1/Gần đây, cây thị ăn thề 700 tuổi ở Hà Tĩnh được VACNE (Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam) công nhận là Cây di sản, nhiều người rất vui mừng. Tôi không rõ người ta xác định tuổi cây cụ thể thế nào, nhưng cứ thêm một đại danh mộc trên thế giới được công nhận Cây di sản, đồng nghĩa với việc cây sẽ được bảo vệ, chăm sóc và cơ hội trường tồn cùng thời gian của cây sẽ cao hơn.
Tín ngưỡng của người Việt nói chung rất mạnh mẽ. Mặc dù không quan niệm vạn vật tính linh như một số tộc người thiểu số, nhưng đồng bào ta cũng rất chú trọng việc thờ cúng. Đình, đền, miếu, quán… vì thế mà đâu đâu cũng có. Hệ thống các vị thần, gồm nhân thần và nhiên thần cũng rất nhiều. Nhiên thần thì có thần mặt trời, thần nước, thần đất... và dĩ nhiên có thần cây.
Hầu hết cổ mộc được biết đều gắn với những câu chuyện thánh thần ly kỳ huyền bí. Thần cây đa luôn được người làng cung kính, dù cây đa thì làng nào, xóm nào cũng có. Theo PGS Nguyễn Duy Hinh trong bài viết “Thần làng và thành hoàng”: cây “được phong thành hoàng thì có Linh Mộc ở xã La Chàng, tỉnh Hưng Yên”. Tuy không phong thành hoàng cho cây, nhưng việc thờ mộc thần cũng khá nhiều, như Mộc thần ở làng Bối Khê, Thanh Oai, Hà Nội hay Mộc thần ở làng Đào Xá, Ứng Hòa, Hà Nội và nhiều mộc thần khác trên cả nước.
2/Lại nói đến cây di sản được VACNE công nhận. Làng Tiến Ân, xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội, một ngôi làng bên dòng hợp lưu của sông Bùi, sông Tích hiện đang chăm sóc, bảo vệ một “cụ thị” có tuổi đời xấp xỉ nghìn năm. Năm 2014, “cụ thị” được VACNE công nhận là Cây di sản. Đây cũng là cổ mộc đầu tiên ở huyện Chương Mỹ đón nhận danh hiệu này.
Cây thị cổ kính là niềm tự hào của người dân làng Tiến Ân, theo lời họ, thì đây là cây thị có một không hai, quả ngọt và thơm nức tiếng. Là cây cổ thụ nổi tiếng, báo chí về viết bài ca ngợi từ khi cây được công nhận di sản, nhưng thật lạ lùng, dù sống cách “cụ thị” chừng 3 km, mà suốt 30 năm trời, tôi không hề biết mình đang sống rất gần một kỳ quan thiên nhiên, một chứng nhân của ít nhất một nghìn năm lịch sử. Là vì trước đó, tôi chưa hề được nghe ai nhắc đến cây thị cổ kính này. Thậm chí cây được công nhận Cây di sản... tám năm sau tôi mới biết.
Khi biết “cụ thị” làng Tiến Ân được công nhận Cây di sản, tôi mới tìm gặp một người bạn cũ chuyên nghề cây cảnh, cây đô thị, thì được biết, hiện anh đang sưu tầm và chăm sóc khoảng 60 cây thị, được mua gom trên khắp mọi miền đất nước, đều là những cổ mộc hàng trăm năm tuổi, và được chủ cây bán với giá khoảng 50 đến 100 triệu đồng một cây. Bạn tôi nói, anh yêu quý cây thị, và đặt tên cho thị là “cổ mộc nông thôn”. Từ câu chuyện trên hành trình đi mua cổ mộc của anh, thì mới hay, không chỉ cây thị, mà các loài cây khác có tuổi đời một hai trăm năm trở lên cũng rất nhiều. Chúng thuộc sở hữu cá nhân các gia đình, hoặc là cây mọc tự nhiên. Và vấn đề là, hễ khi được hỏi mua, thì hầu hết chủ cây đều sẵn sàng bán. Nhiều cổ mộc đang xanh tốt, yên ổn thì bị bứng gốc và được các nghệ nhân nhà vườn chăm sóc, tỉa tót, rồi bán cho các đại gia, các công trình công cộng. Thân phận của cây đã bị thay đổi. Thậm chí, không ít cổ mộc bị bứng đi đã chết ngay sau đó.
3/Đã có câu chuyện, trước đây, khi triển khai xây dựng các công trình lớn, người ta vô tình khai quật những di tích, di sản có giá trị văn hóa từ hàng nghìn năm lịch sử. Đó là những cổ vật giá trị văn hóa vô giá của dân tộc và nhân loại. Nhưng vì chưa hoặc không được công nhận là di sản, di tích, nên hiện tượng “chảy máu di sản, di tích” rất phổ biến. Chúng ta từng mất hàng nghìn cổ vật văn hóa do không biết cách bảo vệ, do lòng tham và sự thiếu hiểu biết của những người cất giữ hoặc phát hiện cổ vật.
Vậy thì, cổ mộc hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm tuổi, cũng như di tích, không phải vô hạn và cũng không phải bỗng nhiên có được. Nên chăng, không chỉ trông chờ vào việc những cá nhân hay địa phương có cổ mộc trăm năm làm đơn trình lên VACNE để được công nhận Cây di sản, mà cần có sự đồng lòng chung tay của các tổ chức, cá nhân, hễ cứ phát hiện, nghe nói về cổ mộc, thì nên đến thăm, thậm chí chủ động tìm tòi và chủ động làm hồ sơ cho cây. Khi được công nhận Cây di sản, cây sẽ thêm được quan tâm, được bảo vệ, tránh việc bị một số người hám lợi mà sẵn sàng bán cây.
Chế tài xử phạt đối với những trường hợp cố tình phá hoại di sản, di tích nói chung, Cây di sản nói riêng cần mạnh và quyết liệt.
Hơn nữa, từ chuyện sống gần “cụ thị ngàn tuổi” những 30 năm mà không hề nghe nói về cây của tôi, tôi nghĩ, nên chăng các nhà trường trên địa bàn sở hữu Cây di sản cần có các chương trình giới thiệu về Cây di sản cho học sinh, đưa các em đến chiêm ngưỡng và nghe chuyện về cây, khơi gợi lòng yêu mến, trân trọng của các em với cây cối nói chung, Cây di sản nói riêng và trên nữa là khơi gợi tình yêu, ý thức bảo vệ thiên nhiên và môi trường.