Chống dịch phía nam cần quyết liệt hơn

Trước những diễn biến căng thẳng và gia tăng nhanh về số lượng ca lây nhiễm Covid-19, các tỉnh, thành phố phía nam đang nghiêm ngặt hơn, quyết liệt hơn nhằm đẩy lùi dịch bệnh.

Cảnh sát giao thông điều phối và kiểm soát người dân ra đường trong thời gian thành phố áp dụng Chỉ thị 16. Ảnh chụp tại quận Gò Vấp.
Cảnh sát giao thông điều phối và kiểm soát người dân ra đường trong thời gian thành phố áp dụng Chỉ thị 16. Ảnh chụp tại quận Gò Vấp.

Vẫn có nơi chưa nghiêm túc

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức, tại thành phố, hiện các ca nhiễm được ghi nhận phần lớn tại khu cách ly, phong tỏa. Số ca khi tầm soát cộng đồng, mở rộng khu vực xét nghiệm, sàng lọc tại bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh vẫn diễn biến nguy hiểm. 

UBND TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp tăng cường giãn cách theo Chỉ thị 16 nhanh và quyết liệt hơn. Ngoài Nghị quyết 78 ngày 20/7 của Chính phủ và Công văn 969 ngày 17/7 của Thủ tướng Chính phủ thì TP Hồ Chí Minh sẽ áp dụng một số biện pháp mạnh mẽ hơn theo Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Thành ủy. Theo đó, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các quy định về giãn cách, nhất là giãn cách giữa người với người, gia đình với gia đình; thực hiện triệt để yêu cầu, quy định phòng, chống dịch. Người dân chỉ được phép ra khỏi nhà khi thật sự cần thiết để cấp cứu, mua thực phẩm thiết yếu tại những nơi cung cấp theo quy định và đi làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được phép hoạt động. Đối với các khu phong tỏa: các địa phương xác định phạm vi phong tỏa (không quá hẹp nhưng cũng không quá rộng) để không ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân. Tại các khu phong tỏa sẽ có tổ quản lý (gồm các lực lượng công an, quân sự, thanh niên xung phong, các đoàn thể, tổ giám sát và tuyên truyền phòng, chống Covid-19) tại cộng đồng để tăng cường quản lý, giám sát, hỗ trợ việc thực hiện quy định về giãn cách của các hộ gia đình trong khu vực phong tỏa…

Nếu như việc xử phạt người dân ra đường không có lý do chính đáng vẫn còn “du di”, thì với Chỉ thị 12, UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Nơi nào để xảy ra tình trạng tụ tập, vi phạm giãn cách với bất kỳ lý do nào, người đứng đầu và những người có liên quan tại địa phương nơi đó đều bị xử lý nghiêm khắc trách nhiệm. Đối với các khu cách ly: người đang thực hiện cách ly phải tuyệt đối chấp hành quy định, không được ra khỏi phòng và không được tiếp xúc trực tiếp với người khác (trừ trường hợp cấp cứu y tế). Đối với các gia đình có ca F0, F1 thực hiện cách ly tại nhà, thực hiện nghiêm theo hướng dẫn của ngành y tế, tuyệt đối không ra khỏi nhà (trừ trường hợp cấp cứu y tế); lương thực, thực phẩm thiết yếu sẽ được chính quyền hỗ trợ, cung cấp tại nhà. Ghi nhận của phóng viên, tại nhiều quận, huyện ngoại thành, việc chấp hành Chỉ thị 16 của Chính phủ, Chỉ thị 12 của Thành ủy vẫn chưa nghiêm túc. Đơn cử như: tuyến đường Lê Văn Lương, huyện Nhà Bè; tuyến tỉnh lộ 16, phường Thạnh Lộc, quận 12,… vẫn còn tình trạng người dân “tranh thủ” bán hàng. Tại các ngã ba, ngã tư, người dân vẫn bày bán rau, cá,… 

Mới đây, bộ phận đặc biệt của Bộ Y tế và Sở Y tế TP Hồ Chí Minh kêu gọi toàn bộ hệ thống y tế; các hội nghề nghiệp thuộc lĩnh vực y tế; các chuyên gia, nhân viên y tế đang làm việc và nghỉ hưu tham gia hỗ trợ các hoạt động chống dịch cùng thành phố. Công tác phòng, điều trị thời gian qua đã có những kết quả nhất định nhưng diễn biến dịch vẫn rất phức tạp nên công việc điều trị gặp nhiều khó khăn và quá tải. 

Chống dịch phía nam cần quyết liệt hơn -0
Người lao động sau giờ làm việc ở lại nhà máy tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. 

Nghỉ nếu không đáp ứng “ba tại chỗ”

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ nhận định, dịch bệnh đang lan rộng ở nhiều xã, phường, nhất là những nơi tập trung các khu công nghiệp có đông công nhân thuê trọ, gây khó khăn cho việc kiểm soát nguồn lây. Số doanh nghiệp ghi nhận các ca dương tính tiếp tục tăng, cao nhất là ở TP Biên Hòa và huyện Nhơn Trạch. Việc thực hiện quy định giãn cách ở một số nơi chưa nghiêm, gây không ít khó khăn cho công tác điều tra, truy vết. Ngành y tế Đồng Nai đang đẩy nhanh tốc độ truy vết để tách các trường hợp F0 trong cộng đồng. Đồng thời, tiếp tục nâng cao năng suất xét nghiệm để triển khai xét nghiệm nhanh, sớm phát hiện ca bệnh. Từ ngày 24/7, lực lượng chức năng đã ra quân lấy mẫu xét nghiệm tầm soát trên diện rộng ở một số xã, phường có nguy cơ cao, tập trung đông công nhân thuê trọ.

Theo yêu cầu của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng, hiện nay các doanh nghiệp phải xét nghiệm cho 100% người lao động. Nếu phát hiện có ca dương tính thì tạm đóng cửa và thực hiện theo hướng dẫn của ngành y tế. Nếu 100% âm tính với Covid-19 thì tùy vào tình hình thực tế, trước khi sản xuất phải áp dụng một trong ba phương án, đó là: “ba tại chỗ”; “một cung đường, hai địa điểm” và linh động áp dụng cùng lúc hai phương án trên. Quy định này được áp dụng đối với doanh nghiệp trên bảy huyện, thành phố, gồm: TP Biên Hòa, TP Long Khánh, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Thống Nhất. 

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, đến nay đã có gần 350 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp bố trí cho hơn 52 nghìn lao động lưu trú tại công ty theo phương án “ba tại chỗ”. Hàng chục doanh nghiệp cũng đã đăng ký chờ duyệt phương án “ba tại chỗ”. Ông Nguyễn Công Đoàn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Daikan Việt Nam, khu công nghiệp Amata (Đồng Nai) cho biết, ngoài hỗ trợ 200 nghìn đồng và ba bữa ăn hằng ngày cho mỗi người lao động, công ty đã nâng cấp đường truyền wifi, bố trí một khu vực để công nhân chơi thể thao, giải trí sau giờ làm việc. Theo ông Đoàn, tất cả công nhân ở lại đều an tâm sản xuất và chấp hành các biện pháp phòng dịch. Nhờ đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh được bảo đảm, không bị đứt gãy chuỗi cung ứng cho các đối tác nước ngoài.  

Thế nhưng, so một tỉnh có 31 khu công nghiệp, hàng chục nghìn doanh nghiệp, thu hút khoảng 1,2 triệu công nhân lao động thì con số thực hiện phương án “ba tại chỗ” còn rất nhỏ. Việc áp phương án “ba tại chỗ” ở Đồng Nai chỉ phù hợp các doanh nghiệp từ vài trăm công nhân trở lại, còn với các doanh nghiệp có từ vài nghìn đến vài chục nghìn công nhân là không khả thi. Bởi các doanh nghiệp không đáp ứng được các điều kiện để bố trí nơi ăn ở, sinh hoạt cho số lượng lớn người lao động tại nhà máy.

Do đó, những ngày qua, nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được “ba tại chỗ” hoặc “một cung đường, hai địa điểm” đã cho công nhân tạm nghỉ việc có chế độ lương tối thiểu vùng. Trước đó, khi có ca mắc Covid-19 trong doanh nghiệp, một số công ty có đông công nhân ở Đồng Nai cũng đã cho người lao động tạm nghỉ.