy trình phòng, chống dịch từ rất sớm. Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Giám đốc CHK quốc tế Nội Bài, tại CHK Nội Bài đã xây dựng quy trình khai thác hạn chế sự tiếp xúc, bảo đảm quy tắc phòng, chống dịch và luôn trong trạng thái sẵn sàng khi các HHK mở tuyến VTHK. 

Cần kết nối bằng chiến lược tổng thể

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu và Phát triển kinh tế tư nhân cho rằng, những hình ảnh ách tắc kéo dài ở nhiều cửa ngõ ra vào các thành phố trong thời gian qua sẽ còn là nỗi ám ảnh rất lớn với các DN, ngược lại hình ảnh đìu hiu tại các bến xe trong suốt thời gian thí điểm do thiếu thống nhất giữa các địa phương, dù tình hình đã dần được tháo gỡ sau khi Chính phủ có Nghị quyết 78/NQ-CP yêu cầu các địa phương không tự ý đặt ra “giấy phép con” làm ách tắc, cản trở việc lưu thông hàng hóa và người thi hành công vụ. Và mới đây là NQ 128 thay thế các quy định trước đây.

Theo bà Thủy, trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để thiết lập trạng thái bình thường mới, những khó khăn do độ trễ trong thực thi văn bản cần phải bị coi là thiếu bình thường, bởi thời điểm này, cộng đồng DN đang chịu quá nhiều áp lực, quá khó khăn.

Về vấn đề kết nối địa phương, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam chia sẻ, để sản xuất không bị gián đoạn, cần tích cực thúc đẩy việc ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác sản xuất giữa các tỉnh có nhiều khu công nghiệp ở phía bắc và phía nam. Thí dụ, việc ba tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và Vĩnh Phúc đã nhất trí ký kết thỏa thuận hợp tác bảo đảm hoạt động sản xuất không gián đoạn, bảo đảm việc di chuyển của mọi người và vận chuyển hàng hóa thuận lợi giữa ba tỉnh giống như trong một tỉnh.

Phép thử của sự thích ứng -0
Hành khách mua vé tàu tại ga Hà Nội. 

Ngay trong phiên khai mạc kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV, sáng 20/10, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cũng đã thẳng thắn kiến nghị, Chính phủ cần khẩn trương ban hành Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch, phục hồi kinh tế để thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch Covid-19 và Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược này. Bởi trên thực tế, vẫn còn tình trạng văn bản của chính quyền địa phương chưa bảo đảm tính thống nhất với hướng dẫn của T.Ư cũng như chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các cấp chính quyền địa phương, giữa các địa phương; có tình trạng hiểu văn bản hướng dẫn không thống nhất, người thi hành công vụ hiểu sai, áp dụng sai hoặc thậm chí lạm dụng chức vụ, quyền hạn, vi phạm các quy định về phòng, chống dịch vẫn còn xảy ra. Thậm chí, có tình trạng văn bản hướng dẫn tại một vài địa phương phải đính chính, thu hồi, sửa đổi, bổ sung nhiều lần; một số trường hợp  làm phát sinh thủ tục hành chính mới, chưa phù hợp quy định pháp luật. 

Bất kỳ lĩnh vực VTHK nào, nếu muốn khôi phục đều phải đáp ứng đủ ba tiêu chí cơ bản “di chuyển xanh” gồm: người “xanh”, phương tiện “xanh” và quy trình “xanh”. Từ ngày 10 đến 20/10, Bộ GTVT đã hướng dẫn tổ chức thí điểm khôi phục VTHK thuộc ba lĩnh vực hàng không, đường bộ, đường sắt. Đây được coi là một phép thử cho sự thích ứng an toàn với dịch Covid-19.

Không “ngăn sông, cấm chợ”

(TS Nguyễn Đức Kiên,  Tổ trưởng Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ) 

Sẽ có người vẫn còn ngần ngại với các kế hoạch “mở cửa” nền kinh tế - theo nghĩa gỡ bỏ các giới hạn trong phòng, chống dịch bệnh đã được dựng lên từ đầu năm 2020. “Mở cửa” ở đây là sự kết nối, vừa bảo đảm thông thương an toàn, bảo đảm duy trì sản xuất, không để các đơn hàng bị giao chậm vừa bảo đảm việc thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 128/NQ-CP. 

Nền kinh tế đang tiến hành các bước “mở cửa” một cách thận trọng, từng bước theo các kịch bản chủ động giữa các địa phương, giữa các DN. Giờ là lúc chính quyền các địa phương triển khai các giải pháp chống dịch, nhưng không “ngăn sông, cấm chợ”, không tạo thêm các rào cản cho lưu thông hàng hóa, con người… Chúng ta chỉ thành công khi người dân, DN, địa phương cùng dốc sức và đồng lòng tham gia chia sẻ trách nhiệm, khó khăn, kiên trì với mục tiêu “mở cửa” một cách thận trọng, có trọng tâm, trọng điểm. Hơn nữa, khi lòng dân an, DN giữ vững niềm tin, các kế hoạch khôi phục nền kinh tế mới được thực thi hiệu quả.

Các địa phương không tự ý quy định xét nghiệm

(GS Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Hội Huyết học - Truyền máu Việt Nam)

Nghị quyết số 128/NQ-CP là dấu mốc của việc cả nước đang chuyển sang giai đoạn bình thường mới, nhưng khi triển khai thực hiện phải thống nhất trong cả nước. Các địa phương không tự ý quy định xét nghiệm mới giải quyết được những vướng mắc. Thực tế, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, lây lan nhanh, khó lường, vì vậy đòi hỏi phải có một quyết định phổ quát để thống nhất về ý chí, thống nhất về hành động, thống nhất về cách làm... tất cả phải đồng bộ. Thí dụ, quy định của Bộ Y tế về xét nghiệm, kiểm tra người đi từ vùng dịch về phải phù hợp, thỏa đáng, để Bộ GTVT vận dụng hiệu quả. Bên cạnh đó, cần sự phối hợp nhịp nhàng, nhất quán giữa các bộ, ngành, địa phương.

Cần áp đặt một chế độ trách nhiệm cân bằng

(TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội)

Hiện nay, có lẽ nút thắt, vướng mắc lớn nhất là sự “kẹt cứng” ở mô hình “Zero Covid” và cách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Nếu không gỡ tư duy này thì không thể tháo gỡ được khó khăn cho doanh nghiệp. Kinh tế đang phải đối mặt nhiều khó khăn. Cần phải gỡ từ các mục tiêu xung đột, mâu thuẫn giữa phục hồi kinh tế là vấn đề lớn hơn phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt, cần áp đặt một chế độ trách nhiệm cân bằng. Nếu chỉ áp đặt cho lãnh đạo địa phương trách nhiệm về việc để xảy ra Covid-19 lây lan thì họ sẽ không để tâm đến mục tiêu kinh tế. Do đó, cần phải áp đặt cân bằng hai mục tiêu vừa chống Covid-19 vừa phát triển kinh tế. Cần tạo điều kiện đầy đủ, không ngăn cấm hay áp đặt về vấn đề giao thông vận tải, di chuyển. Quốc hội cần ban hành nghị quyết tháo gỡ vướng mắc ở các thủ tục, chính sách cần thiết. Từ đó, tạo nên sự chủ động, nhất quán trong hành xử từ T.Ư đến địa phương.

Chính sách mở cửa đã thông thoáng, kịp thời

(Ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN)

Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ là bước chuyển hướng căn bản và quan trọng trong cách tiếp cận ứng phó đại dịch, bảo đảm không để dịch bùng phát trên diện rộng và tạo điều kiện để khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội trong bình thường mới thông qua việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Các quy định về di chuyển của con người cũng đã được điều chỉnh theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cao nhất mà vẫn an toàn nhờ áp dụng các nguyên tắc và quy trình quản lý rủi ro không gây tốn kém, phiền phức. 

Trên cơ sở Nghị quyết 128/NQ-CP và Quyết định 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế, Bộ GTVT đã ban hành Hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải, gỡ khó rất nhiều cho DN, người dân. Nhìn chung, ở cấp T.Ư và các bộ, chính sách mở cửa đã thông thoáng, kịp thời. 

Tuy nhiên, ở cấp địa phương, do năng lực lãnh đạo không đồng đều, vẫn còn tình trạng tự áp dụng những biện pháp mang tính “ngăn sông cấm chợ”, phản khoa học, thậm chí trái với chủ trương của Chính phủ. Hy vọng đây chỉ là những chệch choạc trong thời gian đầu triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP. Nhưng nếu để kéo dài thêm vài tuần nữa sẽ rất nguy hiểm!