Giải pháp cứu nguy mùa mưa lũ

Trong thời gian tới, giới chức Trung Quốc sẽ mở rộng kế hoạch xây dựng các “thành phố bọt biển”, giải pháp được áp dụng từ những năm 2014 có thể giúp ngăn chặn lũ lụt, thúc đẩy đa dạng sinh học và cắt giảm lượng khí thải.

Vũ Hán được xây dựng theo mô hình thành phố bọt biển. Ảnh: GETTY IMAGES
Vũ Hán được xây dựng theo mô hình thành phố bọt biển. Ảnh: GETTY IMAGES

Theo Xinhua, Dự án “Thành phố bọt biển” sử dụng hai yếu tố chính là thấm nước bề mặt và hạ tầng xanh, đồng thời nhấn mạnh vai trò của tự nhiên để đáp ứng yêu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu những thiệt hại do mưa lũ gây ra. Giải pháp này bao gồm sáu biện pháp kỹ thuật: Thấm, giữ, trữ, thanh lọc, sử dụng và xả thải, được kỳ vọng giúp các thành phố giải quyết tình trạng ngập úng đô thị, cải thiện khả năng lưu trữ và xả nước, nâng cao chất lượng nước và giảm bớt hiệu ứng đảo nhiệt thông qua sự kết hợp của tự nhiên và các công trình chống ngập truyền thống. Điều này giúp các thành phố tại Trung Quốc nói riêng thích ứng an toàn với lũ lụt, hấp thụ khí CO2 và mở rộng không gian xanh.

Tại thành phố Vũ Hán, thành phố bọt biển được xây dựng dựa trên các giải pháp như vườn mưa, mái nhà xanh, thảm cỏ, mặt đường thấm, gạch thấm nước, mặt đường bê-tông thấm, rãnh thấm và module lưu trữ nước mưa. Một phân tích chi phí của Đại học Leeds (Anh) cho thấy, Vũ Hán đã tiết kiệm được khoảng 600 triệu USD so cách tiếp cận thông thường để nâng cấp hệ thống thoát nước. Điều này cho thấy tiềm năng to lớn của các giải pháp dựa vào thiên nhiên.

Cho đến nay, Chương trình thành phố bọt biển Vũ Hán đã đạt được thành công và cho thấy tín hiệu tích cực trong việc kiểm soát lũ lụt và chống úng. Năm 2020, Vũ Hán đã trải qua nhiều đợt mưa dữ dội nhưng không có lũ lụt nghiêm trọng và ngập úng xảy ra. So đợt bão lũ năm 2016, số lượng và quy mô các điểm úng đã giảm đáng kể. Tác động của ngập úng đối với giao thông và công cộng đã được giảm bớt.