Giải bài toán hai mặt của công nghệ
Sau 2 năm bùng nổ của ChartGPT (một chatbot AI của Công ty OpenAI có trụ sở tại Mỹ), thế giới đang chứng kiến những bước tiến mới về nghiên cứu và ứng dụng AI. Công nghệ này đang tạo ra “cơn sốt” đầu tư trên toàn cầu khi thu hút khoảng 1.400 tỷ USD vào các trung tâm dữ liệu AI từ các tập đoàn công nghệ cho giai đoạn 2024 - 2027.
Nhiều chuyên gia đánh giá, Việt Nam cũng đã có những bước tiến dài trong việc tiếp cận và phổ biến AI. Nước ta đang đứng ở trình độ trung bình cao về nghiên cứu và ứng dụng công nghệ này.
Không ai có thể phủ nhận những lợi ích to lớn của AI mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp khi nó giúp nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất, kinh doanh bằng việc thay thế con người trong những công đoạn đơn giản, mang tính lặp lại với hiệu suất tăng nhiều lần. Đặc biệt AI tạo sinh. Một hệ thống AI có khả năng tạo ra văn bản, hình ảnh hoặc các phương tiện truyền thông khác dựa trên các dữ liệu đầu vào đang mở ra những tiềm năng to lớn mà công nghệ có thể mang lại cho con người.
Tuy nhiên, khi nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đang rất hào hứng và cởi mở với công nghệ mới thì PGS Đinh Ngọc Minh, Khoa Công nghệ và kỹ thuật, Trường đại học RMIT, lại bày tỏ lo ngại về việc sử dụng AI một cách có trách nhiệm và đạo đức ở Việt Nam trong bối cảnh hành lang pháp lý ở nước ta về vấn đề này còn rất hạn chế.
Theo PGS Đinh Ngọc Minh, hiện các doanh nghiệp đầu tư rất nhiều vào AI. Việc đầu tư là cần thiết vì những ảnh hưởng sâu rộng của công nghệ này. Nhưng để phát triển công nghệ thật sự bền vững thì ứng dụng của nó phải tạo ra tác động tích cực cho xã hội chứ không chỉ dừng lại ở giá trị lợi nhuận, lợi ích của doanh nghiệp. “ChartGPT là công cụ mới cho con người nhưng không ai có thể kiểm soát được tính đúng hay sai của nội dung mà nó đưa ra. Khi sử dụng không có trách nhiệm hay đạo đức, con người hoàn toàn có thể “huấn luyện” công cụ này theo một ý đồ xấu, vượt qua phạm vi cá nhân, có thể liên quan tới cả lợi ích quốc gia. Đây là bài học cho các doanh nghiệp khi phát triển công cụ AI”.
Đồng tình với nhận định này, ông Lê Hồng Việt, Tổng Giám đốc FPT Smart Cloud đánh giá, lợi thế của doanh nghiệp Việt hiện nay chính là tính “mở” với công nghệ mới. Nhưng doanh nghiệp cần đánh giá đầy đủ những tác động hai chiều của công nghệ.
“Chúng ta cần cân bằng giữa xã hội và phát triển công nghệ. Quan điểm của chúng tôi là con người vẫn là số một. AI phát triển phục vụ sự hạnh phúc và thịnh vượng của người dân. Sau đó mới đến phát triển dữ liệu như thế nào để bảo đảm tính chân thực của công nghệ này”, ông Việt chia sẻ.
Là một trong những thành viên trong nhóm tư vấn chính sách về trí tuệ nhân tạo của Chính phủ Australia, ông Nguyễn Tuấn Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty ANSCenter cho biết, sau một thời gian phát triển “nóng”, nhiều quốc gia cũng đang khá dè dặt với những rủi ro và thách thức mà công nghệ này đặt ra. Việt Nam có cơ hội rất lớn để tiếp cận công nghệ này song cần đi cùng với việc hoàn thiện hành lang pháp lý để bảo đảm tính chuẩn mực, trách nhiệm và minh bạch khi nghiên cứu và ứng dụng.
Thúc đẩy AI có trách nhiệm tại Việt Nam
Theo đuổi nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo trong nhiều năm, anh Phạm Thanh Hà, hiện đang là Giám đốc Công nghệ của một Tập đoàn luôn tâm niệm, mọi nghiên cứu và giải pháp phải luôn bảo đảm tính minh bạch, được kiểm soát.
“Giới công nghệ có một thuật ngữ khi nhắc tới AI tạo sinh, đó là “ảo giác”. Nó chính là trạng thái không thể kiểm chứng, xác thực được những kết quả mà AI tạo ra. Chính vì vậy, điều quan trọng đối với các nhà phát triển như chúng tôi chính là phải bảo đảm tính “trong suốt” của đầu vào. Đó là tính rõ ràng, có kiểm soát và có trách nhiệm”, anh Hà chia sẻ.
Lấy thí dụ về những rủi ro từ trí tuệ nhân tạo, TS Võ Sĩ Nam, Giám đốc Trung tâm Tin Y sinh, Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn Vingroup (VinBigdata), cho biết, trong lĩnh vực y sinh, Việt Nam đã có nhiều thành tựu khi ứng dụng AI trong giải mã gen với độ chính xác và hiệu quả rất cao. Tuy nhiên, nguy cơ rủi ro là hiện hữu khi dữ liệu về sức khỏe, đặc biệt là dữ liệu gen của người dùng bị lộ khi các doanh nghiệp không bảo đảm vấn đề bảo mật. Đã có nhiều trường hợp xảy ra trên thế giới khi dữ liệu gen bị khai thác và sử dụng vào mục đích kiểm soát con người. Chính vì vậy, cần có những quy định chặt chẽ hơn trong việc sử dụng AI tại Việt Nam.
Ngăn chặn rủi ro từ AI là chủ đề được quan tâm hàng đầu trên thế giới. Cuối năm 2023, Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu đã đạt được thỏa thuận chính trị về các điều khoản của Dự luật trí tuệ nhân tạo. Đây được xem là bước tiến mới trong tiến trình xây dựng quy định pháp lý toàn diện đầu tiên trên thế giới trong lĩnh vực AI. Một số quốc gia cũng đã bước đầu dự thảo hoặc ban hành những quy định và công cụ để quản lý AI một cách có trách nhiệm. Tại Việt Nam, tháng 6 vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành bộ nguyên tắc nhằm thúc đẩy nghiên cứu và phát triển các hệ thống AI an toàn, có trách nhiệm, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực và kiểm soát rủi ro.
PGS Đinh Ngọc Minh đánh giá, việc ban hành bộ nguyên tắc cho thấy, nước ta đã thể hiện sự quan tâm rất lớn tới phát triển bền vững công nghệ này. Trong bộ nguyên tắc, tôi đánh giá rất cao vấn đề làm sao có thể kiểm soát và truy suất những hoạt động của AI. Đây sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp tuân thủ yếu tố đạo đức và trách nhiệm đối với nghiên cứu và ứng dụng AI.