Để bảo đảm lưới an sinh

Bà Nguyễn Thị Năm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, cuộc sống trong đại dịch của mình đã bớt khó khăn phần nào khi nhận được những tháng lương hưu sau khi đã tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện…

Cần khuyến khích nhóm lao động tự do tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Cần khuyến khích nhóm lao động tự do tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Lựa chọn cho tương lai

Bà Năm cho biết: “Trước năm 2001, tôi là công nhân may và tham gia BHXH bắt buộc được 5 năm. Sau khi sinh con, tôi xin nghỉ việc và đã hưởng BHXH một lần. Với số tiền nhận được không nhiều, tôi chỉ dùng để chi tiêu cho gia đình được một thời gian ngắn. Chính vì vậy, nhắc lại, tôi thấy thật tiếc cho thời gian 5 năm tham gia BHXH của mình. Nhìn hàng xóm,  thấy những ông bà hết tuổi lao động có lương hưu, an vui bên con cháu, tôi thấy quyết định của mình trước đây chưa đúng”.

Sau gần hai năm nghỉ việc, bà đã xin đi làm lại tại một công ty khác để được tham gia BHXH. Tính đến tháng 12/2020, bà vừa đủ tuổi nghỉ hưu và có hơn 17 năm đóng BHXH bắt buộc. Khi được cán bộ BHXH TP Hà Nội tư vấn về việc đóng thêm cho những tháng còn thiếu để nhận lương hưu hằng tháng, bà Năm không chút chần chừ. Với việc chọn phương án này, từ tháng 1/2021, bà Năm đã được nhận tháng lương hưu đầu tiên là 2,9 triệu đồng, ngoài ra còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí với mức hưởng 95% khi đi khám, chữa bệnh (KCB) BHYT.

Theo bà Năm, số tiền lương hưu tuy không lớn, nhưng điều quan trọng nhất mà cuốn sổ hưu mang lại cho bà là tâm lý tự tin, yên tâm vì bản thân tự lo được cuộc sống của mình, không sợ phụ thuộc con cái, không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. “Tôi cảm thấy mình thật may mắn, nhất là trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, khi rất nhiều lao động (LĐ) tự do đang bị mất việc làm, không có thu nhập, cuộc sống bấp bênh hoặc những rủi ro xảy đến mà không lường trước được, thì việc có lương hưu và thẻ BHYT là yên tâm nhất”, bà Năm nói.

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), đến hết năm 2020, cả nước còn gần 32 triệu người trong độ tuổi LĐ (khoảng 66,5%) chưa tham gia BHXH. Trong khi đó, chính sách BHXH tự nguyện cho LĐ khu vực phi chính thức mới giới hạn ở hai chế độ là hưu trí và tử tuất, chưa thật sự hấp dẫn được NLĐ. Ngay cả BHXH bắt buộc cũng còn “bỏ sót” một số nhóm đối tượng có nhu cầu và khả năng tham gia như: Chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý doanh nghiệp (DN), người quản lý điều hành HTX không hưởng tiền lương, NLĐ làm việc theo chế độ linh hoạt. Vì thế, để đạt được mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 45% và đến năm 2030 có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/T.Ư là một thách thức rất lớn.

Thu hút người tham gia BHXH tự nguyện

Hiện nay, trên cả nước vẫn còn số lượng lớn NLĐ khu vực phi chính thức chưa tham gia BHXH. Nguyên nhân là do chính sách BHXH tự nguyện chỉ có hai chế độ hưởng (hưu trí, tử tuất); trong khi nhóm này có thu nhập không cao và bấp bênh… Vì thế, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm… để thu hút NLĐ, nhất là NLĐ ở khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện.

TS Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, để tăng độ bao phủ BHXH, Nhà nước cần phải có quy định mở rộng về người tham gia BHXH bắt buộc đối với NLĐ có thu nhập bình quân tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương tối thiểu vùng. Những người này làm trong khu vực nông nghiệp như làm kinh tế hộ gia đình, sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo mô hình kinh tế trang trại…

Người tham gia BHXH bắt buộc còn là NLĐ làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức như: Hộ kinh doanh cá thể có đăng ký kinh doanh, NLĐ làm trong nền kinh tế chia sẻ (bán hàng online, dịch vụ liên quan đến công nghệ cao...). “Nếu thu nhập của NLĐ dưới mức tiền lương tối thiểu vùng, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ giống như đang áp dụng đối với nông dân tham gia BHXH tự nguyện. Nhà nước cũng cần tăng phần hỗ trợ cho lao động là nông dân nghèo, mới thoát nghèo tham gia BHXH tự nguyện”, TS Dũng đề xuất.

Còn theo TS Hoàng Bích Hồng, chính sách BHXH cần làm rõ sự liên thông giữa BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, giúp NLĐ được cộng nối thời gian tham gia BHXH và cách tính lương hưu là giống nhau, để tránh tình trạng NLĐ nhận BHXH một lần khi rời khỏi khu vực tham gia bắt buộc. Bên cạnh đó, chính sách BHXH phải cố định kể từ khi tham gia đối với mỗi NLĐ hoặc nếu có sự thay đổi thì cũng được thông báo từ khi NLĐ bắt đầu tham gia. Chính sách BHXH ổn định sẽ tạo sự tin tưởng cho người dân, vừa tăng tính tự giác cho nhóm người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, vừa khuyến khích người tham gia BHXH tự nguyện.

“Cùng với đó, Nhà nước cần thay đổi cách thức hỗ trợ người cao tuổi (NCT), chuyển từ hỗ trợ hưởng sang hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện. Bởi, hiện nay, NCT không có lương hưu hoặc trợ cấp từ NSNN sẽ được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng và nguồn trợ cấp này từ NSNN. Tuy nhiên, việc thực hiện trợ cấp xã hội cũng gây ra sự bất bình đẳng giữa những NCT, bởi người được hưởng lương hưu là do họ đã đóng góp/tích lũy trong thời gian làm việc, khi đó họ không được hưởng trợ cấp xã hội. Do vậy, để bảo đảm bảo lương hưu cho mọi NCT và sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa những NLĐ, cần có sự tích hợp giữa chính sách BHXH với các chính sách xã hội khác, thay vì trợ cấp cho NCT thì chuyển sang hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện. Như vậy, sẽ bảo đảm mọi NCT đều có lương hưu”, TS Hồng phân tích.