“Dấu chân carbon” là lượng khí nhà kính (chủ yếu là carbon dioxide) thải ra trong mỗi hoạt động cụ thể của con người. Càng ngày, người tiêu dùng càng có ý thức về việc xóa bỏ những “dấu chân carbon”.
Tủ giao nhận hàng thông minh
Trước đây, một ngày anh Thế Sang phải vòng đi vòng lại tại các tòa nhà, chung cư nhiều lần để giao hàng đến tay khách hàng. Theo đó, lượng khí thải từ chiếc xe máy anh sử dụng cũng tăng lên đáng kể.
Thời gian gần đây, tại một số chung cư đã lắp đặt tủ giao nhận hàng thông minh. Đây là mô hình ngày càng phổ biến thay cho việc giao nhận hàng hóa trực tiếp khi thương mại điện tử bùng nổ mạnh mẽ sau “cú huých” của đại dịch Covid-19. Là một giải pháp ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực bưu chính, trạm giao nhận thông minh đóng vai trò như một “trợ lý trung gian” thay người nhận, nhận hàng và lưu trữ an toàn trong khoảng thời gian đợi lấy hàng. Người dân, khách hàng trên địa bàn có thể nhận, gửi hàng hóa một cách nhanh chóng, thuận tiện, an toàn 24/7 mà không phụ thuộc vào lịch hoạt động của bưu cục hay thời gian giao hàng của bưu tá, người giao hàng.
Trong những năm qua, tốc độ phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam diễn ra nhanh chóng, kéo theo nhiều tác động tiêu cực đến môi trường, trong đó bao gồm cả tăng lượng khí thải carbon trong quá trình vận chuyển, giao nhận hàng hóa. Vì vậy, việc người dân hưởng ứng lựa chọn sử dụng tủ giao nhận thông minh đã góp phần kiểm soát khí thải và giảm được “dấu chân carbon” trong cuộc sống hằng ngày.
Ông Nguyễn Hải Long, Công ty CP Dữ liệu số iHUB đánh giá, ngành giao nhận hàng hóa phát thải carbon, việc tối ưu các ngành này là một trong những cách giảm thiểu lượng phát thải carbon diện rộng. Ngoài các chung cư, tòa nhà lớn, việc đặt tủ thông minh tại nhà người dân sẽ giúp tỷ lệ giao hàng thành công cao hơn, quy trình vận hành, vận chuyển tối ưu hơn và giảm được quãng đường của người giao hàng.
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), trung bình mỗi năm, hoạt động vận tải ở Việt Nam phát thải khoảng 30 triệu tấn CO2; trong đó vận tải đường bộ chiếm tỷ trọng 85% lượng khí phát thải. Lượng phát thải này được dự báo sẽ tăng trung bình 6-7% mỗi năm; đồng thời, lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam đang bị đánh giá cao hơn nhiều so các quốc gia phát triển và đang phát triển trên thế giới (1.090 gam CO2/GDP).
“Hằng ngày mỗi người giao hàng như chúng tôi đi hàng mấy chục lượt, bớt được lượt nào vừa đỡ mất công sức vừa đỡ gây hại cho môi trường chừng ấy. Tôi chỉ mong có nhiều hơn những tủ hàng thông minh này xuất hiện ở Việt Nam”, anh Phạm Thế Sang chia sẻ.
Còn với nhiều người như bà Lê Thị Kim Dung (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội), trước đây cũng chỉ nghĩ đơn giản là có tủ hàng thông minh thì tiện hơn nhiều, lấy hàng lúc nào cũng được. Nhưng khi hiểu rằng, việc thay đổi thói quen nhận hàng đã đóng góp vào giảm phát thải khí nhà kính thì thấy rất vui.
Thúc đẩy tiêu dùng xanh
Là một tín đồ thời trang, Lê Huyền Trang (Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) không thể từ bỏ thói quen mua sắm cho mình vài bộ đồ mới mỗi tháng. Chỉ khi biết rằng, hàng triệu tấn quần áo từ ngành công nghiệp thời trang nhanh thải ra gây áp lực rất lớn môi trường, Trang mới bắt đầu thay đổi thói quen tiêu dùng của mình.
“Mình từng nghĩ đơn giản là quần áo cũ có thể tự phân hủy chứ đâu có biết là lại tạo ra lượng rác thải lớn như vậy. Bây giờ mình quan tâm nhiều hơn đến chất liệu, ưu tiên những sản phẩm có chất liệu hữu cơ, thân thiện với môi trường hơn”, Trang chia sẻ.
Sự thay đổi trong suy nghĩ, thói quen của người tiêu dùng đã và đang đòi hỏi sự thay đổi từ chính các doanh nghiệp. Giảm thiểu - tái sử dụng - tái chế cũng đang dần trở thành xu hướng, góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, mở ra hướng đi mới cho năng lượng xanh và bền vững… Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng, để có thể chuyển mình, bắt nhịp vào quá trình sản xuất xanh nhanh hơn thì lựa chọn và ưu tiên của người tiêu dùng là yếu tố có ý nghĩa rất quan trọng.
Bà Lê Thị Hoài Thương, Trưởng phòng Đối ngoại cấp cao, Nestlé Việt Nam cho rằng, hiện nay người tiêu dùng ngày càng quan tâm nhiều hơn tới xu hướng phát triển bền vững, những yếu tố xanh hóa hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cần nhiều hơn sự công nhận, chào đón, hưởng ứng tích cực. Đây mới chính là sự động viên để doanh nghiệp tiếp tục con đường phát triển bền vững.
Còn theo ông Nguyễn Lương Tú, Phó Tổng thư ký Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, vai trò của người tiêu dùng với doanh nghiệp là vô cùng quan trọng và ảnh hưởng lớn đến quá trình chuyển đổi xanh của cả xã hội. Nếu người tiêu dùng không đồng lòng thì các sản phẩm này dễ chết yểu. “Các sản phẩm như da thuần chay là lá cờ đầu tiên phong trong chuyển đổi xanh hàng tiêu dùng. Nhưng thị trường ảnh hưởng tâm lý mua hàng rẻ, các sản phẩm hóa học được ưu tiên vì dễ, nhanh, giá cạnh tranh. Đó là khó khăn lớn nhất cho các sản phẩm hữu cơ, xanh, giảm carbon đưa vào thị trường”, ông Tú nói.
Mỗi sự lựa chọn, mỗi hành động tiêu dùng xanh của từng cá nhân sẽ góp phần rất lớn giúp giảm phát thải khí carbon. Bởi khi ý thức của người tiêu dùng thay đổi, những sản phẩm xanh sẽ có mặt ngày càng nhiều hơn trong cuộc sống và từ đó “dấu chân carbon” cũng dần được xóa mờ, tương lai xanh sẽ ngày càng hiện rõ.