Kế hoạch môi trường gây tranh cãi

Chính phủ Đức vừa công bố bản “Kế hoạch bảo vệ khí hậu năm điểm”, trong đó dự kiến đầu tư bốn tỷ euro (khoảng 4,4 tỷ USD) cho các dự án bảo vệ khí hậu và môi trường. Tuy nhiên, kế hoạch đang gây ra tranh luận giữa các tổ chức môi trường, ngành nông nghiệp và công ty cầu đường của nước này.

Kế hoạch năm điểm kêu gọi bảo vệ diện tích đất ngập nước ở Đức. Ảnh: DER SPIEGEL
Kế hoạch năm điểm kêu gọi bảo vệ diện tích đất ngập nước ở Đức. Ảnh: DER SPIEGEL

DW dẫn lời Bộ trưởng Môi trường Đức Steffi Lemke ngày 29/3 cho biết, kế hoạch đầu tư khoản ngân sách khổng lồ bốn tỷ euro cho các dự án bảo tồn thiên nhiên và chống biến đổi khí hậu (BĐKH). “Dự án xanh” hay “Kế hoạch bảo vệ khí hậu năm điểm”, bao gồm bảo vệ vùng đất ngập nước, môi trường biển, rừng, các khu vực hoang dã và môi trường đô thị. 

Theo đó, Chính phủ Đức sẽ tăng nguồn lực bảo tồn những vùng đất ngập nước còn nguyên vẹn, đồng thời phục hồi những vùng đã bị khô hóa bằng cách tăng mực nước ngầm. “Các sông, hồ, ao và vùng đồng bằng ngập nước mang lại nguồn đa dạng sinh học vô cùng lớn và cần được bảo vệ”, bà Lemke cho biết. Môi trường biển, vốn là nguồn sinh kế và là một phần thiết yếu của hệ thống khí hậu, cũng sẽ được bảo vệ và sử dụng theo cách bền vững hơn. 

Đức cũng nâng mức bảo vệ và mở rộng các khu vực hoang dã và hệ sinh thái rừng. Cơ quan quản lý môi trường Đức dự kiến sẽ dừng khai thác các rừng sồi thuộc sở hữu của chính phủ liên bang nhằm bảo vệ các “bể chứa carbon” này. Điểm thứ năm trong bản kế hoạch là yêu cầu bảo vệ môi trường đô thị. Chính phủ dự kiến ​​sẽ trồng 150.000 cây xanh tại các thành phố trên khắp nước Đức. Chính quyền các thành phố sẽ triển khai “bảo vệ đặc biệt” đối với những công viên nội đô để giữ bóng râm và không khí mát mẻ hơn.

Người đứng đầu ngành môi trường Đức cho biết, nhiều biện pháp được nêu ra trong bản “Kế hoạch bảo vệ khí hậu năm điểm” đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các địa phương của Đức. Chính phủ đã bắt đầu thảo luận và đàm phán liên quan dự án xanh hóa này. Đây được xem là bước đi bổ sung cho các nỗ lực mà giới chức nước này đang được tiến hành nhằm hướng tới xóa bỏ nhiên liệu hóa thạch ở Đức và giảm lượng khí thải carbon. Dự án cũng đặt mục tiêu tăng cường đa dạng sinh học hiện có và giảm tác động của BĐKH ở quốc gia trung Âu này.

Trong những năm qua, tình trạng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên càng khiến nỗ lực giải quyết vấn đề BĐKH trở nên cấp thiết hơn. Vì vậy, các tổ chức môi trường đã bày tỏ hoan nghênh thông báo này và kỳ vọng sẽ tăng nguồn lực cho các chương trình nghị sự khí hậu. Trước đó, vào tháng 11/2021, Chính phủ Đức đã thống nhất chi tới 60 tỷ euro cho các khoản đầu tư trong tương lai nhằm kích thích kinh tế phát triển sau đại dịch Covid-19. Trong đó, một phần sẽ được chi để chuyển đổi nền kinh tế xanh không phát thải carbon. Liên minh cầm quyền của Thủ tướng Olaf Scholz cũng kỳ vọng “ghi điểm” thông qua các quỹ đầu tư công cho các biện pháp bảo vệ khí hậu như phát triển hạ tầng gồm điểm sạc, tiện ích cho xe điện, xanh hóa nền kinh tế… 

Dù vậy, các đảng đối lập phàn nàn rằng kế hoạch còn nhiều thiếu sót, nhất là khi chính quyền đã không cân nhắc đến những nhóm nhỏ chịu thiệt hại khi đưa ra khái niệm tổng thể về bảo vệ khí hậu và thích ứng với BĐKH, mà không xét đến các lĩnh vực truyền thống. Chủ tịch Hiệp hội Nông dân Đức, ông Joachim Rukwied cho rằng, chính phủ nên xây dựng kế hoạch để có thể tiếp tục sử dụng nguồn tài nguyên đất đai một cách hiệu quả và tạo ra nguồn thu nhập cho một bộ phận lớn nông dân nước này. Hiện, có tới 92% diện tích đất ngập nước của Đức đang sử dụng cho các mục đích nông nghiệp. Một khi triển khai kế hoạch năm điểm, giới chức có thể thu hồi phần lớn diện tích này, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trồng trọt. 

Ngoài ra, các công ty xây dựng và cầu đường cũng tỏ ra không hài lòng với kế hoạch trên. Dự án xa lộ ven biển A20 được lên kế hoạch trên một vùng rộng lớn của các địa phương Brandenburg, Mecklenburg, Schleswig-Holstein và Lower Saxony, dự kiến ​​sẽ chạy trực tiếp qua các vùng đất ngập nước. Hiện, Bộ Môi trường Đức chưa kết luận rõ ràng liệu các kế hoạch xây dựng tuyến đường này có bị ảnh hưởng hay không. Vì vậy, việc hài hòa giữa những hoạt động truyền thống với mục tiêu bảo vệ môi trường đặt ra một thách thức lớn cho giới chức không chỉ riêng ở Đức.