Hiểu thì mới có thể phát huy giá trị di sản

Tác giả Nguyễn Đức Dũng, hiện công tác tại Cục Di sản văn hóa vừa ra mắt cuốn sách “Quán Thánh”, công trình nghiên cứu công phu về các giá trị văn hóa Hán Nôm của một trong số Thăng Long tứ trấn: đền Quán Thánh (quận Ba Đình). Mặc dù lựa chọn một di tích quá đỗi thân thuộc đối với người dân Hà Nội nhưng tác giả lại đi theo hướng tiếp cận mới. Bởi vậy, ấn phẩm này có lẽ đủ để khiến nhiều người đọc chợt nhận ra, bản thân còn biết quá ít về những giá trị ẩn sâu dưới lớp bụi thời gian của di tích. 

Tác giả Nguyễn Đức Dũng (giữa) và nhóm biên soạn sách Quán Thánh chia sẻ với độc giả.
Tác giả Nguyễn Đức Dũng (giữa) và nhóm biên soạn sách Quán Thánh chia sẻ với độc giả.

Phóng viên (PV): Xin anh cho biết điều gì đã lôi cuốn, thôi thúc cá nhân anh chọn viết về đền Quán Thánh, một di tích nổi tiếng của Hà Nội?

Tác giả Nguyễn Đức Dũng (NĐD): Thật ra, cuốn sách này đã được “thai nghén” từ rất lâu, xuất phát từ điểm là luận văn tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Hán Nôm năm 2000 của tôi. Đề tài luận văn là “Hệ thống văn bản khắc Hán Nôm đền Quán Thánh” và được GS Trần Nghĩa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm hướng dẫn. Sau khi hoàn thành luận văn, bản thân tôi có một tâm nguyện “thầm hứa” với Đức Thánh Chân Vũ, đó là thực hiện một cuốn sách về đền Quán Thánh. Tuy nhiên, do nhiều lý do khách quan và chủ quan mà phải tới tận hai năm trước, được sự động viên và giúp đỡ của một số đồng nghiệp, nhất là cán bộ tại Viện Hán Nôm, như TS Nguyễn Tô Lan, Ths Nguyễn Đình Hưng và bạn bè ở NXB Thế giới, tôi mới có thể thực hiện được lời hứa hơn 20 năm ấy.

PV: Xin anh chia sẻ một số điểm mà anh tâm đắc trong cuốn sách, khác với một số nghiên cứu trước đó?

NĐD: Ngay từ ngày trước khi còn làm luận văn, đối với việc nghiên cứu di tích, tôi có tư duy tìm mọi cách “quét sạch” để cho những người đi sau không phải băn khoăn hay làm lại. Đơn cử như lúc làm luận văn, cụ thủ từ đền Quán Thánh khi ấy không để tôi tiếp cận 8 sắc phong quý. Nhưng sau này thực hiện cuốn sách mới, tôi quyết tâm bổ sung nghiên cứu về các sắc phong đó và may mắn được bác Sơn, vốn là con cụ thủ từ đời trước, cho phép. Cấu trúc cuốn sách cũng khá đơn giản, bao gồm phần đầu dẫn luận chỉ khoảng hơn 30 trang, nói về nguồn gốc ra đời, thánh tích của Thánh Chân Vũ trong Đạo giáo ở Trung Quốc và quá trình tín ngưỡng này truyền bá vào nước ta, tiếp xúc tín ngưỡng bản địa để sinh ra hệ thống thánh tích mang đậm dấu ấn Việt Nam. Cuốn sách cũng giới thiệu về lịch sử, kiến trúc và tín ngưỡng của đền Quán Thánh, nơi thờ Thánh Chân Vũ. Phần tiếp theo là những nhận định về nội dung, giá trị và tác giả của những di sản văn hóa Hán Nôm tại đây, chia theo các loại hình bao gồm văn khắc, thơ, hoành phi, câu đối, bia đá, biển đồng, khánh, chuông và sắc phong. Tuy nhiên, ấn phẩm này là ký ức tư liệu bằng hình ảnh vì tôi muốn hướng độc giả tìm hiểu có hệ thống về tư liệu di văn Hán Nôm. Bởi vậy, sự khác biệt nằm ở phần tư liệu ảnh chụp di văn với chú thích cụ thể. Nó vừa trực quan, sinh động, vừa dễ hiểu với các phần nguyên văn, phiên âm, dịch nghĩa và chú thích được đặt đối chiếu ngay cạnh, giúp đông đảo người đọc dễ tiếp cận.

PV: Vậy còn những thuận lợi và hạn chế trong quá trình nghiên cứu và viết sách về đền Quán Thánh?

NĐD: Để thực hiện được cuốn sách, tôi nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ TS Tô Lan và Ths Nguyễn Đình Hưng từ Viện Hán Nôm, cùng một số thành viên chịu trách nhiệm từ chụp ảnh, biên tập cho tới thiết kế, dàn trang. Họ đều là những người có kiến thức sâu về Hán Nôm và đầy tinh thần trách nhiệm, đến mức trước khi ra sách nhóm đã in tới 13 bản bông. Ngoài ra, khi làm sách về đền Quán Thánh, chúng tôi cũng có điểm thuận lợi bởi đây là nơi có hệ thống Hán Nôm cực kỳ đồ sộ và được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Các di văn Hán Nôm tại đền vừa có nội dung kết tinh giá trị văn hóa qua nhiều thời kỳ vừa hoàn chỉnh về kỹ thuật, mỹ thuật lẫn hệ thống tác giả. Ngay cả việc xây dựng, tu bổ đền qua các triều đại cũng được ghi chép rất kỹ trên các bia đá. Mặc dù vậy, cuốn sách mới chỉ đề cập được phần “xác” của di sản là những di văn Hán Nôm mà thiếu đi phần “hồn cốt”. Hiện tại, không chỉ trong đền Quán Thánh mà nói rộng ra tại Việt Nam, không còn người biết và thực hiện các nghi lễ thờ phụng trong Đạo giáo. Bởi vậy, phần “cốt” mang giá trị phi vật thể là các nghi lễ, thực hành tín ngưỡng thờ phụng Thánh Chân Vũ theo Đạo giáo có thể nói là đã vắng bóng và chỉ còn tồn tại trong một số ít ghi chép cổ tại đây.

PV: Từ cuốn sách này, xin anh chia sẻ một số suy nghĩ liên quan đến hoạt động bảo tồn, phát huy các di sản tại di tích khác?

NĐD: Sau hơn 20 năm, tôi thấy đền Quán Thánh vẫn được chính quyền, nhân dân hết sức giữ gìn và làm tốt công tác bảo tồn. Tuy nhiên, việc phát huy di sản Hán Nôm còn nhiều hạn chế. Khi hỏi bác Sơn, thủ từ của đền, tôi được biết là du khách trong và ngoài nước đến thăm nếu muốn mua sách tìm hiểu về đền thì hầu như không có. Hiện nay, đền Quán Thánh thuộc quản lý của Phòng Văn hóa - Thông tin quận Ba Đình, nên còn rất nhiều khó khăn về nhân lực, kinh phí nếu muốn áp dụng công nghệ và thuyết minh số giống như di tích khác như Hoàng thành Thăng Long hay Văn Miếu Quốc Tử Giám. Đó là lý do tại sao cuốn sách “Quán Thánh” có nội dung và hình thức đều đặt mục tiêu lan tỏa đến nhiều người nhất có thể, thậm chí nhóm cũng tính đến việc sớm phát hành sách điện tử. Trong tương lai, tôi dự kiến viết sách nghiên cứu theo hướng truyền tải tương tự, đào sâu hơn về ba ngôi đền còn lại trong Thăng Long tứ trấn là đền Voi Phục (Ba Đình), đền Kim Liên (Đống Đa), đền Bạch Mã (Hoàn Kiếm) đồng thời dịch ra tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Nhật. 

PV: Xin chân thành cảm ơn anh!