PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo Hội thảo khoa học Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng:
Lệch chuẩn tiếng Việt trên truyền thông sẽ tác động tiêu cực tới công chúng
Ông cha ta vốn rất coi trọng lời ăn tiếng nói, ngay trong tứ đức của người phụ nữ yêu cầu phải có “ngôn hạnh”. Rất nhiều câu ca dao tục ngữ đề cao vai trò sử dụng ngôn ngữ như “Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”... Đề cương Văn hóa Việt Nam (1943) của Đảng nhấn mạnh phải coi trọng “tranh đấu về tiếng nói, chữ viết”, bao gồm “thống nhất và làm giàu thêm tiếng nói; ấn định mẹo văn ta; cải cách chữ quốc ngữ”, v.v.
Năm mươi năm trước, giữa lúc chính quyền của Tổng thống Johnson tăng cường leo thang chiến tranh phá hoại ra miền bắc nước ta, từ 7 đến 10-2-1966, Hội nghị toàn quốc về giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, ngôn ngữ, nhà báo, nhà văn. Thủ tướng Phạm Văn Đồng chủ trì hội nghị và có bài phát biểu về tiếng Việt và xác định nhiệm vụ giữ gìn, phát triển tiếng Việt. Mười ba năm sau, chỉ bảy tháng sau khi chúng ta vừa ra khỏi khói lửa của hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía bắc của Tổ quốc, ngày 29-10-1979, Hội nghị toàn quốc lần thứ hai về giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt lại được tổ chức tại thủ đô Hà Nội dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Tôi còn nhớ câu chuyện vào thời kỳ Mỹ ném bom đánh phá Hà Nội, khi có kẻng báo động, máy bay gầm thét trên đầu nhưng có nhà văn đã không chịu xuống hầm chỉ vì người ta viết sai “Hầm trú ẩn” thành “Hầm chú ẩn”. Nói vậy để thấy rằng, với tiếng Việt từ lời ăn tiếng nói đến chữ viết, ông cha đặt ra những tiêu chuẩn rất cao. Nhưng trong thời kinh tế thị trường, đặc biệt là mở cửa hội nhập thì lời ăn tiếng nói của ông cha cũng bị mai một, bị lệch chuẩn.
Trong đó, các cơ quan báo chí, bên cạnh công truyền bá, sáng tạo phát triển của tiếng Việt thì có những khuyết điểm như nhiều khi vẫn chạy theo sự thiếu chọn lọc trong ngôn ngữ của xã hội. Trên báo chí đầy rẫy lỗi lệch chuẩn tiếng Việt. Sự lệch chuẩn tiếng Việt trên truyền thông đã đến mức báo động. Cho nên việc tổ chức cuộc hội thảo: “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng” là việc làm rất cần thiết. Cuộc hội thảo nhân dịp kỷ niệm 50 năm Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát động phong trào “Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt” (1966-2016).
Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là công việc lâu dài, phải kiên trì, làm từng bước với tất cả ý thức trách nhiệm của mỗi người chúng ta, với lòng tự hào về tiếng nói của dân tộc. Các cơ quan báo chí và các nhà báo phải coi trọng việc sử dụng tiếng Việt, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các loại hình, phương tiện truyền thông của cơ quan báo chí mình. Mỗi cơ quan báo chí nên có một bộ phận thường xuyên chăm lo trau dồi ngôn ngữ, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các ấn phẩm, chương trình, kênh sóng, trang báo của mình. Tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, trao đổi, sinh hoạt nghiệp vụ về vấn đề này.
Ngày 5-11-2016, Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thông qua hội thảo này, chúng tôi mong muốn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và các cơ quan liên quan cần chăm lo công tác chỉ đạo, quản lý, tư vấn việc sử dụng tiếng Việt, việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng; hoàn thiện luật pháp, chính sách về ngôn ngữ, về tiếng Việt, tiến tới xây dựng bộ luật tiếng Việt; khen thưởng những tập thể, cá nhân có nỗ lực và thành tích trong công tác này chấn chỉnh, xử phạt nghiêm minh các hành vi sai trái, lệch lạc.
![]() |
Hội thảo khoa học Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng ngày 5-11-2016. Ảnh: TL
PGS, TS Nguyễn Văn Khang (Viện Ngôn ngữ học):
Truyền thông phải định hướng về sử dụng ngôn ngữ
Cũng như các ngôn ngữ khác, tiếng Việt của chúng ta đang chịu sự tác động mạnh mẽ của tiếng Anh từ trong cấu trúc-hệ thống đến chức năng giao tiếp. Trước thực trạng này, tiếng Việt không thể chọn một giải pháp cực đoan: không thể “be bờ”, “đóng cửa” nhưng cũng không thể để cho “vỡ đê” hay “mở toang cánh cửa”. Hơn lúc nào hết, chúng ta lại càng thấm thía lời Bác dạy, khi ứng xử với từ ngữ nước ngoài phải chống hai khuynh hướng cực đoan hoặc “hẹp hòi” hoặc “lạm dụng”. Một cách thẳng thắn mà nói rằng, truyền thông đang lạm dụng các yếu tố tiếng Anh đến mức tha hóa. Cần một giải pháp phù hợp đối với hiện tượng này để tiếng Việt vẫn phát triển mà vẫn giữ được bản sắc “tiếng Việt là tiếng Việt”. Chính sách ngôn ngữ thái quá trong việc nâng cao vị thế của tiếng Anh làm suy yếu ngôn ngữ quốc gia (theo kiểu “phát triển nóng”) mà một số nước đang phải điều chỉnh lại là bài học tốt cho chúng ta tham khảo.
Truyền thông có vai trò định hướng thông tin, trong đó có cả sự định hướng về sử dụng ngôn ngữ. Nói cách khác, phải coi việc định hướng sử dụng ngôn ngữ là một nhiệm vụ hàng đầu của phương tiện truyền thông, vì thế, truyền thông cần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong sử dụng để lan tỏa ra toàn xã hội. Và muốn chuẩn hóa tiếng Việt trên các phương tiện truyền thông thì chuẩn hóa tiếng Việt nói chung phải đi trước một bước. Bởi một nội dung của tiếng Việt được chuẩn hóa sẽ được các phương tiện truyền thông tuân thủ, sử dụng thống nhất, định hướng cho toàn xã hội theo đó sử dụng.
Vấn đề chuẩn hóa tiếng Việt, như lời của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, hiện tượng ngôn ngữ nào có thể chuẩn hóa được thì nên tiến hành chuẩn hóa. Trong sự chuẩn hóa đó, cần có sự can thiệp của Nhà nước hay mang tính Nhà nước. Điều này phù hợp với lý thuyết về chính sách ngôn ngữ: chuẩn hóa ngôn ngữ là công việc của mọi người dân ở mọi lúc mọi nơi, nhưng đóng vai trò quyết định là Nhà nước vì “Nhà nước vừa có quyền vừa có kinh phí”.
Cẩn trọng trong quy định về chuẩn hóa là điều cần thiết nhưng không nên cẩn trọng đến mức không đưa ra quy định. Bởi chuẩn hóa ngôn ngữ không phải là nhất thành bất biến mà chỉ mang tính giai đoạn với cách nhìn “lỗi của hôm qua trở thành chuẩn hôm nay và lỗi hôm nay sẽ là chuẩn của ngày mai” (Claude Hagirge). Thứ nữa, lý thuyết về chuẩn hóa ngôn ngữ của ngôn ngữ học hiện đại đã thay đổi, chuẩn hóa quy phạm luận (bó buộc vào các tiêu chuẩn cứng nhắc để cho là đúng hay sai) đã lùi về quá khứ và được thay thế bằng chuẩn hóa theo hướng lựa chọn (sự lựa chọn của những sự lựa chọn, trong khi còn có thể có những sự lựa chọn khác).
TS Lê Thị Bích Hồng (Giảng viên cao cấp Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội):
Người viết báo cần ý thức rèn luyện nói đúng, viết đúng, đúng nghĩa, đúng chuẩn
Báo chí với vai trò là người đưa thông tin bằng ngôn từ thì việc sử dụng cần phải cẩn trọng. Vì thế, báo chí cần đi đầu trong chuẩn hóa ngôn ngữ, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Ngôn từ báo chí cần những tiêu chí chuẩn mực (không thể phóng khoáng, bay bổng như văn chương, không thể suồng sã như văn nói). Người viết báo cần ý thức được việc rèn luyện ngôn ngữ, nói đúng, viết đúng, đúng nghĩa, đúng chuẩn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người rất chú trọng việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và làm cho tiếng Việt ngày càng giàu đẹp hơn. Người cho rằng việc dùng đúng từ, đúng lúc, đúng nơi, đúng đối tượng và gọi đúng tên sự vật hiện tượng ngoài thể hiện trình độ, đó còn là vấn đề đạo đức và ý thức tự tôn ngôn ngữ tiếng Việt, tự tôn dân tộc: “Tiếng ta còn thiếu, nên nhiều lúc phải mượn tiếng nước khác, nhất là tiếng Trung Quốc. Nhưng phải có chừng có mực. Tiếng nào ta sẵn có thì dùng tiếng ta”, “Chúng ta không chống mượn tiếng ngoại quốc để làm cho tiếng ta đầy đủ thêm. Nhưng chúng ta phải chống cách mượn không phải lối, mượn đến nỗi bỏ cả tiếng ta, đến nỗi quần chúng không hiểu...”.
Nhà báo Phan Quang:
Cần có cuộc vận động đẩy lùi cách dùng tiếng Việt méo mó
Một khi hiện tượng chưa coi trọng việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt đã trở thành nếp sống “mang tính quần chúng” thì những lời hô hào, khuyên bảo, chê trách, nhặt sạn... trên mặt báo là đáng quý song không mang lại hiệu quả cao.
Cần phải có một cuộc vận động rộng lớn “mang tính quần chúng”, theo quan điểm sử dụng, phát triển tiếng Việt đúng hướng, không phải bằng cấm đoán mà thông qua phản biện, thuyết phục, phân tích có lý có tình, kèm theo một số ràng buộc nghiệp vụ ngay tại cơ sở, tức là tại cơ quan báo chí, thì mới hy vọng sau một thời gian sửa chữa những chỗ chưa hợp lý, đẩy lùi cách dùng tiếng Việt méo mó, phản cảm.
Người có sứ mệnh tổ chức, chủ trì điều hành cuộc vận động có ý nghĩa cao cả ấy, theo thiển nghĩ của chúng tôi, không ai khác một Ban tổ chức bao gồm Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Ngôn ngữ Việt Nam, một số cơ quan thông tin đại chúng hàng đầu của đất nước, cùng những cơ quan Nhà nước trực tiếp liên quan. Cuộc vận động được triển khai với sự đồng tình vào cuộc của cả hệ thống báo chí, truyền thông, bao gồm truyền thông xã hội của chúng ta chắc chắn sẽ thành công.
Điểm cuối nhưng lại gần như một tiền đề: Cuộc vận động ấy dựa trên cơ sở pháp lý nào? Chúng ta có Hiến pháp 2013, có Luật Báo chí 2016, các Bộ luật Dân sự, Hình sự, Luật Sở hữu trí tuệ... cùng không ít luật và văn bản pháp quy, tại đó có nhiều khoản liên quan đến hoạt động báo chí, ngôn ngữ. Tuy nhiên, Luật Chuyên ngành ngôn ngữ thì chưa.
Tôi nghe nói, vấn đề làm Luật Ngôn ngữ được đề xuất đã lâu nhưng chưa thực hiện được do nhiều nguyên nhân, trong đó có thực tế là cơ quan lập pháp quá bận rộn trước nhiều yêu cầu khẩn cấp hơn. Tuy nhiên, người dân vẫn có quyền đặt câu hỏi: Bao giờ một nước có nền văn hóa đa dạng, phong phú như Việt Nam ta có Luật Ngôn ngữ?
Nhà báo Hồ Quang Lợi (Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam):
Nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò to lớn của tiếng Việt trên báo chí
Theo tôi, trước hết, trong bối cảnh toàn cầu hóa thông tin, các cơ quan báo chí, mỗi nhà báo cần nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò to lớn của tiếng Việt trên báo chí và các phương tiện truyền thông nói chung. Cần coi việc học tập, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng tiếng Việt trên báo chí là một tiêu chí phấn đấu về nghề nghiệp, là bổn phận và nghĩa vụ công dân, là trách nhiệm xã hội của người làm báo. Các cơ quan báo chí cần có cơ chế và chính sách cụ thể và đủ mạnh đối với phóng viên, biên tập viên trong việc dùng tiếng Việt trên báo chí, nhằm khuyến khích người có sáng tạo và nhắc nhở, xử phạt đối với người coi nhẹ, người vi phạm hoặc người làm hỏng tiếng Việt, gây hậu quả xấu cho báo chí. Nâng cao hơn nữa vai trò của các cấp Hội Nhà báo Việt Nam trong việc góp phần giữ gìn sự trong sáng và bản sắc tiếng Việt trên các phương tiện truyền thông đại chúng; coi việc bồi dưỡng nghiệp vụ nhận thức và kỹ năng sử dụng tiếng Việt cho hội viên - phóng viên, biên tập viên, là một chỉ tiêu bắt buộc và thường xuyên hằng năm.
Ở cấp độ quốc gia, cần có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Hội Nhà báo Việt Nam với Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và các cơ sở nghiên cứu, đào tạo về ngôn ngữ và báo chí, với các cơ quan báo chí hàng đầu, có sức ảnh hưởng lớn về tiếng Việt trong công chúng. Từ sự phối hợp này, sẽ nghiên cứu, đề xuất để Nhà nước ban hành những chuẩn mực tiếng Việt trên báo chí (Thí dụ: chuẩn mực viết tắt, chuẩn mực phiên âm tiếng nước ngoài, chuẩn mực phiên âm tiếng dân tộc thiểu số, v.v...).
TS Nguyễn Thị Mai Hoa (Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội):
Cần ban hành luật về tiếng Việt
Trước mắt, cần xây dựng đầy đủ, kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật triển khai Luật Báo chí 2016 để Luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, trong đó cần đề cập tới trách nhiệm của người làm báo đối với việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về vấn đề “ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt”, quy định tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức và chữ quốc ngữ truyền thống là chữ viết chính thức của quốc gia; đồng thời tạo hành lang pháp lý cần thiết cho việc giữ gìn, bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt, Quốc hội cần ban hành một văn bản quy phạm pháp luật về ngôn ngữ và chữ viết, có thể dưới hình thức pháp lệnh hoặc luật (Thí dụ: luật về tiếng Việt, luật ngôn ngữ, luật chính tả...).
Để thực hiện đầy đủ chức năng quản lý Nhà nước, Chính phủ cần giao cho một cơ quan cấp bộ phụ trách về vấn đề ngôn ngữ và chữ viết; vừa làm nhiệm vụ nghiên cứu, vừa có chức năng trọng tài, tư vấn để giúp Chính phủ giải quyết các vấn đề liên quan đến chính sách ngôn ngữ của đất nước. Cần tăng cường lực lượng thanh tra chuyên ngành báo chí, nâng cao năng lực của cơ quan quản lý chuyên ngành báo chí ở Trung ương và địa phương, đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại và điều kiện làm việc bảo đảm thực thi công tác quản lý nhà nước đạt hiệu quả. Nghiên cứu và ban hành những quy định có tính chế tài trong xử phạt vi phạm các chuẩn mực của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Kiên quyết loại bỏ những chương trình phát sóng trên truyền hình không bảo đảm chất lượng, vi phạm chuẩn mực ngôn ngữ và trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc.