1/Cầu Rạch Dơi bắc qua dòng Sông Kinh, nối huyện Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh) với huyện Long Hậu (tỉnh Long An). Cây cầu bằng sắt, rộng 3-3,3m, lưu thông hai chiều, không có lề bộ hành, được xây dựng trước năm 1975, hằng ngày vẫn phải gánh một lượng xe lớn lưu thông, trong đó có cả xe tải lớn qua lại.
Cứ xe đi qua là mặt cầu lại rung lên bần bật, phát ra tiếng ồn lớn do các tấm sắt va vào nhau. Nhiều vị trí trên cầu bị hoen gỉ nghiêm trọng, nhiều đoạn sắt nối bị lệch, bung ốc… Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh Phan Công Bằng, năm 2016, thành phố đã phê duyệt dự án xây cầu mới nhưng đến nay chưa triển khai do chưa cân đối được nguồn vốn. Mới đây, Sở đã đề xuất hoàn tất các thủ tục để khởi công, hoàn thành, thông xe cầu Rạch Dơi năm 2028. Thành phố sẽ đảm nhận chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 265 tỷ đồng, còn đoạn qua tỉnh Long An dự kiến chi phí khoảng 85 tỷ đồng sẽ do địa phương này thực hiện. Cầu mới sẽ dài 452 m, rộng 15 m với phần đường dẫn khoảng 300 m.
Cách đó gần 3 km, cũng tồn tại hơn 50 năm, cầu Rạch Tôm nhỏ hẹp cùng chung số phận khi mỗi ngày phải gánh một lượng lớn phương tiện lưu thông, kể cả xe tải. Nhiều bộ phận trên cầu đã xuống cấp, hoen gỉ, phải cố định bằng dây thép. Mỗi khi có xe đi qua, cầu rung lắc mạnh, phát ra các tiếng kêu lớn. Theo thông tin từ UBND huyện Nhà Bè, hiện dự án xây mới cầu đang làm công tác bồi thường, bố trí nền tái định cư. Trong khi đó, Sở GTVT đề xuất UBND thành phố Hồ Chí Minh đưa vào kế hoạch ưu tiên đầu tư từ nay đến năm 2030. Trong đó, đề xuất bố trí dự án cầu Rạch Tôm khoảng 260 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2024-2025 giải phóng mặt bằng, triển khai thi công, dự kiến hoàn thành cuối năm 2026.
Cầu Rạch Cát, còn được gọi là cầu Nhà Thương, nối từ đường Rạch Cát với đường Phú Định, được xây dựng trước năm 1975 và hiện cũng xuống cấp nghiêm trọng, trong khi mật độ phương tiện lưu thông cao. Mỗi khi xe chạy qua, cầu rung lắc mạnh và phát ra tiếng kêu lớn do các tấm sắt va vào nhau, gây lo ngại cho người dân. Theo Sở GTVT thành phố, UBND Quận 8 hiện đang điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cầu Rạch Cát để làm cơ sở triển khai thực hiện. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến gần 1.200 tỷ đồng.
2/Đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh) là tuyến đường giao thông huyết mạch, kết nối TP Hồ Chí Minh đi tỉnh Long An. Trên tuyến đường này có 4 cầu sắt cũ được xây dựng từ trước năm 1975, ngoài 2 cây cầu nói trên, 2 cầu còn lại là Long Kiểng và Rạch Đỉa. Cầu Long Kiểng từng bị sập năm 2018.
Cách đây 1 năm, cầu Long Kiểng mới đã được thông xe sau hơn 22 năm kể từ khi lập dự án. Dự án cầu Long Kiểng được UBND thành phố phê duyệt năm 2001. Sau thời gian dài vướng mắc giải phóng mặt bằng, đến năm 2018, dự án mới được khởi công, dự kiến hoàn thành vào tháng 11/2019, thế nhưng phải đến tháng 9/2023 mới hoàn thành. Từ khi thông xe, cầu Long Kiểng giúp người dân đi lại thuận tiện hơn và thay đổi bộ mặt đô thị nên người dân ai cũng phấn khởi. Trong khi đó, cây cầu còn lại là cầu Rạch Đỉa, nối Quận 7 và huyện Nhà Bè cũng đang được thi công hoàn thành.
Nói về hạ tầng giao thông địa phương, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Triệu Đỗ Hồng Phước cho biết, thời gian qua, huyện đã chuyển mình mạnh mẽ, công tác đầu tư phát triển hạ tầng được thành phố đặc biệt quan tâm, đầu tư nhiều dự án giao thông trọng điểm. Trong đó, mới nhất là công trình cầu Cây Khô đưa vào hoạt động cuối tháng 8, giúp người dân rút ngắn quãng đường di chuyển chỉ còn 500 m, trong khi trước đây phải di chuyển bằng đò ngang hoặc chạy đường vòng với quãng đường khoảng 10 km.
Cầu Cây Khô được đưa vào sử dụng, góp phần kết nối giao thông giữa huyện Bình Chánh với huyện Nhà Bè, giúp việc đi lại giữa các Quận 5, 6, 8 với khu đô thị nam Sài Gòn dễ dàng hơn. Mặt khác, góp phần giảm tải áp lực giao thông cho trục đường Nguyễn Hữu Thọ, giúp việc đi lại giữa đường Nguyễn Văn Linh với Khu công nghiệp Hiệp Phước và cảng Hiệp Phước dễ dàng hơn.
Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh (chủ đầu tư) Lê Ngọc Hùng cho biết, đến nay, dự án xây dựng cầu Rạch Đỉa đã thi công hoàn thành 10/10 mố trụ, hoàn thành lao lắp dầm cầu 7/9 nhịp và đang thi công bản mặt cầu. Đồng thời, các đơn vị thi công đang chuẩn bị lắp dầm cầu hai nhịp còn lại. Dự kiến, dự án cầu Rạch Đỉa thông xe vào tháng 12.