Khi đặc sản nằm... trên đường

Bạn đọc viết:
0:00 / 0:00
0:00

Đặng Công Hiếu (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh)

Vào mùa thu hoạch lúa, nhiều cung đường tỉnh lộ, quốc lộ ở miền bắc lại được “thay áo mới” với mầu vàng óng ả do người dân phơi thóc. Ở một số huyện của tỉnh Hà Tĩnh, thứ được phơi trên đường không phải thóc mà là tép. Mùa tép hay còn gọi là ruốc biển miền trung thường diễn ra từ tháng 4 đến hết tháng 9 âm lịch. Bà con ngư dân đánh bắt tép vào ban ngày và nếu không bán ngay tại bờ biển thì sẽ sơ chế qua rồi mang ra đường nhựa phơi nắng.

Đã là hải sản thì chắc chắn sẽ có mùi tanh và đặc biệt thu hút côn trùng. Mỗi lần bà con phơi món đặc sản này trên đường, mùi của tép bay xa hàng cây số, lôi kéo từng đàn ruồi nhặng kéo đến, gây mất vệ sinh cho toàn bộ khu vực. Thế nhưng, vấn đề lớn nhất của việc phơi tép nằm ở việc loại đồ ăn này nằm ngay trên đường, nơi tham gia giao thông của rất nhiều phương tiện. Xe máy, xe đạp đi ngang qua đây thường phải né tránh khá vất vả, bởi nếu không sẽ dễ bị trượt ngã hoặc bị tép từ mặt đường bắn vào quần áo gây mùi tanh, khó chịu suốt cả ngày. Trong khi đó, các phương tiện cơ giới cũng chẳng khác nào đi vào mê cung. Bởi mặc dù không bị ảnh hưởng như xe thô sơ, nhưng các lái xe cũng không “nỡ” điều khiển phương tiện chèn lên bao công sức lao động sản xuất của bà con.

Nếu được tận mắt chứng kiến việc phơi tép trên đường ở Hà Tĩnh, e rằng sẽ không còn nhiều người muốn thưởng thức loại đặc sản này, dù được chế biến cầu kỳ, ngon lành đến đâu. Mặt đường nơi bà con phơi tép thật sự không hề sạch, trái lại có rất nhiều đất cát, dị vật, mảnh rác thải và thậm chí là… phân gia súc, gia cầm hoặc những gì còn sót lại của xác động vật chết. Mong rằng chính quyền và người dân địa phương sớm hợp tác, tìm ra cách làm bảo đảm an toàn giao thông, vệ sinh thực phẩm hơn.