Chủ động ứng phó áp lực lạm phát

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 0,48% so với tháng trước, tăng 1,89% so với tháng 12/2023 và tăng 4,36% so với cùng kỳ.
 Cần điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt để giữ tỷ giá trong biên độ cho phép. Ảnh: NG.NAM
Cần điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt để giữ tỷ giá trong biên độ cho phép. Ảnh: NG.NAM

Nguyên nhân tăng là do giá xăng, dầu trong nước tăng theo giá thế giới, nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tăng và mức đóng bảo hiểm y tế được điều chỉnh theo mức lương cơ sở mới. Như vậy, bình quân 7 tháng năm 2024, CPI tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước, vẫn nằm trong mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra trong năm này là 4 - 4,5%.

Tăng lương không tác động lớn tới CPI

Để đạt được kết quả này, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát lạm phát như bảo đảm nguồn cung hàng hóa, đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhất là với các mặt hàng thiết yếu là lương thực, thực phẩm. Ngoài ra, việc điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý như dịch vụ y tế, giáo dục hay điện sinh hoạt cũng được Chính phủ điều hành nhịp nhàng để tránh làm gia tăng lạm phát và giúp cho kiểm soát lạm phát.

Đặc biệt, từ ngày 1/7, mức lương cơ sở chính thức được điều chỉnh tăng thêm 30%, từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng; lương hưu cũng điều chỉnh tăng 15%; mức lương tối thiểu (theo tháng và theo giờ) tăng 6% so với năm 2023. Song Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp giảm thiểu việc tác động tăng lương như tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thị trường. Điều này giúp cho minh bạch thị trường, ổn định giá cả. “Thực tế, thị trường đã được kiểm soát chặt chẽ hơn so với thời kỳ trước đây. Công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện rất tốt. Đây là nguyên nhân giúp không có hiện tượng tát nước theo mưa theo lương như trước đây”, bà Oanh đánh giá về một số diễn biến thực tế.

Còn theo TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Kinh tế tài chính, giá một số nhóm hàng hóa dịch vụ y tế, giáo dục, xăng, dầu và điện có xu hướng tăng từ cuối năm 2023 đã và đang tác động đến lạm phát nửa đầu năm nay. Tuy nhiên, tác động của các nhóm này đến lạm phát cùng kỳ sẽ dần bị triệt tiêu vào tháng 8 và tháng 9. Trong bối cảnh đó, trong nước, áp lực về tổng cầu không lớn khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng đầu năm sau khi loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 5,2% (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,6%) cho thấy tổng cầu khá yếu.

Về phía cung, với tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp như thời gian qua, khả năng tác động của cung tiền tăng trưởng cũng sẽ không lớn. Cùng với đó, trong 7 tháng đầu năm, tỷ giá cũng tăng 5% đã đẩy giá hàng hóa nhập khẩu tăng. Tuy vậy, đến nay, tỷ giá USD đã đạt đỉnh trong ngắn hạn và đang theo hướng giảm. Vì vậy, áp lực tỷ giá trong những tháng cuối năm sẽ không cao và có thể kiểm soát được, từ đó sẽ giảm tác động lên lạm phát. Ông Độ dự báo: “Lạm phát trung bình nửa đầu năm là 4%, nửa cuối năm là 3% và cả năm sẽ ở mức 3-3,5%, hoàn toàn đạt được mục tiêu đề ra”.

Chủ động ứng phó áp lực lạm phát ảnh 1

Các mặt hàng thiết yếu duy trì giá ổn định. Ảnh: NGUYỆT ANH

Nhiều yếu tố tác động khó dự báo

TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Thống kê có một cách nhìn nhận thận trọng hơn vì một số yếu tố. Từ bên ngoài, những xung đột địa chính trị làm đứt gãy chuỗi cung ứng và làm chi phí vận tải tăng. Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, nhập khẩu nguyên vật liệu từ bên ngoài nhiều, đã tác động rất mạnh đến giá hàng hóa trong nước. Ngoài ra, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn giữ nguyên lãi suất ở mức cao. Điều này làm cho giá trị USD và ngoại tệ khác vẫn ở mức cao, tạo áp lực lên tỷ giá hối đoái giữa VND và ngoại tệ khác. Việt Nam nhập khẩu khá lớn nguyên vật liệu, do đó khi tỷ giá cao sẽ làm nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài. Về yếu tố bên trong, nhiều nhóm yếu tố tác động lên lạm phát như giá lương thực, xăng, dầu, dịch vụ giáo dục và dịch vụ y tế…

Đồng tình với quan điểm này, ông Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cũng cho rằng, CPI đang có xu hướng tăng đáng kể, vượt mốc 4% mà chỉ tiêu Quốc hội quyết định là 4 - 4,5%. Hơn nữa, nhìn ra thế giới, giá dầu không hy vọng giảm, dẫn đến giá xăng, dầu đầu vào trong nước sẽ tiếp tục cao. Giá điện trong nước cũng không thể không tăng, bởi Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển sang năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, thì giá đầu vào rất cao. Đó là những yếu tố hiện hữu thúc đẩy tăng giá trong năm 2024. Lạm phát sẽ kéo theo một loạt hệ lụy khác của nền kinh tế như lãi suất gửi tiết kiệm của người dân vào ngân hàng thấp hơn CPI, nên người dân phải dùng tiền đó để làm việc khác, đầu tư vào lĩnh vực khác, như vàng hay bất động sản.

Vì vậy, Chính phủ cùng các bộ, ngành cần tổng hợp nhiều giải pháp như kiểm soát giá vàng trong nước, thị trường bất động sản; hay một số dịch vụ phải tăng giá như điện, dịch vụ y tế, giáo dục thì cần phải đánh giá được tác động và lựa chọn thời điểm phù hợp để điều chỉnh. Ngoài ra, cần thực hiện một số chính sách giảm giá mặt bằng tiêu dùng nói chung, như giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế môi trường và điều hành chính sách tiền tệ để giữ tỷ giá trong biên độ cho phép. “Nếu chúng ta tổng hợp được các giải pháp đó, mục tiêu kiểm soát lạm phát từ 4 - 4,5% sẽ đạt được”, ông Cường nhận định.

Mới đây, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng lưu ý, ngoài yếu tố chu kỳ lạm phát thường tăng vào cuối năm còn có những yếu tố tác động rất khó dự báo, đặc biệt là tâm lý, kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp, biến động giá cả hàng hóa, lương thực thế giới. Vì vậy, để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, trọng tâm là kiểm soát lạm phát, Bộ trưởng cho rằng cần thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; điều tiết tỷ giá, lãi suất đồng bộ, hài hòa, hợp lý; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tiếp tục tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.

Bộ trưởng cũng yêu cầu theo dõi sát tình hình, chủ động dự báo, tính toán và cập nhật kịch bản lạm phát để xây dựng kịch bản điều hành giá tổng thể, rà soát các nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn để có giải pháp phù hợp, bảo đảm kiểm soát lạm phát dưới 4,5%. Chủ động phương án, lộ trình điều chỉnh giá phù hợp, khi có dư địa và điều kiện cho phép, với mức độ, thời điểm phù hợp, tránh dồn vào cùng một thời điểm. “Không để thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, tăng giá đột biến lương thực, thực phẩm, xăng, dầu; xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng tăng giá, thao túng giá; và sẵn sàng phương án cung ứng, điều tiết nguồn điện để bảo đảm cung ứng đủ điện, xăng dầu trong mọi tình huống”, Bộ trưởng nêu rõ.