Xử nghiêm hành vi tăng giá bất hợp lý sau bão

Lạm phát đã giảm tốc, giá cả thị trường vừa qua ổn định, tuy nhiên, yếu tố bất định về bão, lũ và những ảnh hưởng từ đây cần lưu ý trong thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00
Các mặt hàng thiết yếu được bình ổn giá. Ảnh: NAM ANH
Các mặt hàng thiết yếu được bình ổn giá. Ảnh: NAM ANH

Theo Tổng cục Thống kê, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 8 tăng giảm đan xen, trong đó giá lương thực, thực phẩm, giá nhà ở thuê tăng so với tháng 7, giá xăng dầu trong nước giảm theo giá thế giới. Tính chung trong tháng 8, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ổn định so với tháng trước, so với tháng 12/2023 tăng 1,89% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,45%.

Áp lực lạm phát sau bão

Tại chợ Thành Công (quận Ba Đình, Hà Nội)), chị Nguyễn Thị Sinh, tiểu thương bán rau cho biết, rau hỏng hết nên bị khan hiếm, kể cả chợ đầu mối cũng không có. Vì vậy, giá rau tăng hơn trước. Cụ thể, rau muống tăng từ 8.000 đồng lên 15.000 đồng/mớ; rau cải từ 7.000 đồng lên 12.000 đồng/mớ.

Tại chợ Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng), giá rau thậm chí còn đắt hơn. Chị Nguyễn Thị Minh, một người dân thường xuyên đi chợ cho biết, bình thường rau muống chỉ mua 15.000 đồng/mớ, cà chua 35.000/kg thì sau bão rau muống tăng lên 20.000 đồng/mớ còn cà chua lên 45.000 đồng/kg. Trong khi đó, chị Phạm Thị Hà, tiểu thương bán rau cho biết, dù hiện tại giá rau hiện tăng hơn rất nhiều so với tuần trước, song sắp tới còn đắt hơn do không có hàng mà bán.

Ngoài tác động tăng giá hàng hóa sau bão, lũ, theo ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), những tháng cuối năm là cao điểm sản xuất và xuất khẩu, doanh nghiệp có nhu cầu nhập nguồn nguyên liệu đầu vào. Tuy vậy, khi các cơ quan chức năng phải hạn chế các phương tiện vận tải để rà soát lại sự an toàn của nhiều cây cầu sẽ dẫn đến đứt gẫy chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp ở các khu công nghiệp ở miền bắc. “Cơn bão này không chỉ ảnh hưởng mỗi Việt Nam mà cả Thailand, Lào và một loạt tỉnh của Trung Quốc. Do vậy sẽ gây thiếu hụt nguồn nguyên liệu dẫn đến tăng chi phí cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Việt nêu rõ.

Trong bối cảnh đó, những áp lực và rủi ro bên ngoài như cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục gay gắt, xung đột quân sự Nga - Ukraine và tại dải Gaza kéo dài, bất ổn leo thang trên Biển Đỏ là những yếu tố tiềm ẩn rủi ro tạo nên cú sốc cho lạm phát của thế giới khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao trong khi tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất, nên biến động của giá hàng hóa trên thế giới sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên.

Đặc biệt, chủ trương tăng lương cơ bản và lương tối thiểu từ ngày 1/7 cũng tạo ra áp lực lạm phát kỳ vọng trong xã hội. Bên cạnh đó, USD tăng giá làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu, gây sức ép lên mặt bằng giá hàng hóa trong nước. “Chúng ta phải cẩn trọng bởi các yếu tố đầu vào có thể tạo ra vòng xoáy, nhất là khi những yếu tố bất định về giá tài sản trong giai đoạn đầu năm như giá vàng, USD hay giá bất động sản một số nơi tại khu vực đô thị lớn đang có xu hướng tăng, cũng tạo ra áp lực lạm phát kỳ vọng trong xã hội”, ông Việt nêu rõ.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến giá

Để kiểm soát lạm phát từ nay đến cuối năm, Tổng cục Thống kê cho rằng, các cơ quan chức năng cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu, nhất là một số mặt hàng có xu hướng tăng giá trong thời điểm mưa bão, bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân vùng bão lụt; thực hiện điều chỉnh giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục... theo mức độ và thời điểm phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế nhằm hạn chế thấp nhất tác động đến lạm phát, sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Đồng thời, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định theo Luật giá và xử lý các hành vi vi phạm.

Cùng với đó, các bộ, ngành và địa phương cần kêu gọi doanh nghiệp tham gia vào các chương trình bình ổn giá, đặc biệt là doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp đầu mối của các chuỗi cung ứng, khuyến khích các siêu thị, trung tâm thương mại thực hiện chương trình giảm giá, khuyến mãi, đồng hành với việc tăng lương để kích cầu người dân. Đối với các mặt hàng thiết yếu của người dân, cần phải cung ứng kịp thời để tránh hiện tượng tăng giá cả hàng hóa. "Việc điều hành giá do Nhà nước quản lý, như với dịch vụ giáo dục, y tế, giá điện sinh hoạt cần hết sức thận trọng trong mức độ và thời điểm điều chỉnh giá để tránh được lạm phát kỳ vọng kéo giá cả hàng hóa khác tăng theo", Tổng cục Thống kê khuyến cáo.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 95 ngày 13/9 về tăng cường công tác cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng của cơn bão số 3. Công điện nêu rõ: Để bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm thiết yếu cho nhân dân cần tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết không để tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý, đặc biệt là thuốc chữa bệnh, sách giáo khoa, các loại đồ dùng học tập, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng, các loại vật tư, sinh phẩm, các loại giống cây trồng, vật nuôi… của học sinh, người dân, doanh nghiệp sau bão.

Thủ tướng cũng yêu cầu bám sát diễn biến thị trường, giá cả, cung cầu của những mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn để chủ động theo thẩm quyền có giải pháp thiết thực, kịp thời, hiệu quả. Bộ trưởng Công thương chỉ đạo các cơ quan chức năng bám sát diễn biến thị trường trong nước, tình hình cung cầu hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, nhu cầu học tập, chữa bệnh, đời sống của nhân dân, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu, bảo đảm ổn định thị trường, cung cầu, lưu thông hàng hóa thông suốt; chỉ đạo các đơn vị liên quan kịp thời xử lý đối với biến động giá cả bất thường và cung cầu những mặt hàng thiết yếu.

Bộ trưởng Tài chính chỉ đạo Tổng cục Dự trữ Nhà nước khẩn trương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát tình hình thực tế, nhu cầu của các địa phương bị thiệt hại bởi cơn bão số 3 để kịp thời trình cấp có thẩm quyền xem xét, xuất cấp lương thực, trang thiết bị, vật tư, hóa chất khử trùng, khử khuẩn từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ các địa phương.

Thủ tướng Chính phủ giao các Phó Thủ tướng: Bùi Thanh Sơn, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc trực tiếp chỉ đạo, tích cực, chủ động việc triển khai, đôn đốc, xử lý vướng mắc bảo đảm kịp thời, hiệu quả trong quá trình thực hiện Công điện.