Bài học từ Vũng Áng

Làm thế nào để bảo đảm tính hiệu quả của quản lý Nhà nước trong bảo vệ môi trường ở những khu kinh tế (KKT)? Điều đó chỉ có được khi chúng ta có hệ thống pháp lý đủ mạnh, và có sự phân cấp, phân nhiệm đúng đắn từ trung ương đến địa phương. Đó là một trong số các bài học rút ra từ vụ gây ô nhiễm môi trường biển ở bốn tỉnh miền trung do Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (gọi tắt là Formosa) gây ra.

Bốc toàn bộ 300 m3 tấn bùn thải công nghiệp có lẫn chất nguy hại chôn lấp trái phép ở Kỳ Trinh (TX Kỳ Anh) về nhà máy xử lý theo quy định.
Bốc toàn bộ 300 m3 tấn bùn thải công nghiệp có lẫn chất nguy hại chôn lấp trái phép ở Kỳ Trinh (TX Kỳ Anh) về nhà máy xử lý theo quy định.

Bài học về buông lỏng quản lý

Sự vụ Formosa xảy ra đã làm phát lộ những lỗ hổng trong quản lý Nhà nước về môi trường đối với các KKT mà ở đây KKT Vũng Áng là thí dụ. Đối với những dự án lớn, trọng điểm, việc đánh giá tác động môi trường thuộc vào trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thẩm định và phê duyệt. Kênh quản lý Nhà nước ở chính quyền sở tại ở vào tình trạng có như không. Bởi theo Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh Võ Tá Đinh quả quyết, sở chưa thể vào cuộc nếu như chưa xảy ra vấn đề liên quan. Còn Ban quản lý KKT Vũng Áng thì dẫn ra lý do, nguồn lực và trang thiết bị hạn chế nên rất khó giám sát hay quản lý môi trường ở các dự án trọng điểm. Cần nhắc lại, trước khi xảy ra sự cố môi trường, tại KKT trọng điểm này không có lấy một trạm quan trắc của các cơ quan quản lý để giám sát nước, khí thải; chưa quy hoạch và chưa có nhà máy xử lý rác thải công nghiệp nguy hại...

Đó là lý do vì sao Formosa có thể qua mặt các cơ quan quản lý trong việc thuê các đơn vị không đủ chức năng và điều kiện quy định lén lút đổ rác thải xây dựng, rác thải công nghiệp thông thường lẫn thải nguy hại ra bên ngoài trong suốt thời gian dài. Điển hình gần nhất là vụ Công ty môi trường Kỳ Anh đã lén lút chôn lấp 300m3 bùn thải công nghiệp thông thường lẫn nguy hại của Formosa ở phường Kỳ Trinh (thị xã Kỳ Anh) gây bất bình trong dư luận...

Không chỉ thay đổi công nghệ luyện cốc - một trong tác nhân chính gây ra sự cố môi trường biển vừa qua; Formosa cũng chưa thiết kế, xây dựng các hồ chứa nước thải đã qua xử lý, bể sự cố nước thải… đủ lớn để bảo đảm an toàn từ 7 đến 10 ngày trong trường hợp xảy ra sự cố về điện, về kỹ thuật lọc xả thải. Mặc dù chuẩn bị chính thức đi vào hoạt động nhưng các ống khói của các nhà máy nhiệt điện, lò cao… lẫn hệ thống xử lý nước thải của Formosa đều không kết nối với hệ thống giám sát của các ngành chức năng. Các hoạt động của nhà máy, chất thải xả ra hằng ngày chưa được báo cáo cập nhật cho Ban quản lý KKT Vũng Áng và tỉnh Hà Tĩnh.

Tăng cường phối hợp Trung ương và địa phương

Hiện nay, để khắc phục những lỗ hổng trong quản lý môi trường tại dự án trên, Bộ TN&MT và tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp thành lập tổ công tác giám sát việc khắc phục sự cố và các cam kết của Formosa. Tổ sẽ thực hiện giám sát môi trường tại đây trong suốt thời gian ba năm.

Bộ cũng đưa hai trạm quan trắc môi trường di động hiện đại vào Vũng Áng để thực hiện việc giám sát nước và khí thải; cũng như chỉ đạo việc triển khai lắp đặt trạm quan trắc tự động, độc lập tại KKT Vũng Áng (nằm ngoài hàng rào Formosa). Bên cạnh đó, Bộ đang nghiên cứu phương án, thuê đơn vị độc lập vận hành hệ thống xả thải bảo đảm tiêu chuẩn quốc tế, nhằm công khai, minh bạch việc xử lý xả thải ra môi trường của KKT Vũng Áng.

Về phía tỉnh Hà Tĩnh, cũng đã trích ngân sách nhằm sớm lắp thiết bị quan trắc nước thải của Formosa với sáu thông số cơ bản giám sát 24/24 giờ để gửi về Sở TN&MT. Hà Tĩnh còn yêu cầu Formosa lắp đặt thêm các thiết bị để có thể giám sát bổ sung thêm tám thông số nữa. Trong đó có những thành phần có độc tố cao, ảnh hưởng đến sức khỏe con người như Xuynia, Phênôn, chì, sunfua. Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành việc lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải ở 09/09 ống khói theo báo cáo đánh giá tác động môi trường được duyệt… Tỉnh đã thành lập tổ kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và thực hiện các cam kết của Formosa; chỉ đạo các nhà máy có lượng xả thải lớn, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao phải tiến hành lắp đặt hệ thống quan trắc tự động về sở TN&MT để theo dõi và giám sát theo đúng quy định… “Hà Tĩnh đã yêu cầu Formosa phải khẩn trương chuyển đổi công nghệ luyện than cốc từ ướt sang khô và hoàn thiện toàn bộ hệ thống quan trắc và giám sát 24/24 giờ theo đúng quy định; đồng thời kiến nghị Bộ TN&MT thuê chuyên gia độc lập giám sát tại một số hạng mục tại dự án Formosa có lượng xả thải lớn, nguy cơ ô nhiễm với yêu cầu kỹ thuật, công nghệ cao” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn cho biết.

Từ những chuyển động nói trên của bộ máy quản lý Nhà nước có thể thấy, muốn quản lý hiệu quả vấn đề môi trường ở các KKT trọng điểm cần có một cơ chế phối hợp Trung ương, địa phương, sự phối hợp trong ngành dọc. Điều đó phải được thiết chế hóa để làm rõ trách nhiệm Bộ, ngành T.Ư và các sở, ngành địa phương. Ở góc độ hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan đến bảo vệ môi trường, Bộ TN&MT cần sớm đưa ra các bộ chỉ số giám sát về môi trường theo hướng chặt chẽ hơn và sát với quy định, tiêu chuẩn quốc tế hơn.

Với những địa phương có các KKT trọng điểm khác, Bộ TN&MT cũng cần hỗ trợ địa phương về trang thiết bị giám sát, kiểm tra môi trường hiện đại. Và các địa phương mà ở đây cụ thể là Hà Tĩnh, cần sớm tăng cường nguồn lực và biên chế cho lực lượng kiểm soát môi trường nâng cao năng lực chuyên môn của Ban Quản lý KKT, Sở TN&MT và các đơn vị có liên quan…

Quản lý Nhà nước là một hệ thống, và chỉ khi nó vận hành thông suốt, nhịp nhàng thì những vụ việc như Formosa mới có thể được hạn chế, ngăn chặn một cách có hiệu quả!