Grab Việt Nam có chuyển giá để trốn thuế?

Tính tới thời điểm 31/12/2021, Grab Việt Nam lỗ lũy kế 4.366 tỷ đồng, nhưng hằng năm công ty vẫn phải dành 314 tỷ đồng chi phí quản lý trả cho đơn vị liên quan đến công ty “mẹ” ở Singapore. Vì vậy, Grab Việt Nam bị nghi ngờ dùng chiêu chuyển giá như Coca Cola. 

Grab Việt Nam là một doanh nghiệp chiếm thị phần lớn trong lĩnh vực vận tải.
Grab Việt Nam là một doanh nghiệp chiếm thị phần lớn trong lĩnh vực vận tải.

Cuối năm 2019, Vụ Thanh tra, Tổng cục Thuế đã đưa ra kết quả hàng loạt vụ thanh tra điển hình, trong đó có thanh tra Công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola, truy thu và phạt hơn 821,4 tỷ đồng, giảm khấu trừ 76,3 tỷ đồng, giảm lỗ hơn 762,6 tỷ đồng. “Chiêu chuyển giá” của Coca Cola được nhắc tới chính là mua nguyên liệu giá cao và trả chi phí bản quyền từ công ty mẹ. 

Tương tự Coca Cola, Adidas Việt Nam cũng dính nghi án chuyển giá khi phải thanh toán cho Công ty Adidas AG phí bản quyền 6%, chi phí tiếp thị quốc tế 4% doanh thu ròng và phải trả chi phí hoa hồng mua hàng 8,25% cho Adidas International Trading B.V. 

Nhìn vào dòng tiền của Công ty TNHH Grab (Grab Việt Nam), có thể thấy, Grab Việt Nam cũng có chi phí giống như chiêu chuyển giá của Coca Cola và Adidas Việt Nam, với con số lỗ lũy kế 4.366 tỷ đồng. Tháng 2/2014, Grab đặt chân vào Việt Nam với tên gọi GrabTaxi. Chỉ sau bốn năm, với sự vượt trội về công nghệ và tài chính, Grab đã thâu tóm thành công đối thủ lớn nhất là Uber cũng như chiếm phần lớn thị phần taxi trong nước từ các ông lớn như Mai Linh hay Vinasun. Với những thành công này, lẽ ra Grab có thể có một bức tranh tài chính rực rỡ. Thế nhưng, thực tế không cho thấy điều đó, dù nắm giữ thị phần lớn nhất tại Việt Nam, Grab Việt Nam vẫn liên tục thua lỗ. Năm 2021, Grab lỗ 301 tỷ đồng dù doanh thu chỉ giảm nhẹ từ 3.762 tỷ đồng xuống 3.346 tỷ đồng. Trước đó, năm 2020, Grab ghi nhận khoản lợi nhuận lên đến 243 tỷ đồng. Tuy nhiên, 2020 là năm tươi sáng hiếm hoi của Grab. Trước đó, công ty này chìm trong thua lỗ với các khoản lỗ 1.697 tỷ đồng (năm 2019), lỗ 885 tỷ đồng (năm 2018), lỗ 789 tỷ đồng (năm 2017), lỗ 445 tỷ đồng (năm 2016), lỗ 442 tỷ đồng (năm 2015) và lỗ 51,7 tỷ đồng (năm 2014). Sau tám năm hoạt động, tính tại thời điểm 31/12/2021, Grab đã gánh khoản lỗ lũy kế lên đến 4.366 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ chỉ là 20 tỷ đồng. Vì vậy, công ty đã âm vốn chủ sở hữu 4.346 tỷ đồng. 

Coca Cola, Adidas, Pepsico từng bị nhắc tới nhiều trong các nghi án chuyển giá, trốn thuế. Những tên tuổi này có đặc điểm chung là dù hoạt động rất nhiều năm ở Việt Nam nhưng liên tục thua lỗ. Và càng thua lỗ nhiều, công ty càng mở rộng sản xuất, kinh doanh. 

Cũng tương tự, sau khi thâu tóm Uber, Grab nắm giữ thị phần rất lớn ở mảng taxi công nghệ nói riêng và taxi nói chung nhưng như đã nêu ở trên, Grab chìm trong thua lỗ, với mức lỗ lũy kế lên đến 4.366 tỷ đồng. Và thật bất ngờ, Grab cũng có những chi phí mà Coca Cola, Adidas từng sử dụng để góp phần khiến bản thân thua lỗ. 

Cụ thể, tại thời điểm cuối năm 2021, Grab có khoản phải trả lên đến 419 tỷ đồng với GrabTaxi Holdings Pte. Ltd., công ty liên quan đến đơn vị được coi là công ty mẹ ở Singapore. Đó là Grab Inc., đơn vị nắm giữ 49% vốn Grab Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý, có tới hơn 314 tỷ đồng được xác định là phí quản lý, 67,6 tỷ đồng phí bản quyền và 37 tỷ đồng phải trả khác. 2021 không phải là năm đầu tiên các chi phí này xuất hiện. Tại thời điểm cuối năm 2020, Grab có khoản phải trả lên đến 407 tỷ đồng với GrabTaxi Holdings Pte. Ltd. Năm 2019, chưa phát sinh phí quản lý với GrabTaxi Holdings Pte. Ltd, nhưng Grab đã phải trả cho công ty này phí bản quyền 25,3 tỷ đồng và 20,6 tỷ đồng phải trả khác. 

Với trường hợp của Grab Việt Nam, một chuyên gia luật cho rằng: Khi một doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất nhưng vẫn liên tiếp thua lỗ thì chúng ta có thể đặt câu hỏi về tính minh bạch tài chính, thuế hoặc họ tiếp tục chấp nhận thua lỗ để tiêu diệt các đối thủ cạnh tranh bằng giá. Dù với chiêu thức nào đi chăng nữa, việc doanh nghiệp tìm cách né tránh các nghĩa vụ về thuế hay vi phạm các quy định về cạnh tranh để chiếm lĩnh thị phần đều tạo ra các hệ lụy rất lớn cho môi trường kinh doanh.