Đặc biệt, thời gian mâu thuẫn kéo dài khiến mâu thuẫn đã trở thành xung đột. Mới đây nhất, những băng-rôn, biểu ngữ yêu cầu trả lương, đóng bảo hiểm, yêu cầu thoái vốn... đã được bất ngờ đưa ra trong khán phòng kỷ niệm 60 năm Hãng phim truyện Việt Nam, được tổ chức tại Trung tâm chiếu phim quốc gia.
Những sai phạm trong điều hành hoạt động tại hãng phim đã được điều tra và đi đến quyết định yêu cầu doanh nghiệp đang nắm giữ hãng phim thoái vốn. Nhưng cho đến nay, quy trình thoái vốn đã diễn ra chậm trễ, quá hạn định, và chưa có mốc thời gian cụ thể cho việc kết thúc. Những nhùng nhằng, không dứt khoát trong công tác quản lý hành chính đã gây ảnh hưởng xấu, trực tiếp lên đời sống của những người hoạt động điện ảnh tại đây.
Để sang một bên cái tình, đó là trách nhiệm cần lưu giữ và phát triển hãng phim truyện có nhiều công lao đóng góp của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam, thì cái lý cần phải sớm được thực thi để bảo đảm tính thượng tôn pháp luật.
Cần nhanh chóng có những định hướng cụ thể tiếp theo cho hoạt động của một hãng phim nhà nước khi chuyển sang kinh tế thị trường. Từ bài học của hãng phim, người nghệ sĩ đang hoạt động trong các đơn vị công lập, nhận được bao cấp kinh tế từ Nhà nước, cần suy ngẫm về sự tự chủ, tự chủ trong nghệ thuật và tự chủ trong tiềm lực kinh tế để tránh rơi vào những tình huống bị động như trên. Khó khăn chồng chất, đối diện hay né tránh, hành động hay thụ động... một lần nữa, nhiều nghệ sĩ nói chung, nghệ sĩ điện ảnh nói riêng phải đối diện và chủ động có cách giải quyết phù hợp hiện thực và quy luật thời cuộc.