“Chia lửa’’ với vùng dịch

Trong khó khăn, tinh thần đoàn kết, tình người càng được phát huy. Với tình cảm và vật chất từ cả nước dành hỗ trợ, cùng những mô hình, cách làm hiệu quả và sự cố gắng, chung tay của toàn thành phố, tất cả đều có niềm tin: Người dân TP Hồ Chí Minh sẽ đẩy lùi dịch bệnh và ổn định cuộc sống.

Ấm áp tình người trong mùa dịch. Ảnh: HUYỀN HÙNG
Ấm áp tình người trong mùa dịch. Ảnh: HUYỀN HÙNG

Ngành y dồn lực 

Chỉ trong thời gian ngắn, TP Hồ Chí Minh đã triển khai xong hệ thống tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19 quy mô 50 nghìn giường, thuộc Sở Y tế; cùng Bệnh viện Hồi sức Covid-19 quy mô 1.000 giường, tận dụng cơ sở vật chất của Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 vừa được xây xong. Bệnh viện này hoạt động theo phân cấp như bệnh viện trung ương đặc biệt trên địa bàn.

Theo TS, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, kiêm Giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19, Bộ Y tế, TP Hồ Chí Minh và nhiều cá nhân, đơn vị, tổ chức đã hỗ trợ trang thiết bị y tế chuyên dụng cho bệnh viện đầy đủ. Riêng máy thở, Bộ Y tế đã chuyển vào kho dã chiến phía nam hơn 2.000 chiếc. “Bệnh viện đã tiếp nhận 249 bệnh nhân nặng. Thời gian tới, sẽ tăng quy mô 700 giường”, bác sĩ cho hay. Chỉ trong vài ngày, 30 máy thở chức năng cao, 100 máy bơm điện, thiết bị monitor, một hệ thống tim phổi nhân tạo (ECMO), bảy máy lọc thận, 10 máy thở chức năng cao không sử dụng khí nén... đã được chuyển đến từ kho dã chiến.

Thành phố cũng đã lên phương án huy động hoặc trưng dụng thêm từ bệnh viện tư nhân thông qua việc thay đổi mô hình điều trị từ “tháp bốn tầng” lên năm tầng. GS, TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế thành phố thông tin, đến nay cả nước chi viện thành phố rất nhiều về nhân sự và vật lực. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh cũng vừa có thư kêu gọi toàn bộ hệ thống y tế công tư; Hội Y tế; các hội nghề nghiệp thuộc lĩnh vực y tế; các chuyên gia, nhân viên y tế đang làm việc và đã nghỉ hưu; các lương y, giảng viên, sinh viên tại các trường đào tạo, dạy nghề thuộc khối thiết bị sức khỏe tham gia vào các hoạt động chống dịch tại TP Hồ Chí Minh.

Cả nước một lòng

Trở về nhà sau một buổi sáng bận rộn việc đồng sáng, đứng ở sân nhà, bà Hạ Minh, xóm 2, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An nghe đài phát thanh xã kêu gọi nhân dân quyên góp ủng hộ đồng bào TP Hồ Chí Minh đang gặp khó khăn do dịch Covid-19. Sẵn có ít bí xanh trồng trong vườn, bà Minh đong thêm mấy kg lạc đưa ngay đến nhà xóm trưởng. Chị Trần Thị Huyền, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn chia sẻ: “Là một xã thuần nông còn nhiều khó khăn, nhưng sau lời phát động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh về tuần lễ “Vì thành phố mang tên Bác” nhân dân xã nhà đã ủng hộ bốn tấn nông sản. Đây là các sản phẩm do bà con tự canh tác nên rất bảo đảm an toàn”. Chỉ trong bốn ngày, 21 huyện, thành phố, thị xã của tỉnh Nghệ An đã quyên góp được hơn 350 tấn hàng hóa nông sản, trị giá hơn tám tỷ đồng gửi vào hỗ trợ TP Hồ Chí Minh.

Trong những ngày qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Hồ Chí Minh đã tổ chức tiếp nhận lương thực, thực phẩm do Tỉnh ủy, chính quyền và nhân dân nhiều tỉnh, thành phố hỗ trợ chống Covid-19. Như tỉnh Nghệ An đã phát động chương trình “Tuần lễ vì thành phố mang tên Bác” vận động ủng hộ TP Hồ Chí Minh 292.567 tấn hàng hóa, trị giá hơn 6,7 tỷ đồng. Trước đó, người dân tỉnh Sóc Trăng, Quảng Bình đã gửi các chuyến hàng hơn 52 tấn gạo, nông sản, thực phẩm… Tỉnh An Giang cũng đã trao 60 tấn gạo. Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang cho biết, dịp này, tỉnh An Giang còn hỗ trợ 20 tấn rau, củ, quả, 10 nghìn lon cá hộp và nhiều hàng hóa, vật phẩm khác. Ngoài tiền mặt, các tổ chức đã tiếp nhận hàng hóa, nông sản, thực phẩm và trang thiết bị từ các tỉnh, thành phố: Vĩnh Long, Đồng Tháp, Đắk Lắk, Bình Thuận, Bến Tre, Lâm Đồng, Tây Ninh, Trà Vinh, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Gia Lai, Cần Thơ, Bắc Ninh, Sóc Trăng, Thừa Thiên Huế, Hải Phòng… và máy móc, trang thiết bị y tế từ các đơn vị doanh nghiệp như hệ thống máy xét nghiệm RT-PCR, máy cung cấp oxy cho bệnh nhân, trang thiết bị y tế… Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Hồ Chí Minh Tô Thị Bích Châu cho biết, đã tiếp nhận 500 triệu đồng của tỉnh Bến Tre; Quảng Nam ủng hộ 2 tỷ đồng; Quảng Ngãi  - 1 tỷ đồng, TP Hải Phòng - 10 tỷ đồng, các tỉnh Lâm Đồng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bình Định, mỗi tỉnh ủng hộ 2 tỷ đồng. Các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, Long An, Đắk Lắk đã hỗ trợ 70 tấn gạo, 20 tấn rau, củ, 15 tấn khoai lang, 300 kg khô, 600 thùng nước mắm loại 300 lít, 1.000 trứng gà… 

Lương thực, thực phẩm, rau, củ, quả do các địa phương gửi tặng đã, đang được chuyển đến các khu cách ly, khu phong tỏa để giao đến tay những người dân đang gặp khó khăn và các lực lượng tuyến đầu chống dịch. Tính từ ngày 20/3/2020 đến 24/7/2021, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Hồ Chí Minh, Ban vận động, tiếp nhận và phân phối Quỹ Phòng, chống dịch Covid-19 thành phố đã tiếp nhận hơn 1.829 tỷ đồng, trong đó tiền mặt hơn 808 tỷ đồng, hàng hóa và trang thiết bị là 1.021 tỷ đồng (gồm hàng hóa, nông sản, máy móc, trang thiết bị y tế như hệ thống máy xét nghiệm PCR, máy cung cấp oxy, bộ kit xét nghiệm PCR và bộ xét nghiệm nhanh Covid-19, xe cấp cứu chuyên dụng, xe ô-tô chuyên dụng…). Thành phố đã phân phối 654 tỷ đồng tiền mặt, trong đó chuyển đến Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ủng hộ Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19 500 tỷ đồng, hàng hóa thiết bị là 1.021 tỷ đồng.

“Chia lửa’’ với vùng dịch -0
 Các hội đoàn thể, chính trị xã hội xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An nhận rau, củ, quả từ ủng hộ của người dân để gửi vào TP Hồ Chí Minh. Ảnh: H.HÙNG

Giãn dân giảm áp lực cho thành phố

Tối 24/7, UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp Hội đồng hương Hà Tĩnh tại TP Hồ Chí Minh đưa con em quê hương bằng tàu hỏa về quê tránh dịch. Trước đó, ngày 21/7, Hội đồng hương Quảng Nam tại TP Hồ Chí Minh thông tin bố trí 10 xe khách cỡ lớn từ Quảng Nam vào đón người dân Quảng Nam tạm rời vùng dịch về quê cách ly. Tối 20/7, tỉnh Bình Định đã đưa 190 công dân từ TP Hồ Chí Minh đi máy bay về sân bay Phù Cát để về quê. Bình Định sẽ còn tiếp tục tổ chức các chuyến bay tương tự nhằm hỗ trợ người dân, giảm áp lực cho thành phố.

Còn UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành kế hoạch đón công dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía nam; ra mắt trang website http://dangkyveque.nghean.gov.vn để nhận đăng ký đón công dân trở về bằng máy bay hoặc tàu hỏa. PGS, TS Phan Xuân Biên, Chủ tịch Hội đồng hương Hà Tĩnh tại TP Hồ Chí Minh cho hay, số công dân Hà Tĩnh đăng ký qua hội đồng hương các huyện, thị xã, thành phố, trở về quê theo nguyện vọng là gần 10 nghìn người, ở cả ba địa phương là TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương. Dự báo những ngày tới danh sách trên sẽ còn tiếp. Sau khi chốt danh sách, Hội đồng hương Hà Tĩnh tại TP Hồ Chí Minh sẽ gửi thông báo cho các ngành chức năng của UBND tỉnh Hà Tĩnh nắm bắt và có phương án phù hợp để đón số công dân này về quê. “Sắp tới sẽ có một người tài trợ một chuyến máy bay chở khoảng 200 người Hà Tĩnh về quê. Cùng với đó, hội đồng hương sẽ tổ chức một số đoàn tàu khác tiếp tục đưa người dân về Hà Tĩnh”, ông Biên cho biết.

Đón nhận những tình cảm, động viên, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hồ Hải gửi lời cảm ơn đến Đảng bộ, nhân dân các địa phương đã quan tâm, đồng hành và chia sẻ với thành phố trong đợt dịch lần thứ tư này. Bất cứ sự chia sẻ về vật chất lẫn tinh thần nào cũng đều trân quý. Thành phố nỗ lực hết sức có thể để hỗ trợ kịp thời đến đúng đối tượng, công khai, minh bạch. Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng tin tưởng nhất định sẽ chiến thắng đại dịch. 

Kêu gọi kiều bào hiến kế chống dịch

Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP Hồ Chí Minh trân trọng mời gọi các chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào chia sẻ những kinh nghiệm, đóng góp ý kiến, đưa ra các giải pháp để kiểm soát dịch Covid-19 tại các khu cách ly và công tác truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, trả kết quả cho người dân… Cùng với đó, giới thiệu các ứng dụng, công nghệ phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; thông tin liên quan đến cung cấp vaccine, công nghệ chế tạo vaccine, các trang thiết bị hỗ trợ điều trị. Ngoài ra là giải pháp an toàn để các doanh nghiệp vừa sản xuất, vừa phòng, chống dịch.