Nhiều thay đổi cho đợt tiêm chủng lớn

TP Hồ Chí Minh đang triển khai đợt tiêm vaccine thứ năm với hơn 930.000 liều cho 15 nhóm đối tượng ưu tiên. Thay vì đặt áp lực thời gian phải kết thúc trong vòng một tuần như đợt trước, lần này, kế hoạch tiêm vaccine kéo dài trong hai - ba tuần cùng với sự thay đổi lớn về việc phân bố điểm tiêm, cách thức xử lý nhằm bảo đảm cao nhất mức độ an toàn. 

Nhân viên y tế hướng dẫn theo dõi sau tiêm cho người dân đến tiêm tại Bệnh viện quận Bình Thạnh.
Nhân viên y tế hướng dẫn theo dõi sau tiêm cho người dân đến tiêm tại Bệnh viện quận Bình Thạnh.

Ưu tiên nhóm người cao tuổi

Điểm đặc biệt của đợt tiêm chủng này là TP Hồ Chí Minh dự kiến dành tới 200.000 liều vaccine cho nhóm hơn 65 tuổi và khoảng 50 nghìn liều cho nhóm người mắc bệnh mãn tính đang điều trị tại bệnh viện (có thường trú tại thành phố). Mấy ngày trước, khi được tổ trưởng đến tận nhà hỗ trợ đăng ký danh sách tiêm vaccine đợt năm, ông Huỳnh Công Nương (phường 1, quận Bình Thạnh) thở phào nhẹ nhõm. Là cán bộ hưu trí, 80 tuổi, ông thuộc nhóm được ưu tiên tiêm chủng đợt này nên phấn khởi lắm. Theo đúng lịch hẹn, 9 giờ sáng, ông Nương có mặt tại Bệnh viện quận Bình Thạnh, tiến hành khai báo y tế rồi vào khu vực đo huyết áp, khám sàng lọc. Sau khi trả lời đầy đủ các câu hỏi về tình trạng sức khỏe, cung cấp thông tin bệnh sử và hỏi rõ về loại vaccine, ông Nương an tâm bước đến bàn tiêm. Tiêm xong, ông cùng nhiều người hơn 65 tuổi khác ngồi vào khu vực bố trí sẵn gần đó, nghe nhân viên y tế hướng dẫn về các triệu chứng, cách xử lý, theo dõi khi về nhà. “Được tiêm vaccine, tôi rất mừng. Như vậy, coi như người cao tuổi chúng tôi có thêm giải pháp phòng dịch trong giai đoạn phức tạp này. Bệnh viện hỗ trợ rất tốt, các khâu làm kỹ, giãn cách tối đa. Tiêm xong rồi nhưng tôi sẽ không lơ là, chủ quan mà lúc nào cũng bảo đảm 5K, hạn chế thấp nhất nguy cơ”, ông Nương cho hay.

Là cơ sở được UBND quận Bình Thạnh bố trí tiêm vaccine riêng cho đối tượng hơn 65 tuổi, đặc biệt là theo dõi kỹ nhóm có bệnh nền, từ nhiều ngày qua, Bệnh viện quận Bình Thạnh đã khẩn trương chuẩn bị về nhân lực cũng như cơ sở vật chất để nâng mức an toàn lên cao nhất. Đợt tiêm chủng này, mỗi ngày bệnh viện tổ chức phục vụ nhiều nhất 120 người. Vaccine được phân bổ là Moderna. Bệnh viện bố trí một khu vực riêng rất rộng để bảo đảm quy định giãn cách cho người tiêm. Ngay từ cổng, người dân được yêu cầu khai báo y tế theo mã QR riêng, đo thân nhiệt. 100% người đến tiêm buộc phải đeo khẩu trang đúng cách, được bệnh viện trang bị thêm tấm chắn giọt bắn nếu chưa kịp chuẩn bị. Theo bác sĩ CK2 Trần Trung Đệ, Giám đốc Bệnh viện quận Bình Thạnh, các khâu trong quy trình tiêm đều được theo dõi sát sao: “Chúng tôi có sẵn khu vực hỗ trợ, cấp cứu cho những trường hợp cần thiết. Việc bố trí cho nhóm người dân trên 65 tuổi đến bệnh viện tiêm là rất hợp lý vì nếu có sốc phản vệ hay những biến chứng khác thì đội ngũ y tế sẽ kịp thời hỗ trợ. Tại đây, chúng tôi luôn yêu cầu các bác sĩ, điều dưỡng nắm kỹ tình trạng sức khỏe từng người dân đến tiêm, nhất là 30 phút sau tiêm và hướng dẫn cụ thể từng bước theo dõi tại nhà. Ngoài đội tiêm tại chỗ, bệnh viện còn có hai đội dự phòng sẵn sàng hỗ trợ công tác cấp cứu, xử lý tình huống khẩn cấp tại các phường”.

Đợt này, Bệnh viện quận 11 bố trí hai bàn tiêm vaccine, phục vụ 240 người/ngày, toàn bộ thuộc nhóm hơn 65 tuổi, có bệnh lý nền. Bác sĩ Lê Thảo Nguyên, phụ trách đội tiêm chủng của bệnh viện này cho biết, để bảo đảm yêu cầu giãn cách, lực lượng y tế phối hợp UBND quận và các phường bố trí từng nhóm người dân đến bệnh viện tiêm vaccine theo khung giờ hẹn trước. Phân luồng một chiều, yêu cầu tuân thủ 5K, khám sàng lọc, tư vấn kỹ, theo dõi từng người dân sau tiêm cũng là cách mà bệnh viện này triển khai nhằm bảo đảm an toàn cho nhóm tiêm đặc biệt. Các bác sĩ, điều dưỡng luôn trong tâm thế sẵn sàng xử lý biến chứng sau tiêm tại khu vực cấp cứu. Rút kinh nghiệm đợt tiêm trước, lần này quận 11 chia nhỏ các điểm tiêm về phường. Như vậy, quận có 16 phường, mỗi phường hai điểm tiêm. Việc chia nhỏ các điểm tiêm giúp tránh tình trạng tập trung đông người. 

Phân quyền về quận, huyện

Phường Linh Trung, TP Thủ Đức cũng đang tiến hành tiêm vaccine cho người dân theo kế hoạch. Chọn điểm tiêm tại Trường tiểu học Nguyễn Văn Triết để tiện phân luồng di chuyển, lãnh đạo phường đưa ra những yêu cầu gắt gao cho công tác sàng lọc, rà soát và theo dõi suốt quá trình tiêm. Bố trí giãn cách, có điểm lấy mẫu xét nghiệm nhanh Covid-19 cho người dân trước khi vào tiêm vaccine, có riêng phòng lưu trú F0 và khu vực nghỉ ngơi cho người tiêm… địa phương tập trung mọi giải pháp nhằm siết chặt quy trình vừa tiêm chủng vừa phòng, chống dịch Covid-19. 

Thường xuyên có mặt tại điểm tiêm để quan sát, hỗ trợ và kịp thời nhắc nhở các bộ phận liên quan xử lý tình huống phát sinh, ông Trần Quốc Hưng, Chủ tịch UBND phường Linh Trung, TP Thủ Đức luôn lưu ý vấn đề an toàn cho người dân trong giai đoạn hiện nay. Đây là lần đầu phường Linh Trung bố trí điểm tiêm vaccine, vì vậy, công tác chuẩn bị được tiến hành từ rất sớm với các mục tiêu: tổ chức nhanh gọn, tiện lợi, sàng lọc tốt, tránh lây nhiễm chéo. “Trường hợp người dân qua xét nghiệm nhanh phát hiện dương tính, lực lượng y tế sẽ đưa vào khu vực lưu trú F0 và tiến hành xử lý theo đúng chuyên môn. Đợt này có khoảng 50 người phục vụ các phần việc tại điểm tiêm. Công tác phối hợp rất tốt nên hiện tại mọi thứ diễn ra đúng theo kế hoạch. Việc thành phố phân bổ các điểm tiêm về phường trong đợt này tạo rất nhiều thuận lợi cho nhân dân khi không cần di chuyển xa, đi theo khung giờ cố định, hạn chế tiếp xúc nhiều người. Được tiêm vaccine trong thời điểm này, người dân phấn khởi lắm. Địa phương thì cố gắng hết sức để hoàn thành đợt tiêm an toàn”, ông Hưng cho biết thêm.

Theo kế hoạch, đợt này, quận Bình Thạnh có 20 điểm tiêm tại 20 phường cùng hai điểm tiêm cấp quận, gồm: Bệnh viện quận Bình Thạnh và Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại chỉ 18 phường đạt chuẩn bố trí điểm tiêm phục vụ 120 người dân/ngày. Phường 19 và phường 21 đang trong diện phong tỏa do có nhiều ca nhiễm Covid-19. Bà Thái Thị Hồng Nga, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh cho biết, theo thống kê, đợt này có hơn 30 nghìn người dân của quận thuộc nhóm trên 65 tuổi. “Các phường đã tiến hành cho người dân nhóm này đăng ký trước và thông báo cụ thể đến người dân lịch tiêm vaccine. Bệnh viện quận phụ trách nhóm này. Các nhóm còn lại được chia sang các điểm tiêm khác theo tiêu chí hạn chế việc di chuyển của người dân. Các điểm tiêm được yêu cầu siết chặt quy trình phòng, chống dịch Covid-19 và chỉ phục vụ nhiều nhất 60 người dân/buổi”.

Đợt này, TP Hồ Chí Minh sẽ tiêm 930.000 liều vaccine Covid-19 cho người dân trong hai - ba tuần, cần thiết có thể kéo dài thêm tùy điều kiện thực tế. Rút kinh nghiệm tổ chức từ đợt trước, những điểm tiêm chưa có công tác chuẩn bị tốt, chưa đạt chuẩn sẽ không được triển khai. Đa phần các phường/xã, quận/huyện tiến hành cho người dân thuộc nhóm ưu tiên đăng ký tiêm vaccine trực tuyến rồi lọc danh sách, báo lịch hẹn cụ thể qua điện thoại. Với nhóm khó tiếp cận công nghệ sẽ được hỗ trợ đăng ký.

Toàn thành phố có tổng cộng 624 điểm tiêm, 100 đội tiêm dự phòng, 100 xe cấp cứu được huy động. Bên cạnh AstraZeneca, đợt này có thêm hai loại vaccine Moderna và Pfizer. Mỗi phường, xã tổ chức ít nhất hai điểm tiêm. Tùy theo tình hình ổn định sẽ tăng số lượng lên 200 người/điểm tiêm/ngày. Vì không quá áp lực về tiến độ như đợt tiêm trước nên thành phố dành toàn lực cho công tác bảo đảm an toàn phòng, chống dịch tại mỗi điểm tiêm. Thông tin từ Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho hay,  hệ thống cấp cứu đã được triển khai cho từng khu vực. Theo đó, tại mỗi quận có hai - ba điểm cấp cứu kết nối với Trung tâm Cấp cứu 115 để sẵn sàng ứng cứu kịp thời khi có sự cố xảy ra. TP Hồ Chí Minh cũng đã thành lập Trung tâm Điều phối tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 để điều phối toàn bộ hoạt động này trên địa bàn.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, tăng cường độ bao phủ vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng thôi chưa đủ mà việc tổ chức tiêm tại các địa phương cần bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong giai đoạn giãn cách xã hội. Quá trình tiêm chủng cũng không được ảnh hưởng đến việc tập trung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch của thành phố. Trong đợt tiêm quan trọng này, TP Hồ Chí Minh quyết định giao toàn quyền điều phối về cho TP Thủ Đức và các quận, huyện. Thực tế cho thấy, các địa phương đang làm tốt khâu tổ chức, quản lý tiêm chủng, nhất là vấn đề giãn cách trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay. Do hạn chế số người tiêm tại mỗi điểm trong từng ngày nên tránh được tình trạng ùn ứ như đã diễn ra ở nhiều điểm tiêm trong đợt trước.

Cùng với chiến dịch tiêm vaccine lớn, TP Hồ Chí Minh tiếp tục siết chặt quy trình giãn cách xã hội đến hết ngày 1/8. Nhiều nhóm đối tượng hoạt động tiếp tục bị thu hẹp, tạm dừng thêm nhiều lĩnh vực, thay đổi quy trình quản lý khu phong tỏa không để xảy ra lây nhiễm chéo. Siết chặt việc kiểm soát quy trình giãn cách theo nguyên tắc “nhà cách ly với nhà, người cách ly với người”. Ngoài ra, các khu cách ly tập trung tiếp tục quản lý tốt các trường hợp F1, không để phát sinh lây nhiễm chéo. TP Hồ Chí Minh đặt ra hai nhiệm vụ chính là giảm số ca F0 và nâng cao năng lực điều trị, giảm thiểu tử vong.