Quảng Bình:

Giảm thiệt hại lũ lớn nhờ chủ động phòng tránh

Với vùng thấp trũng của tỉnh Quảng Bình như Lệ Thủy và Quảng Ninh thì mưa lũ, ngập lụt đã là chuyện bình thường, đến mức không có lũ về cũng thấy... nhớ, vì đồng ruộng không được thau chua rửa mặn, miền quê thiếu vị phù sa. Vì thế, qua mỗi mùa lũ lụt, nhất là trận lũ lịch sử năm 2020, tâm thế ứng phó mưa lũ của người dân nơi đây đã tốt và càng chủ động hơn. Và trận lũ lớn năm nay cũng thế.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng vũ trang Quảng Bình cứu hộ và hỗ trợ lương khô cho người dân Lệ Thủy.
Lực lượng vũ trang Quảng Bình cứu hộ và hỗ trợ lương khô cho người dân Lệ Thủy.

1/Do ảnh hưởng của bão số 6, Quảng Bình mưa như trút nước. Nhìn mưa nối ngày nối đêm, nhiều người dân Lệ Thủy rùng mình liên tưởng đến trận mưa lũ lịch sử cũng xảy ra trong tháng 10 của 4 năm trước. Cũng với đó, tâm thế chủ động đón đợt thiên tai với chu kỳ 3 năm một lần của người dân miền trung khiến cho bà con quê tôi nhắc nhau chuẩn bị để chạy lụt. Ai cũng lo nhưng càng lo, càng phải thu xếp sao cho mọi việc trong nhà ổn thỏa trước khi nước đổ về để giảm nhẹ thiệt hại do lũ.

Ông Võ Minh ở thôn Lộc An, xã An Thủy cho biết, sáng 27/10, nước sông Kiến Giang đang còn ở mức thấp, ấy thế mà 15 giờ chiều, nước đã dâng ngập bờ, tràn vào làng xóm và ngập lụt nhà cửa. Các con ở xa, vợ chồng ông Minh động viên nhau thu xếp, chuyển đồ đạc trong nhà, những thứ thiết bị điện tử đắt tiền, không thể ngâm nước được đưa lên gác cao, bếp nấu nướng đặt ở nơi vừa phải để sử dụng hằng ngày; bàn ghế, giường, tủ gỗ tự nhiên có thể ngâm nước thì dùng làm giá đỡ để kê kích các vật dụng khác. Những bó củi và mấy thứ linh tinh ngoài vườn được ông Minh lấy dây buộc lại để không bị trôi.

Hai chiếc xe máy và mấy con gà, con chó được chuyển lên sàn gỗ kê trên mấy thùng phi để rồi nước dâng bao nhiêu, chúng nổi bấy nhiêu. Trước khi nước lũ ập vào nhà, ông Minh dùng tấm nylon che trên miệng giếng khơi rồi dùng dây cao-su buộc lại, sau khi nước rút thì có ngay nước sạch để dùng.

Bí thư Đảng ủy xã An Thủy Trần Đức Tài cho biết, từ sau trận lũ năm 2020, mọi thứ trong cuộc sống ở vùng thấp lụt này đã được người dân “cài đặt” lại. Đầu tiên là việc xây dựng nhà ở đều chọn mốc vượt lũ năm 2020 để thi công, nhà mới bây giờ được xây dựng khang trang, kiên cố và đều làm 2 tầng hoặc có chòi vượt lũ. Cùng với đó, nhiều nhà phòng tránh lũ cộng đồng cũng được xây dựng với 2 tầng để làm nơi tránh trú lũ lụt cho hàng trăm người. Tiếp đó, mùa vụ sản xuất và tập quán chăn nuôi, trồng trọt đều được bố trí để né mùa mưa lũ nhằm giảm bớt thiệt hại.

2/Tuy chưa đạt tới mức đỉnh lũ năm 2020 nhưng trận lũ những ngày này ở các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh cũng khá lớn, được sánh với kỷ lục mưa lũ năm 1979. Cả đồng bằng nhỏ hẹp ven biển phía nam của Quảng Bình chìm sâu trong nước. Hình ảnh ghi từ trên cao cho thấy, làng quê bốn bề bị nước bao quanh, nhà cửa chỉ như chấm nhỏ li ti chới với giữa biển nước. Báo cáo của tỉnh cho biết, toàn tỉnh có 32.885 ngôi nhà ngập lụt, trong đó hơn một nửa ngập từ 1 m trở lên.

Nhận thấy sự bất an từ các bản khu vực biên giới, Đồn Biên phòng Làng Ho phối hợp với chính quyền hai xã Kim Thủy và Lâm Thủy tổ chức di dời ngay 89 hộ, với 333 khẩu trong chiều 27/10 đến nơi an toàn. Bộ đội Biên phòng chủ động chuẩn bị các nhu yếu phẩm như mì tôm, lương khô cấp phát cũng như chăn màn cho bà con tạm trú tại trường học bảo đảm đủ no và ấm. Đặc biệt, do lũ đầu nguồn đổ về quá lớn nên nước hồ Dạ Lam ở xã Thái Thủy tạo thành “quả bom” nước có nguy cơ bị vỡ. Chính quyền xã Thái Thủy huy động lực lượng công an, dân quân và xung kích của xã di dời ngay 85 hộ dân ở vùng hạ du đến nơi an toàn. Ngoài ra, tại các xã, thị trấn vùng thấp trũng, người dân đã di dời nội bộ từ nhà thấp sang nhà kiên cố, cao tầng hoặc đến nhà tránh lũ cộng đồng. Nhờ đó, dù lũ lớn nhưng ở các địa phương chưa để xảy ra sự cố đáng tiếc nào liên quan đến tính mạng người dân do bị ngập hoặc chậm sơ tán.

Các huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh đã lập các đoàn cứu trợ vượt lũ bằng ca-nô để tiếp cận các vị trí để hỗ trợ cung cấp mì tôm, lương khô và nước uống cho bà con. Tại thôn Hữu Tân - nơi ngập sâu nhất xã Tân Ninh, bà con đang trú trên nhà tránh lũ cộng đồng đã xúc động khi nhận những phần nhu yếu phẩm mà lực lượng của huyện mang tới. Sau một ngày mang theo nước uống và lương khô, giờ họ đã dùng hết thì may mắn lực lượng hỗ trợ vừa tới.

Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Lê Ngọc Huân tặng mì ăn liền, nước uống cho bà con và tặng quà động viên sản phụ đang trú ở nhà cộng đồng rồi cùng đoàn công tác tiếp tục hành trình đến địa điểm mới. Các anh di chuyển từ sáng tới đêm để chỉ đạo ứng phó, kiểm tra thực tế đời sống người dân ngày mưa lũ và nhiều khi phải dùng bữa ngay trên ca-nô bằng mì ăn liền nhai sống. Mưa quăng quật tứ phía. Sóng cồn lên như ở giữa biển nhưng ở phía xa là làng xóm, là bà con đang chờ mong được tiếp tế, họ kéo lại áo mưa, chỉnh lại áo phao để tiếp tục lên đường.

Trong một góc của nhà tránh lũ, có mẹ con sản phụ đang được người bà chăm sóc chu đáo. Cậu bé kháu khỉnh vừa chào đời chưa tới 12 giờ đồng hồ đang ngủ ngon trong chăn ấm nào có biết, cậu từ Trạm y tế tới đây bằng xuồng cứu hộ và được bao bọc bởi vòng tay nhân ái của bà con giữa mênh mông nước lũ.